08:15 13/08/2014

Xây dựng thương hiệu sinh học biển

Việc xây dựng đa dạng sinh học biển trở thành thương hiệu cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhờ đó giúp các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược... được phát triển bền vững.

Việc xây dựng đa dạng sinh học biển trở thành thương hiệu cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhờ đó giúp các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược... được phát triển bền vững.

Vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh cảnh cao với nhiều kiểu hệ sinh thái điển hình, tính đa dạng thành phần loài cũng rất phong phú, có nhiều nhóm được ghi nhận trên 1.000 loài. Đây là cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam.

Những yếu tố ảnh hưởng


Hiện ở Việt Nam có rất nhiều hoạt động khai thác phá vỡ các sinh cảnh biển. Việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn phá vỡ rạn san hô khiến nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô. Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên.

 

Một góc khu Ramsan của thế giới rừng U Minh tỉnh Cà Mau hôm nay.
Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Các khu nuôi cửa sông ven biển thải rác thải, thức ăn ôi thiu khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhiều thành phần môi trường bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm do các chất thải khác nhau không được xử lý đổ ra môi trường là nguyên nhân đe dọa tới đa dạng sinh học. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã được ghi nhận ở nhiều nơi như vùng biển Cát Bà, Bạch Long Vĩ trong năm 2012 - 2014.


Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái vốn bị chia cắt ở Việt Nam sẽ phản ứng kém hơn trước với những sự thay đổi này và có thể sẽ không tránh khỏi sự suy giảm nhanh các loài sinh vật.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, 14 loài là những loài có tác động xấu tới đa dạng sinh học biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên.


Định hướng, giải pháp xây dựng thương hiệu


Trước hết, việc xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển là xây dựng các thương hiệu cho các loài đặc hữu và kỳ quan sinh thái của Việt Nam, để khai thác tiềm năng này cho việc phát triển kinh tế biển đảo trong tương lai. Khi mà đa dạng các loài đặc hữu, đa dạng sinh cảnh độc đáo trở thành thương hiệu sẽ góp phần tạo nên thương hiệu đa dạng sinh học biển cho Việt Nam.


Xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển gắn với thương hiệu quốc gia và các địa phương. Trong chiến lược biển, việc gắn kết, khai thác các tiềm năng kinh tế của biển gắn liền với khai thác tiềm năng phát triển của đất nước, phục vụ cho sự phát triển nhanh hơn của các vùng trong nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Mặt khác, xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển gắn với quản lý, khai thác bền vững.


Xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam cần phải tính đến việc kết hợp vấn đề kinh tế với quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; gắn với trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của doanh nghiệp, của mỗi vùng và của cả quốc gia. Nhanh chóng đưa các khu bảo tồn biển vào hoạt động hiệu quả...


Các cơ quan chức năng liên quan cần kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Đồng thời tuyên truyền về Luật Đa dạng sinh học tới toàn bộ cộng đồng ngư dân ven biển, đảo Việt Nam để người dân hiểu và cùng thực hiện. Cần phải thực hiện các chương trình giám sát quốc gia về đa dạng sinh học biển để có những biện pháp kịp thời giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Để xây dựng thương hiệu biển trong hội nhập quốc tế, không thể thiếu công tác quảng bá thông tin về đa dạng sinh học biển. Tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực đa dạng sinh học như IUCN, WWF để cùng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thương hiệu đa dạng sinh học biển cho Việt Nam.

Văn Hào