10:17 16/10/2011

Xảy ra đụng độ trong cuộc biểu tình "Chiếm lấy Phố Wall”

Ngày 15/10, Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã lan sang rộng sang khắp các châu lục trên thế giới, nhưng nghiêm trọng hơn, đã xảy ra các cuộc đụng độ đầu tiên trong phong trào vốn cam kết biểu tình trong hòa bình này.

Ngày 15/10, gần 1 tháng kể từ khi bùng phát tại Mỹ, Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã lan sang rộng sang khắp các châu lục trên thế giới, nhưng nghiêm trọng hơn, đã xảy ra các cuộc đụng độ đầu tiên trong phong trào vốn cam kết biểu tình trong hòa bình này.

Biểu tình tại Rôma, Italia ngày 15/10. AFP/ TTXVN

Tại New York, một người biểu tình đã bị thương trong khi đụng độ với cảnh sát. Một nhân chứng cho biết 74 người biểu tình đã bị bắt giữ, trong khi hàng nghìn người vẫn tiếp tục đổ về quảng trường Thời Đại và tham gia phong trào phản kháng này. Các cuộc biểu tình tiếp diễn tại Oasinhtơn, Boston, Chicago, Los Angeles ... Không chỉ có vậy, các cuộc đụng độ đã liên tiếp xảy ra trong các phong trào ủng hộ "Chiếm lấy Phố Wall" tại các nước khác trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Rôma, đụng độ đã diễn ra khi các chiến binh mặc đồ đen trà trộn vào đám đông và bắt đầu tấn công cảnh sát và các cơ sở vật chất. Nhiều người quá khích đã ném chai lọ vào cảnh sát, đốt cờ của Italia và Liên minh châu Âu, đập phá máy rút tiền, tấn công các ngân hàng và cửa hiệu, đồng thời đốt cháy 3 xe ôtô. Thậm chí, Văn phòng của Bộ Quốc phòng Italia cũng bị phóng hỏa. Cảnh sát chống bạo động đã phải bắn đạn hơi cay, dùng dùi cui và vòi rồng để giải tán đám đông. Hơn 20 người đã bị thương trong cuộc biểu tình, trong đó có cả cảnh sát, người biểu tình và người quá khích.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình tại đây vẫn không ngừng gia tăng. Hàng trăm nghìn người biểu tình đã xuống đường nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính cũng như sự phẫn nộ đối với giới doanh nghiệp, các chính trị gia "phá hoại nền kinh tế" bằng sự quản lý yếu kém của mình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh và chống bạo động. Một số tuyến đường giao thông chính bị cảnh sát phong tỏa, nhiều tuyến xe buýt buộc phải chuyển hướng, 4 ga tàu điện ngầm và các khu du lịch đã phải đóng cửa.

Cũng tại châu Âu, theo phóng viên TTXVN tại Luân Đôn, hàng chục người biểu tình tỏ ra giận dữ và xô xát với lực lượng cảnh sát, trong đó 2 đối tượng quá khích đã bị bắt. Cảnh sát Anh lập thành một hàng rào để cô lập nhóm biểu tình. Khoảng 3.000 người từ khắp nơi đã đổ về trung tâm tài chính Luân Đôn phản đối giới tài chính ngân hàng mà họ cho là thủ phạm đẩy nền kinh tế thế giới tới khủng hoảng và suy thoái. Cuộc biểu tình tại Luân Đôn dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 16/10. Tham gia biểu tình có đủ các thành phần, từ công chức, giáo viên, sinh viên, người thất nghiệp và cả những du khách qua đường. Hàng nghìn người đã giơ cao và hô vang các khẩu hiệu: “Chúng tôi chiếm 99%”, “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”, “Phản đối cắt giảm ngân sách”, “Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng”, “Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh”... Họ cho rằng sự tham lam và vô trách nhiệm của giới tài phiệt và ngân hàng – những người chỉ chiếm 1% dân số - đã đẩy phần còn lại của dân Anh tới cuộc suy thoái lớn nhất trong 70 năm qua.
Trong một diễn biến liên quan, theo tin từ trang mạng 15october.net, hưởng ứng "Ngày biểu tình toàn cầu 15/10", ngày 15/10, phong trào biểu tình đã diễn ra tại 951 thành phố ở 82 quốc gia với khẩu hiệu duy nhất là kêu gọi “Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu”. Đây là lần đầu tiên phong trào biểu tình này có qui mô rộng rãi trên toàn thế giới.

Xuất phát từ Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” tại thành phố New York và “Những người phẫn nộ” tại thủ đô Mađrít -Tây Ban Nha, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đường phố từ các nước Châu Âu sang Châu Á, từ Châu Phi đến Châu Mỹ. Những người biểu tình đều bày tỏ mong muốn có một nền dân chủ thực sự. Họ cho rằng chính sách tài chính hiện nay chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số ít những người giàu có mà quên đi nguyện vọng của người dân, đồng thời kêu gọi phải chấm dứt tình trạng bất công này.

Tại Canađa, hơn 10.000 người cũng đã tiến hành những cuộc biểu tình trên khắp cả nước như một phần của những cuộc biểu tình trên thế giới phản đối sự tham lam của giới chủ doanh nghiệp. Tại thủ đô Ốttaoa, khoảng 300 sinh viên, học sinh, công đoàn viên đã biểu tình phản đối hệ thống chính trị và kinh tế của các cường quốc tại công viên trung tâm thủ đô, gần tòa nhà quốc hội. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ phải đưa ra mức thuế cao hơn đối với những người giàu và siết chặt quản lý hơn nữa đối với hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng biểu tình ở các thành phố Toronto, Halifax, Montreal, Quebec, Winnipeg, Calgary và Vancouver với một loạt yêu cầu từ tạo việc làm đến phân chia của cải công bằng hơn...

Bên cạnh đó, hàng chục nghìn người biểu tình cũng đã tập trung tại thủ đô Lixbon (Bồ Đào Nha), Mađrít (Tây Ban Nha), Đúplin (Ailen), Béclin, (Đức), Durích (Thụy Sĩ) và Aten (Hy Lạp) như một phần của Ngày biểu tình toàn cầu nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và phân chia không công bằng của các tập đoàn tài chính.

Tại Auckland, thành phố lớn nhất của Niu Dilân, đã diễn ra cuộc biểu tình với sự tham gia của 3.000 người. Tại Hồng Công và Malaixia, hàng trăm người biểu tình đã phản đối sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi ích kinh tế trong xã hội.

TTXVN/Tin Tức