05:09 24/05/2012

Xây dựng Vân Phong thành khu kinh tế trọng điểm miền Trung

Mục tiêu phát triển chủ yếu của khu kinh tế Vân Phong là tạo nên một KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là một trong 15 khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Ngay từ năm 2006, Chính phủ xác định, việc thành lập KKT này nhằm “khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước; thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước”.

Theo đó, mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Vân Phong là tạo nên một KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Một góc vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Internet


Có thể nói, vịnh Vân Phong có những đặc điểm địa lý tự nhiên tối ưu để phát triển KKT theo định hướng này. Với diện tích lên đến trên 150 nghìn ha kể cả mặt nước vịnh và đất liền, vịnh có độ sâu trung bình từ 15- 22 mét, luồng vào cảng ngắn, có độ sâu trên 22 mét và ổn định do không có dòng chảy của sông hoặc hải lưu nào và khá kín gió, rất thuận tiện để xây dựng một cảng trung chuyển container quốc tế và nhiều dự án kinh tế khác.

Bên cạnh đó, vịnh nằm cạnh các trục giao thông chính của quốc gia, như đường quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc- Nam, nên rất thuận tiện cho quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động sau này của các dự án kinh tế.

Để có cơ sở mời gọi các nhà đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã xác định rõ KKT Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cần phát huy tối đa nguồn vốn Trung ương và nội lực của tỉnh, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để sớm hình thành và nhanh chóng phát triển KKT này. Trong đó BCH Đảng bộ tỉnh đã ra nhiều Nghị quyết về huy động vốn đầu tư cho ba vùng kinh tế trọng điểm nói chung và tập trung đẩy mạnh phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2006- 2010.

Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể về huy động vốn, các quyết định quy định trình tự thủ tục đầu tư vào KKT với mục đích giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình là cơ sở hạ tầng cho KKT, như hệ thống đường giao thông, hệ thống cung cấp nước, rà phá bom mìn, giải toả đền bù và tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án, xây dựng cơ sở ứng phó sự cố tràn dầu Vân Phong... với tổng nguồn vốn trên 761 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, đến thời điểm này, tại đây đã có 109 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký tương đương 14,24 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án có quy mô và mức đầu tư lớn như: Trung tâm điện lực, Tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong, Kho xăng dầu ngoại quan, Khu đô thị Tu Bông và khu du thuyền cao cấp...

Đến nay đã có 40 dự án đi vào hoạt động, 13 dự án đang triển khai xây dựng, 33 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,4 tỷ USD. Trong đó phải kể đến một số dự án đã phát huy tác dụng tích cực, như nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, hiện đã có khả năng mỗi năm đóng mới 16 tàu biển có trọng tải lớn từ 37.000- 82.000 tấn/ chiếc.

Sau hơn 4 năm xây dựng, giai đoạn 1 của Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong với hệ thống bể chứa xăng dầu có dung tích 505.000 mét khối và các công trình phụ trợ, như 4 cầu cảng, tuyến ống... bắt đầu vận hành vào giữa năm nay, với mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển, phân phối các sản phẩm xăng dầu vào thị trường Việt Nam và các thị trường khác.

Tuy vậy, so với vai trò là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung, việc triển khai đầu tư các dự án tại KKT Vân Phong còn khá chậm, vốn đăng ký của dự án nhiều nhưng thực hiện đạt thấp. Tổng số vốn ước thực hiện đến thời điểm hiện nay mới chỉ đạt khoảng 460 triệu USD so với tổng vốn đăng ký trên 14 tỷ USD.

Đa số các dự án lớn đang triển khai đều được thực hiện trước khi lập ra KKT, như Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan... và hầu hết đều nằm ngoài các phân khu chức năng. Các dự án được coi là “động lực” của khu kinh tế như Cảng trung chuyển container, tổ hợp lọc hoá dầu, khu căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí... đều mới trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

Riêng dự án Cảng trung chuyển container quốc tế- giai đoạn khởi động, vốn khởi công xây dựng cuối năm 2009, nay đã phải tạm dừng để điều chỉnh lại thiết kế, theo hướng nâng công suất cao hơn.

Qua đợt kiểm tra, giám sát gần đây, ông Trần An Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, thì việc chậm triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho KKT (tổng vốn đầu tư chỉ đạt 761/2.895 tỷ đồng), quản lý nhà nước cũng có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các dự án, như: công tác lập quy hoạch còn lúng túng; công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; tỉnh chưa tiến hành rà soát, phân loại và có chính sách cụ thể để xử lý đối với việc chậm tiến độ của nhiều dự án...

HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban quản lý KKT Vân Phong và các ngành chức năng tỉnh cần sớm khắc phục những hạn chế nói trên để KKT sớm có đủ điều kiện phát triển đúng tiến độ như mục tiêu đề ra.

Tiên Minh