10:15 11/10/2012

Xây dựng thành phố Thái Nguyên xứng tầm đô thị trung tâm Việt Bắc

Chặng đường trước mắt sẽ còn nhiều gian nan thách thức, nhưng với truyền thống của một thành phố 50 năm tuổi, thành phố anh hùng, trong tương lai không xa, thành phố Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế giàu mạnh và phồn vinh...

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên (19/10/1962 - 19/10/2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, đồng chí Lê Văn Tuấn (ảnh) - Tỉnh Ủy viên - Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN .


Qua 50 năm xây dựng và phát triển, đồng chí có thể cho biết những dấu ấn phát triển nổi bật của thành phố Thái Nguyên, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay?


Ngày 19/10/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 114/CP thành lập thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích tự nhiên gần 16 km2, dân số khoảng 60.000 người. Khi đó đô thị có phố xá xen lẫn ruộng vườn, thiếu hạ tầng và qui hoạch.


Tuy nhiên, thành phố đã sớm xác định được nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển đô thị. Chủ trương tập trung chỉ đạo lập qui hoạch, lấy quĩ đất để phát triển đô thị được triển khai thực hiện từ năm 1990. bộ mặt thành phố đã thay đổi. Tháng 9/1996 tại Quyết định số 802/QĐ-TTg của Chính phủ, thành phố Thái Nguyên được công nhận là trung tâm vùng Việt Bắc. Năm 1998 thành phố Thái Nguyên vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.


Những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế- xã hội, cơ sở hạ tầng, qui hoạch đã tạo nên bộ mặt mới, sinh khí mới cho đô thị Thái Nguyên. Đến năm 2002, đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, thành phố được công nhận là đô thị loại II. Tháng 11/2005 Chính phủ đã có Quyết định số 278/2005/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên đến năm 2020. Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Và đến tháng 9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1615/QĐ-TTg công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. Về địa giới, thành phố đã 3 lần được điều chỉnh mở rộng thêm vào năm 1977, 1984 và 2008.


Đến nay, tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 18.630 ha, dân số trên 33 vạn người. Tháng 6/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất. Đó chính là những dấu ấn lịch sử nổi bật nhất đánh dấu sự phát triển. Cũng phải nói rằng, mỗi một mốc son đó, là quá trình nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên đã đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới. Đây là điều kiện thuận lợi, là thời cơ, động lực để thành phố vững tin đồng hành cùng toàn tỉnh và cả nước tiến bước mạnh mẽ trên con đường hội nhập.

Một góc trung tâm thành phố Thái Nguyên.


Là một trong những đô thị có nhiều lợi thế so với các đô thị trong vùng về công nghiệp luyện kim, thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, thành phố Thái Nguyên đã và đang làm gì để tận dụng những lợi thế đó?


Trên địa bàn thành phố có 3 cụm công nghiệp nặng được Trung ương đầu tư, đó là: Khu liên hợp gang thép, luyện kim màu; cụm công nghiệp quốc phòng; cụm công nghiệp sản xuất vật liệu, khai khoáng như: Giấy, than, xi măng, điện... Đây cũng là một trong những lợi thế giúp cho thành phố phát triển kinh tế.


Nằm ở phía Nam thành phố, Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên là khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất luyện kim khép kín từ quặng sắt - gang - phôi thép - cán thép. Việc ra đời và lớn mạnh của KCN gang thép Thái Nguyên đã kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác trên địa bàn như: Giao thông, điện, nước công nghiệp, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng. Tính đến hết tháng 4/2012, trên địa bàn thành phố có 2.200 doanh nghiệp, HTX đăng ký kinh doanh, trên 20.000 hộ kinh doanh. Trong đó lĩnh vực sản xuất chiếm 30%; giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mỗi năm đạt 7.000 tỷ đồng; thu hút tạo công ăn việc làm cho trên 83.000 người.


Là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, mỗi năm có hàng vạn sinh viên từ khắp mọi miền Tổ quốc đến cư trú, học tập và sinh hoạt. Đây cũng chính là lợi thế để thành phố Thái Nguyên phát triển thương mại dịch vụ. Để phát huy được tiềm năng thế mạnh này, thời gian qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh thông qua hàng loạt đề án phát triển kinh tế và vận dụng tốt các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông điệp của thành phố gửi đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đó là: “Cùng đồng hành với doanh nghiệp, coi hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp là hiệu quả quản lý nhà nước”. Đến nay, hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển theo hướng văn minh hiện đại với 8 siêu thị, trên 100 cửa hàng tự chọn, gần 100 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn ba sao, có trên 1.000 nhà hàng, điểm ăn uống giải khát đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ cho khách khi tổ chức các sự kiện lớn cấp vùng, cấp quốc gia.


Những năm gần đây, do khủng hoảng tài chính thế giới, suy giảm nền kinh tế toàn cầu đã tác động vào nền kinh tế Việt Nam, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và đời sống của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và sau 2 năm lên đô thị loại I, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố đã giành được nhiều thành tựu to lớn và khá toàn diện. Kinh tế có bước phát triển khá, văn hoá xã hội chuyển biến tích cực, an ninh quốc phòng được giữ vững và trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-2010) đạt 14,6%/năm. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,4%; GDP bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 3.015 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 80 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng trong đó tỷ trọng dịch vụ thương mại chiếm (48,07%); công nghiệp xây dựng (47,47%); nông nghiệp (4,46%). Đây cũng chính là hướng đi của một thành phố hiện đại trong tương lai.


Để xứng tầm là đô thị loại I và đô thị trung tâm vùng Việt Bắc, trong thời gian tới thành phố Thái Nguyên có những giải pháp gì?


Đặt mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai gần. Thành phố không những phải là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh mà còn phải là trung tâm vùng. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố cần phải thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại - công nghiệp- nông nghiệp. Khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đổi mới cách thức tăng trưởng theo hướng hài hoà giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh liên kết, hợp tác có hiệu quả với các tỉnh, thành phố bạn.


Ưu tiên phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Đội ngũ doanh nhân và lao động có tay nghề cao cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng tâm của thành phố. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là ở các vùng đô thị hoá, triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội.


Một trong những giải pháp mang tính đột phá nữa đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại. Tạo sự phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác qui hoạch, quản lý qui hoạch. Phát triển đô thị nông thôn gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện để các chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối trên địa bàn thành phố như: Quốc lộ 3 cũ đi qua thành phố, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các công trình dự án trọng điểm đã được phê duyệt. Đầu tư nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị.


Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Song song với việc phát triển kinh tế, phải quan tâm đến việc đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững. Đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, để nâng cao dần mức sống của người dân.


Chặng đường trước mắt sẽ còn nhiều gian nan thách thức, nhưng với truyền thống của một thành phố 50 năm tuổi, thành phố anh hùng, trong tương lai không xa, thành phố Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế giàu mạnh và phồn vinh như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 1/1/1964.


Xin cảm ơn đồng chí.


Hoàng Thảo Nguyên(thực hiện)