12:19 03/12/2014

Xe tăng do Triều Tiên nâng cấp vẫn được sử dụng ở Syria

Ngành công nghiệp vũ khí Triều Tiên không chỉ có ảnh hưởng tới khách hàng ban đầu là chính phủ Syria, mà còn lan rộng ra các lực lượng khác.

Ngành công nghiệp vũ khí Triều Tiên không chỉ có ảnh hưởng tới khách hàng ban đầu là chính phủ Syria, mà còn lan rộng ra các lực lượng khác.  

Tay súng IS với hệ thống phòng không mang vác (MANPADS) SA-18 trên vai.


Cuộc nội chiến Syria đã kéo dài gần 4 năm nhưng sự ảnh hưởng của Triều Tiên ở Syria vẫn còn hiện hữu. Trong quá khứ, mối quan hệ gần gũi giữa Bình Nhưỡng và Damascus đã tạo điều kiện cho Syria thực hiện một số thương vụ mua vũ khí của Triều Tiên.

Một số tài liệu về cuộc gặp tổ chức ở Đại sứ quán Liên Xô về hội nghị năm 1973 ở Bình Nhưỡng đã được công khai chi tiết: “Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên chuyển lời nhắn riêng từ Chủ tịch CHDCND Triều Tiên tới Tổng thống Syria, rằng Triều Tiên sẵn sàng cung cấp cho Syria bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào”; “Ngày 9/10, đại sứ Syria được Phó Thủ tướng Choe Jae-U mời tới một cuộc gặp khác. Trong cuộc gặp này, ông Choe Jae-u tái khẳng định rằng Triều Tiên sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cho Syria, kể cả hỗ trợ về mặt quân sự”.

Mặc dù đề nghị trợ giúp từ phía Triều Tiên không mang lại thay đổi ngay lập tức cho kho vũ khí của quân đội Chính phủ Syria, có một sự thật hiển nhiên là quân đội Syria đã mang “một bộ mặt mới” thập kỷ sau đó.

Nhìn nhận lại mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đồng minh lịch sử và sự tin tưởng của Triều Tiên vào nguồn thu từ xuất khẩu vũ khí, thật không bất ngờ khi Damascus xoay sang Bình Nhưỡng khi nước này cần hiện đại hóa đoàn xe tăng cũ kĩ với một mức giá mềm.

Có lẽ ảnh hưởng đáng kể nhất của ngành công nghiệp vũ khí Triều Tiên ở Syria hiện diện trong  đoàn xe tăng rất lớn mạnh của Syria trước đây. Cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Triều Tiên đã nâng cấp hàng trăm cỗ xe tăng T-54 và T-55 của Liên Xô sản xuất, cho Syria. Một số xe tăng T-54 và T-55 còn được sử dụng trong chiến tranh Liban năm 1982.

Trong khi cuộc nội chiến Syria tiếp diễn ác liệt, chính quyền nước này, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe phái khác đang tiếp tục sử dụng rất nhiều vũ khí của Triều Tiên trong cuộc xung đột.

Sau khi rất nhiều xe tăng bị thu giữ tại thành trì của Lữ đoàn 93- đơn vị thiết giáp của Sư đoàn 17 thuộc quân chính phủ Syria ở Raqqa, IS đã trở thành chủ nhân mới của những chiếc T-55 được Triều Tiên nâng cấp. Sau đó, lực lượng này đã sử dụng chúng trong cuộc tấn công ở thị trấn Kobane chiến lược của Syria.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il kiểm tra một chiếc xe tăng được trang bị Thiết bị đo lường bằng laser (rangefinder).


Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đầu tiên vũ khí của Bình Nhưỡng rơi vào tay những vị khách không lường trước. Hồi tháng 10 vừa qua, Hệ thống phòng không mang vác (MANPADS) của Triều Tiên sản xuất được phát hiện sử dụng ở căn cứ không quân Kshesh, miền Trung Syria là một trường hợp nữa.

Đối với việc nâng cấp các cỗ xe tăng T-54 và T-55, ngành công nghiệp xe tăng Triều Tiên dựa phần lớn vào việc mô phỏng và hiện đại hóa thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực T-62. Trên thực tế, việc nâng cấp xe tăng sử dụng ở Syria dường như chỉ được Triều Tiên thực hiện để phục vụ xuất khẩu bởi loại vũ khí này chưa từng được chứng kiến sử dụng trong quân đội Triều Tiên.

Nét nổi bật của việc nâng cấp vũ khí bao gồm việc lắp đặt các thiết bị đo khoảng cách bằng laser (rangefinders) được Triều Tiên thiết kế và sửa đổi các tháp pháo; một số được trang bị các bệ phóng khói và súng máy hạng nặng KPV 14,5mm có trong hầu hết các xe tăng của Triều Tiên. Ngoài thiết bị đo khoảng cách đặc trưng trên các xe tăng của Triều Tiên, súng hạng nặng KPV là một vũ khí quan trọng và thường được sử dụng trên những cỗ xe tăng do Liên Xô sản xuất ở rất nhiều nước. Hiện chưa thể xác định liệu các tay súng IS có thể sử dụng các thiết bị đo khoảng cách bằng laser hay không, bởi sử dụng thiết bị này đòi hỏi huấn luyện chuyên nghiệp.

Trong khi hầu hết các xe tăng của Syria loại bỏ súng KPV và chuyển nó sang các xe tải nhỏ, một số lượng nhỏ các xe tăng vẫn trang bị súng máy này. Ban đầu, súng máy KPV được lắp đặt để tăng cường khả năng bảo vệ của cỗ xe tăng, chống lại các quả bom tấn công và trực thăng của quân thù. Hiện nay, nó chủ yếu được sử dụng chống lại các lực lượng bộ binh.

Các vũ khí xuất khẩu khác từ Triều Tiên sang Syria bao gồm các hệ thống pháo binh hạng nặng như pháo phản lực BM-11 122mm. Nhưng có vẻ không có thiết bị nào được sử dụng trong cuộc nội chiến Syria, và được cho là đã ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đụng độ giữa các lực lượng ở Syria chưa có dấu hiệu chấm dứt, các hệ thống vũ khí mới từng được Triều Tiên xuất khẩu sang khu vực này có lẽ sẽ dần lộ diện. Dù vũ khí Triều Tiên có chi phối thế nào tới cuộc chiến, rõ ràng cũng không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của Triều Tiên trong xung đột ở Trung Đông và cả những khu vực khác.


H.Nhân
(Theo nknews.org)