04:11 10/04/2011

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm “gỗ Việt”

Số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp (công suất từ 200 m3 gỗ tròn/năm).

Số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp (công suất từ 200 m3 gỗ tròn/năm). Ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ đã có bước phát triển vượt bậc. Sản phẩm gỗ đã giữ vị trí số 4 trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam dường như vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD, có mặt tại 120 thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... Xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2003 - 2007 khoảng 176%, chiếm khoảng 38% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đó là thị trường EU, với kim ngạch chiếm 28 - 30%.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Savimex TP.HCM. Ảnh: Văn Khánh – TTXVN


Tuy có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nhưng chất lượng tăng trưởng sản phẩm gỗ Việt Nam còn thấp. Tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam phát sinh không hoàn toàn từ đổi mới công nghệ sản xuất. Trên 90% sản phẩm gỗ Việt Nam phải bán qua khâu trung gian và chủ yếu được sản xuất, gia công, chế biến theo sự đặt hàng và thiết kế mẫu từ khách hàng nước ngoài. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ FDI là có quy mô lớn, tạo ra khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước. Các doanh nghiệp FDI, liên doanh và một số doanh nghiệp trong nước có khả năng đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến có khả năng tự sản xuất theo thiết kế và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại, phần lớn các cơ sở chế biến gỗ có công nghệ, thiết bị còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức về các công đoạn như sấy gỗ, hoàn thiện bề mặt sản phẩm...

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước còn chưa chủ động liên kết với nhau để có thể đáp ứng các đơn hàng với khối lượng lớn và chưa thật sự chia sẻ thông tin trong khai thác thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam còn yếu, chất lượng đội ngũ công nhân chế biến gỗ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của ngành. Hiện lao động trong ngành chế biến gỗ còn chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và đặc biệt là thiếu nhiều kỹ năng do chưa được đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều triển vọng về thị trường xuất khẩu cho lâm sản Việt Nam, nhưng cũng đi kèm không ít khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các quy định khắt khe khi tiếp cận thị trường Mỹ và EU. Ngoài các quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu, như thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật thương mại, quy định REACH (về đăng ký, đánh giá và cấp phép sử dụng hóa chất), các sản phẩm gỗ phải tuân thủ thêm các luật chuyên ngành rất khắt khe như Luật LACEY (khai báo xuất xứ gốc và tên loài gỗ trong sản phẩm) của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có khuyến nghị luật quản lý rừng và buôn bán lâm sản (FLEGT). Theo quy định mới này, gỗ và các sản phẩm từ gỗ khai thác trái phép sẽ không được nhập khẩu vào thị trường EU. Theo đó, tất cả các công ty nhập khẩu và kinh doanh gỗ tại thị trường EU sẽ phải tuân thủ việc kê khai rõ chuỗi cung cấp đảm bảo gỗ được khai thác hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với những rủi ro kinh doanh mới.

Trong khi đó, thị trường trong nước lại chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm khai thác. Thực tế cho thấy, mức sống của người dân Việt Nam đang được cải thiện và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ chất lượng cao cũng đang gia tăng. Hiện nay đã xuất hiện các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc và một số nước EU xâm nhập thị trường Việt Nam với chất lượng phù hợp yêu cầu của người tiêu dùng. Điều này cho thấy, sản phẩm gỗ Việt Nam không chỉ cần tạo thương hiệu trên thị trường thế giới mà còn phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng ngay trên sân nhà.

Để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần sáng tạo hơn trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường, nâng cao khả năng marketing của doanh nghiệp ứng phó với biến đổi thị trường. Các doanh nghiệp chế biến gỗ cần từng bước làm chủ thương hiệu, chủ động trong thiết kế để tạo ra các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại, giá trị ngày càng tăng. Phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển công nghệ và giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ phải quan tâm áp dụng công nghệ sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, sử dụng tối đa nguồn năng lượng sạch để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Để ngành công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ được coi là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải phát triển theo hướng ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư theo chiều sâu hướng tới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và xây dựng được thương hiệu “gỗ Việt”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng lưu ý, bên cạnh những chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ liên doanh, liên kết với các chủ rừng để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ. Ngành công nghiệp chế biến gỗ phải được quy hoạch phát triển theo các khu vực tập trung với quy mô đủ lớn, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bích Hồng