03:08 15/03/2012

Xây dựng văn hóa giao thông từ tính tự giác

Mặc dù cả hệ thống chính trị quốc gia cùng vào cuộc nhưng TNGT vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có tới 80% nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra. Vậy, mỗi người hãy tự vun đắp ý thức văn hoá khi tham gia giao thông, để cùng góp sức đảm bảo ATGT.

Trong khi hạ tầng chưa song hành cùng sự gia tăng của phương tiện, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, tai nạn giao thông (TNGT) đã tăng cao trong nhiều năm qua. Tính bình quân có tới 30 người chết vì TNGT mỗi ngày. Đến nay, mặc dù cả hệ thống chính trị quốc gia cùng vào cuộc để kiềm chế TNGT, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, trong đó có tới 80% nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra như: Phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, vượt đèn đỏ, uống rượu bia... Vậy, mỗi người hãy tự vun đắp ý thức văn hoá khi tham gia giao thông, để cùng góp sức đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

Khi ATGT chưa trở thành ý thức

Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông đại chúng lại phải thường xuyên phản ánh tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ như hiện nay. Chưa hết, khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện, bắt giữ, xử lý, người vi phạm lại có những hành vi xúc phạm, chống lại người thi hành công vụ như: Húc xe vào cảnh sát, quát mắng CSGT thô tục... Rõ ràng là văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông đang đi xuống và những vụ chống người thi hành công vụ trong giao thông đang có xu hướng tăng lên, gây bức xúc dư luận xã hội.

Tham gia giao thông trên đường hiện có một “luật bất thành văn” đã in sâu trong tâm trí mỗi người dân là cứ ở đâu có bóng áo vàng của CSGT là ở đó người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chấp hành luật răm rắp. Nhưng cứ khi vắng bóng CSGT, tình trạng vi phạm ATGT lại tái diễn. Giải “bài toán” này quả là khó khi mà lực lượng CSGT thì mỏng, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp lại thiếu, yếu hoặc đã lỗi thời.

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn giao thông tại ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Có thể đếm không hết muôn hình vạn trạng các kiểu không chấp hành hoặc coi thường Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ những người thường xuyên tham gia giao thông, điển hình là cánh lái xe khách đường dài, taxi, xe buýt. Nhiều người dân sinh sống tại khu vực các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên... đã nhiều lần phản ánh với báo Tin Tức về tình trạng đón khách, trả khách tùy tiện; phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách và những chuyến xe hung thần, chở quá tải... ngay cả khi còn trong thành phố, qua mặt lực lượng CSGT. Dọc các tuyến xe khách cố định, gặp chỗ nào CSGT cắm chốt, cánh lái xe đều “a lô” cho nhau. Thường thì cứ khi nào có công an, hàng đoàn xe nối đuôi nhau chạy từ tốn, đúng luật, nhưng qua khỏi chỗ kiểm soát, các xe lập tức phi mã, phá luật. Không riêng gì xe khách, tình trạng vi phạm ATGT diễn ra thường xuyên đối với hầu hết các phương tiện tham gia giao thông và càng phổ biến hơn khi vắng bóng CSGT.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tăng cường xử lý các hành vi vi phạm ATGT của lực lượng CSGT kết hợp với các biện pháp khác như tuyên truyền; gắn kết việc chấp hành luật pháp về ATGT với thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, nhà trường… đã góp phần nâng cao được nhận thức và giảm bớt phần nào số đối tượng vi phạm ATGT. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn có tư tưởng chấp hành luật lệ ATGT một cách đối phó, cậy nhờ người quen khi vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Công an Hà Nội ) cho biết: Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm ATGT cũng có những tác động tích cực đến người tham gia giao thông. Xét về mặt tâm lý, khi người tham gia giao thông nhìn thấy CSGT đang làm nhiệm vụ thì cũng có thái độ và ý thức tuân thủ các quy định về đảm bảo ATGT hơn.

Hãy vun đắp văn hóa giao thông

Tình trạng thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đang có chiều hướng gia tăng, là một báo động về công tác giáo dục văn hóa giao thông đối với nhóm đối tượng này. Do đó, việc giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các em trong nhà trường đang ra đặt nhiệm vụ cấp bách với ngành Giáo dục. Từ năm 2011 đến nay, các trường THPT: Việt Đức, Trần Phú, Kim Liên, Quang Trung, Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã thực hiện thí điểm chương trình “Học sinh tham gia bảo đảm trật tự ATGT trong và ngoài nhà trường”, nhằm lập lại trật tự giao thông, chống ùn tắc giao thông các khu vực cổng trường.

Trong quá trình triển khai, nhà trường và các lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các em, để các em tự giác chấp hành. Ngành giáo dục phối hợp lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý, trong đó có cả hình thức quay băng hình để nhận diện học sinh đi xe máy. Ngoài những biện pháp nêu trên, mỗi trường lại có thêm những hình thức khác để thực hiện. Trường THPT Kim Liên đã tổ chức khu vực quản lý, trông xe cho những học sinh đủ điều kiện sử dụng xe máy, tổ chức cho học sinh đủ 18 tuổi chưa có bằng lái xe đăng ký dự thi để được cấp bằng; Trường THPT Việt Đức chủ động chụp ảnh học sinh đi xe máy đăng lên bảng tin, thông báo trong giờ sinh hoạt lớp và kết hợp với cha mẹ học sinh có biện pháp xử lý... Việc thực hiện mô hình thí điểm có sự vào cuộc của công an và chính quyền địa phương. Đến nay, chương trình đã đạt chuyển biến bước đầu, học sinh các trường này đã không sử dụng xe máy khi chưa đủ điều kiện. Đây là cơ sở để năm học 2012-2013 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục nhân rộng kết quả. Thành công trên cho thấy việc nâng cao văn hóa giao thông học đường cho học sinh hoàn toàn có thể làm được khi có sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, lực lượng công an, đoàn thanh niên... nhất là các bậc phụ huynh. Bản thân các bậc cha mẹ học sinh cũng phải nâng cao ý thức, xem xét lại việc giao xe máy cho con em có thật sự cần thiết hay không.

Trong thông điệp đầu năm 2012 gửi đến nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Chính phủ lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông” đề ra đồng bộ các biện pháp tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm thiết lập kỷ cương trật tự ATGT trong phạm vi cả nước và giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Một xã hội an toàn, không tai nạn, thân thiện và đầy tình người là mục tiêu của năm ATGT. Các cấp, các ngành cần tích cực và quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhằm phấn đấu giảm thiểu TNGT từ 5 - 10% theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức văn hóa, tự giác khi tham gia giao thông là một trong những giải pháp cốt lõi.

Để có văn hóa giao thông, điều đầu tiên và cơ bản nhất của người tham gia giao thông là hiểu biết đầy đủ, đúng đắn pháp luật. Người tham gia giao thông có văn hóa là người thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, thực hiện tốt mọi quy định của luật, từ cử chỉ, hành động đến thái độ, lời nói và phương tiện đều cần sự chuẩn mực, có văn hóa. Nhà chức trách quản lý điều hành phải thực hiện tốt pháp luật về trật tự ATGT. Không những hiểu luật đầy đủ, người tham gia giao thông còn cần biết vận động và hướng dẫn cho nhiều người cùng hiểu và thực hiện đúng luật. Người tham gia giao thông còn có trách nhiệm và lương tâm cao không chỉ bảo vệ mình mà còn góp phần bảo đảm an toàn cho người khác. Các lực lượng chức năng, những người giám sát và thực thi luật pháp cũng cần nghiêm túc chấp hành các quy định giao thông; xử phạt người vi phạm nghiêm, đúng mực, khách quan và công bằng.

Chúng ta đang có nhiều phong trào xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông. Để thực hiện được phong trào này cần có sự hướng ứng, tham gia tích cực từ phía người dân. Người dân có quyền giám sát, khiếu nại, tố cáo việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền thì người dân cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật và ứng xử có văn hóa.

Tiến Hiếu