07:02 31/07/2012

Xe buýt Sài Gòn

Không hiểu sao dù mới chỉ một đôi lần vào Thành phố Hồ Chí Minh và ở đó lần gần đây nhất cũng chỉ một tuần thôi mà tiếng còi xi-nhan xe buýt Sài Gòn cứ ám ảnh tôi mãi.

Không hiểu sao dù mới chỉ một đôi lần vào Thành phố Hồ Chí Minh và ở đó lần gần đây nhất cũng chỉ một tuần thôi mà tiếng còi xi-nhan xe buýt Sài Gòn cứ ám ảnh tôi mãi.


Hai tiếng “éo...ò” cứ réo rắt bên tai tôi để đến nỗi đang đêm tôi cũng giật mình ngỡ tưởng chiếc xe buýt màu xanh đặc trưng ấy rẽ vào trong giấc ngủ của mình, rồng rắn nối đuôi nhau đi về các ngả trong mơ.

 

Xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên chính thức đưa vào khai thác tuyến Chợ Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

 

Chuyến công tác vừa rồi của tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, khi vừa bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, trong cái nắng gió chói chang của đất trời xứ lạ, đang ngơ ngơ ngác ngác xác định phương hướng thì bất ngờ nghe tiếng “éo...ò” sát bên tai, tôi giật mình nhận ra đó là tiếng còi xi-nhan của chiếc xe buýt đang đi tới. Ký ức về Sài Gòn với âm thanh đặc biệt này của những lần công tác trước tưởng đã ngủ yên rồi nay bỗng nhiên trỗi dậy.


Tôi mỉm cười một mình. Kỳ lạ thật! Cái âm thanh đặc trưng ấy sao mà thân thương đến thế. “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”. Nhìn số hiệu trên đầu xe, chọn đúng tuyến xe buýt của mình đi đến nơi tôi cần đến. Xe số 8, cầu Chà Và, chợ Xóm Củi về quận 8. Tôi tự tin bước lên cửa xe như người Sài Gòn thực thụ.


Tiếng còi xi nhan của xe buýt Sài Gòn khiến tôi nhớ lại tiếng chuông leng keng của xe điện Hà Nội những năm của thế kỷ trước. Từ 3, 4 giờ sáng cho mãi tận 9, 10 giờ đêm, tiếng chuông leng keng của các tuyến xe điện từ Bờ Hồ Hoàn Kiếm tỏa đi các ngả. Nào chợ Bưởi, chợ Mơ, nào Kim Mã, Hà Đông, những toa xe điện nối đuôi nhau len lỏi đi từng con phố. Dạo ấy, tôi còn trẻ lắm. Hà Nội 36 phố phường, đông đúc người xe rất dễ bị lạc.


Theo kinh nghiệm của một số người đã từng ra Hà Nội, tôi cứ bám theo xe điện mà đi, dứt khoát sẽ đến Bờ Hồ, trung tâm của Thủ đô rồi từ đó mà đi tiếp. Tiếng chuông leng keng, cái cần gạt điện mỗi khi qua cột điện lại lóe sáng lên như tia chớp, tờ vé bé xíu giá 5 xu (hoặc 1 hào) cùng tiếng cậm cạch đều đều của tàu điện đã ăn sâu vào ký ức của tôi và bao người. Bây giờ, ký ức ấy trở thành hoài niệm về một Hà Nội xưa phố cổ để đi vào nhạc, họa, thi ca...


Sài Gòn đây, Thành phố Hồ Chí Minh đây! Hình ảnh những chiếc xe buýt miệt mài nối đuôi nhau đi về các ngả đường phố, từ 4, 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm với tiếng còi xi-nhan đặc trưng ấy sao mà giống xe điện Hà Nội ngày xưa thế! Thành phố với 19 quận, 5 huyện, rộng 2.095 km2, đông hơn 8 triệu dân này có đầy đủ hệ thống giao thông (thủy, bộ, đường sắt, đường không) quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á, với 21,3% GDP cả nước thực sự là “hòn ngọc của Viễn Đông”. Trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, hệ thống xe buýt đóng góp một phần quan trọng. Hơn 30 tuyến xe buýt với hàng trăm xe khác nhau đã giải quyết việc đi lại của người dân thật hiệu quả.


Chỉ một tuần ở đây, tôi đã nhảy lên không dưới chục tuyến xe buýt. Xe 07 từ bến xe Chợ Lớn đi quận Gò Vấp; xe 08 từ Suối Tiên đi Quận 8; xe 111 từ bến xe quận 8 đi bến xe An Sương; xe 04 từ Bến Thành đi Cộng Hòa ra An Sương; xe 90 từ bến phà Bình Khánh theo đường rừng Sáp đi Cần Giờ; xe 152 từ công viên Hoàng Văn Thụ ra sân bay Tân Sơn Nhất... Chằng chịt dọc ngang phố phường, rẽ phải, quẹo trái, chỗ nào cũng có xe buýt. Giá vé lại rất rẻ, cả chặng là 8.000 đồng, nửa chặng 4.000 đồng, vô tư đi. Từ Suối Tiên qua bến xe Miền Đông, về cầu Chà Và xa như thế, ngoằn ngoèo như thế cũng chỉ có 8.000 đồng thôi nha. Ngồi hơn hai tiếng đồng hồ, tha hồ mà ngắm cảnh Sài Gòn.


Tôi thật ấn tượng với kiểu bán vé tự động trên xe buýt nơi đây. Lên chiếc xe số 152 ra sân bay, bước lên cửa ca-bin, thấy bác tài bảo mua vé, tôi ngó ngược ngó xuôi không thấy phụ xe đâu cả. Bác tài phải ra hiệu bỏ tiền vào cái hộp ngay bên tay lái của bác ấy tôi mới biết. Nghĩ là xe công cộng, cái hộp này là hộp từ thiện, hành khách tự nguyện đóng góp tùy tâm, tôi mở ví lấy tờ hai chục ngàn nhét vào cái khe. Bất ngờ, bác tài giơ tay phải gõ đánh “cạch” một phát vào cái nút bên trên cái hộp. Một lũ tiền “cạch” lọc xọc rơi ra cái khay cạnh hộp. Tôi tròn mắt. Bác tài bảo: “Cầm lấy. Tiền thối lại đó”. Lóng ngóng, tôi nhặt những đồng tiền kim loại vào và nhẩm đếm. Mười sáu ngàn cả thảy. Vị chi là giá vé 4.000 đồng.


Tôi cười thầm vì cái sự quê mùa của mình rồi chợt nghĩ làm sao tiêu được số tiền “cạch” này đây? Ở ngoài Bắc có ai tiêu tiền này nữa đâu? Nhưng rồi nghĩ mình ở Sài Gòn cả tuần nữa, còn đi nhiều lượt xe buýt nữa chỉ sợ không có tiền “cạch” mà mua vé kiểu này nên cũng thấy vui vui.


Một điều lạ nữa là khá nhiều phụ xe buýt là nữ, nhất là các xe liên tỉnh. Trông họ đẹp lắm. Cả tài xế và phụ xe đều lịch sự. Quần áo đồng phục, ca vát, biển hiệu đầy đủ. Không thấy xe nào bỏ bến bao giờ. Trừ những bến chính có nhà chờ, còn lại những bến phụ là những điểm đỗ bởi những vạch vàng chéo nhau trên đường phía bên phải. Khách lên xe trật tự. Trẻ nhường chỗ cho người già. Có ghế ưu tiên người già, con mọn. Phương châm hoạt động của xe buýt Liên hiệp Sài Gòn là “thân thiện, uy tín, chất lượng, phục vụ tận tâm”. Bởi văn minh, lịch sự vậy nên nhiều xe khách liên tỉnh khi sắp về tới Thành phố Hồ Chí Minh đã mạo danh biển số xe buýt để bắt thêm khách. Hôm tôi ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Sài Gòn, khi sắp tới thành phố, thấy tay phụ xe khách này lấy tấm biển tròn có số 603 dán lên kính trước của xe. Từ đó trở đi xe đỗ dừng vô tội vạ bắt khách. Đến khi gặp trạm cảnh sát giao thông, họ mới hốt hoảng tháo dỡ vội tấm biển này xuống. Lúc đó tôi mới hiểu việc làm của họ. Thì ra đây là xe buýt giả mà báo chí đã từng lên tiếng.


“Éo...ò! Éo...ò”. Tiếng còi xi nhan của xe buýt Liên hiệp Sài Gòn lại vang lên bên tai tôi. Như đàn kiến tha mồi, như con ong cần mẫn, những chiếc xe buýt Sài Gòn đang mải miết nối đuôi nhau đi về các ngả. Chẳng bao giờ chậm trễ, lỡ hẹn, dù sớm dù khuya, dù mưa dù nắng, hành khách cứ yên tâm lên xe mà đi. Ơi tiếng còi xi-nhan xe buýt Sài Gòn dẫu chỉ một tuần tôi đi thôi mà sao ấn tượng nhớ nhung đến thế! Tiếng còi ấy đã theo tôi về Bắc và hẹn tôi sớm có ngày trở lại với Sài Gòn yêu thương...



X.T