07:16 08/07/2011

Xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang: Mục tiêu phát triển toàn diện

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn” nhằm tạo nên sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn” nhằm tạo nên sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Theo Chương trình này, có 11 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có tỉnh Bắc Giang.

Diện mạo nông thôn mới

Cũng như nhiều hộ nông dân thuộc xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, gia đình ông Lê Tiến Dũng ở thôn Hải vừa kết thúc vụ thu hoạch lúa hè thu, chuẩn bị cho việc trồng cây dưa chuột bao tử và cà chua bi phục vụ xuất khẩu. Với 5 sào diện tích canh tác, trước đây chỉ để trồng lúa, giờ ông Dũng dành 3 sào trồng hai loại cây này.

Vụ trước, nhờ canh tác 1 sào cà chua bi, thu 2 tấn quả, giá bán bình quân 5.500 đồng/kg, gia đình ông thu được gần 12 triệu đồng. Ông Dũng còn trồng thêm 2 sào dưa chuột bao tử, năng suất đạt 1 tấn/sào, bán được 16 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với mọi năm. “Vụ trước, dựa vào cây cà chua bi, không những gia đình tôi mà gần 300 hộ trong xã đạt mức thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích canh tác. Vụ này, cây dưa chuột cũng cho mức thu nhập tốt. Đây là hai loại cây chủ lực cho thu nhập cao, ổn định tạo điều kiện cho gia đình tôi phát triển kinh tế”, ông Dũng bộc bạch.

Sản xuất đá xẻ xuất khẩu ở cụm công nghiệp Đồng Kiệm, xã Tân Thịnh.

Khác với gia đình ông Lê Tiến Dũng, hộ gia đình ông Đặng Tuấn Tỵ ở Thôn Dinh, xã Tân Thịnh lại chọn phát triển kinh tế gia đình theo hướng vay vốn đầu tư dây truyền sản xuất mì Chũ, công suất 1,8 – 2 tấn/ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Hiện nay sản phẩm của gia đình ông đã có mặt tại các thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh. Xưởng sản xuất của ông đã tạo việc làm cho 80 lao động tại chỗ vào lúc cao điểm, lương bình quân 900.000 đồng/tháng.

Là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có quê hương ở Tân Thịnh, mới đây, anh Nguyễn Anh Thắng, Giám đốc một công ty TNHH đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chuyển toàn bộ dây truyền sản xuất đá xẻ xuất khẩu của mình về tại cụm công nghiệp Đồng Kiệm xã Tân Thịnh để tận dụng sự ưu đãi của chính quyền quê hương về mặt bằng sản xuất, giá thuê đất và tham gia vào phát triển kinh tế vùng quê. Xưởng sản xuất của anh đã thu hút một lượng lớn lao động tại chỗ nông nhàn có việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch xã Tân Thịnh cho biết, Chương trình thí điểm xây dựng NTM của Trung ương tuy mới triển khai, nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, đến nay một loạt các công trình đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ dân sinh như hệ thống đường giao thông nông thôn, nội đồng đã được quy hoạch và xây dựng, hệ thống mương máng đã được đầu tư cứng hóa, hệ thống trạm bơm được tu bổ, làm mới, nâng cấp. Đặc biệt, nhận thức của người dân về tiếp thu khoa học kỹ thuật, xác định cây trồng phục vụ chế biến xuất khẩu cũng như về canh tác những cây cho thu nhập cao được nâng lên, thực sự đang trở thành một cuộc cách mạng sâu rộng.

Theo báo cáo của Ban quản lý xây dựng NTM xã Tân Thịnh, dựa vào chương trình NTM, xã Tân Thịnh có 5 mô hình sản xuất có hiệu quả bao gồm: Mô hình cây cà chua bi xuất khẩu, mô hình cây thuốc lá, mô hình chăn nuôi lợn gia trại, mô hình sản xuất đá mỹ nghệ, mô hình sản xuất mì theo công nghệ mới. Số mô hình được nhân rộng trên địa bàn gồm: Mô hình cây cà chua bi xuất khẩu, mô hình cây thuốc lá, mô hình trồng hoa chất lượng cao, mô hình trồng nấm. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất đã tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 11,9 triệu đồng năm 2009 lên 18 triệu đồng năm 2011, tăng 1,5 lần so với khi bắt đầu thực hiện, tạo việc làm cho hơn 400 lao động.

Cơ hội phát triển toàn diện

Theo chương trình thí điểm xây dựng NTM, Tân Thịnh được đầu tư 88 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 30 tỷ đồng, 24 tỷ đồng là vốn của chương trình lồng ghép, còn lại huy động từ các nguồn vốn khác như nhân dân đóng góp, con em quê hương gửi về… Dựa trên các nguồn vốn này, đến nay, Tân Thịnh đã xây dựng được 1,2 km đường trục xã, đường liên thôn, nội thôn, các tuyến kênh mương chính. Ngoài ra, hệ thống chợ và nhà hội trường cũng như trạm y tế cũng đã được đầu tư xây mới và nâng cấp...

Báo cáo của Ban quản lý xây dựng NTM xã Tân Thịnh cũng cho biết, trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù Chương trình xây dựng NTM thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, nhưng tính đến hết tháng 6/2011, nhiều công việc đã đạt tiến độ cao, nhiều công trình đã hoàn thành góp phần thay đổi bộ mặt của NTM. Theo đó, với tổng vốn đầu tư đạt trên 41 tỷ đồng, toàn xã đã có 61 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thành, trong đó, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, bưu điện, trụ sở UBND xã, chợ, xóa nhà tạm và dột nát đã đạt.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, qua quá trình triển khai Chương trình NTM đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhân dân trong xã đã tích cực hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, cải tạo vườn tạp, cải tạo công trình vệ sinh, sửa sang cổng ngõ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Hiện các thôn trong xã đã có nhà văn hóa và khu thể thao, nhìn chung các nhà văn hóa cơ bản đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân. Các thôn đều thành lập đội văn nghệ, duy trì hoạt động đều hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa Phó Chủ tịch huyện Lạng Giang phấn khởi cho biết: “ Đến nay, đã hơn 1 năm hoạt động, chuyển biến lớn nhất ở Tân Thịnh chính là nhận thức. Người dân nhận thức rằng việc xây dựng NTM là tự xây dựng cho chính mình, Nhà nước chỉ hỗ trợ. Bởi vậy, người ta đã tự nguyện hiến đất nên nhiều tuyến đường đã được mở, nhiều hộ đã tự nguyện bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thêm đường vào ngõ, góp tiền để cùng nhau chỉnh trang bộ mặt nông thôn như cổng ngõ, đường đi, đường liên thôn, kênh mương nội đồng”.

Kiến nghị từ cơ sở

Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình thí điểm xây dựng NTM, tuy nhiên Tân Thịnh cũng gặp không ít khó khăn khi bắt tay triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, cái khó nhất hiện nay là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong nông thôn, nơi mà người nông dân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp là chính. Đặc biệt là giải pháp nâng cao đời sống của người dân và giữ ổn định bền vững. Ngoài ra, làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về môi trường để người dân từ bỏ thói quen tập tục về mồ mả, vệ sinh môi trường xung quanh cũng là vấn đề cần phải có thời gian và kiên trì vận động. Hơn nữa nếu kinh phí đầu tư không được bố trí đầy đủ, kịp thời sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện xây dựng NTM. “Bình quân một xã cần khoảng trên 100 tỷ đồng mới xây dựng được NTM. Lạng Giang là một huyện mạnh ở tỉnh Bắc Giang còn thấy khó khăn như thế này thì các đơn vị khác xây dựng càng khó hơn”, ông Nghĩa tỏ rõ băn khoăn.

Một vấn đề khó khăn khác cũng được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đặt ra liên quan đến chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo đó, hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 70% lao động là nông nghiệp, theo tiêu chí của chương trình xây dựng NTM thì phải giảm xuống còn 45% với nội dung tăng thu nhập, trong thực tế, thu nhập bình quân đầu người ở những xã vùng sâu, vùng xa còn thấp, khoảng 10 triệu đồng/năm, nếu phải tăng lên từ 1,2- 1,5 lần rất khó khăn.

Sau cùng là những vấn đề liên quan đến cơ chế giải ngân, huy động vốn, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất và tỷ lệ trích lại cho xã ở mức hợp lý để tạo vốn cũng như cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng – Bắc Giang

Chúng tôi xác định tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân là một vấn đề quan trọng nhất. Để thực hiện được tiêu chí này cần xác định việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác để tăng thu nhập. Thực hiện tốt việc phát triển các làng nghề, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng trên đơn vị canh tác. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng chính quyền địa phương cần quan tâm đồng bộ đến các lĩnh vực. Trong đó Nhà nước cần quan tâm cho lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM. Nhà nước cần quan tâm đến việc đầu tư đường giao thông, cứng hóa kênh mương, đầu tư hỗ trợ cho nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang

Cơ quan chức năng cần có cơ chế giải ngân, huy động vốn, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất. Thông tư 26 quy định là trích 70% tiền thu được từ đấu giá sử dụng đất dành cho xã để tạo vốn, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ ở mức 50/50 hoặc 60/40. Do tỷ lệ này người dân muốn giữ đất. Ngoài ra cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu cũng cần được tháo gỡ, thực ra vốn từ chương trình lồng ghép dành cho NTM khoảng 17% nhưng hiện nay nguồn vốn không có. Năm 2011, chương trình cần khoảng 26.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới được 100 tỷ đồng. Đào tạo tập huấn cho cán bộ chương trình NTM, có chủ trương, có tiền nhưng không có cán bộ làm thì không ổn, cần phải có người làm chuyên trách chứ không kiêm nhiệm.



Thành Hiển - Viết Tôn