06:05 20/06/2011

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Với mục tiêu làm cho khu vực nông thôn có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 35% -40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đến năm 2030 có 100% số xã được công nhận đạt 19 tiêu chí NTM.

Với mục tiêu làm cho khu vực nông thôn có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 35% -40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đến năm 2030 có 100% số xã được công nhận đạt 19 tiêu chí NTM.

Sau 2 năm tổ chức thực hiện, việc xây dựng mô hình NTM ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (một trong 11 mô hình điểm NTM của toàn quốc) và 18 xã làm điểm cấp thành phố và cấp huyện, một bức tranh NTM hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của làng quê Việt Nam, phát triển bền vững và có môi trường xanh, sạch, đẹp đang từng bước được định hình.

Xã Thụy Hương, điểm xây dựng nông thôn mới-Ảnh Internet

 
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở Hà Nội cũng đang nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập đòi hỏi được tháo gỡ để Chương trình này thực sự thành công và có thể nhân ra diện rộng trong thời gian tới

Bức tranh NTM Thụy Hương

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là 1 trong 11 xã được chọn xây dựng điểm mô hình NTM của toàn quốc vào tháng 6/2009. Đây là một xã đồng bằng, thuần nông nằm ven sông Đáy nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam .

Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM , mặc dù là địa phương có tiềm năng về canh tác nông nghiệp với tỉ lệ đất màu chiếm tới 40%, thuận lợi để hình thành vùng sản xuất thâm canh cho năng suất, chất lượng nông sản cao song trong sản xuất nông nghiệp của xã vẫn chưa hình thành được quy hoạch; sản xuất vẫn ở thế độc canh, khai thác tiềm năng đất đai, lao động còn hạn chế, chuyển dịch cơ câu cây trồng vật nuôi còn chậm.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông liên xã, đường trục thôn, xóm, đường điện, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi… cũng chưa hoàn thiện.
Vậy mà đến nay, sau 2 năm triển khai, bức tranh NTM Thụy Hương đã có nhiều bước chuyển đáng kể.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Thư ký Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố cho biết: Hiện nay, 14/19 tiêu chí xây dựng NTM ở Thụy Hương đã cơ bản đạt với mức cao từ 90%-100%. Đó là các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế... 5 tiêu chí còn lại cũng đã đạt ở mức trên 70%.

Ông Lê Thiết Cương cũng cho biết thêm: Có những tiêu chí căn bản, tưởng rất khó thực hiện đến nay cũng đã hoàn thành ở mức cao. Điển hình là ở nội dung phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất. Với sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, thành phố và cả sự đóng góp của chính người dân, đến nay Thụy Hương đã được triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 Nhiều diện tích lúa của xã đã được cấy bằng giống lúa thơm, chất lượng cao. Phương thức sản xuất lúa cơ giới hoá đồng bộ, thực hiện liên kết và dịch vụ cũng được áp dụng . Dự án xây dựng vùng trồng hoa và cây ăn quả, rau an toàn, khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư đã và đang được triển khai...

Đến thời điểm này, có thể nói, ngoài xã Thụy Hương, tại 18 xã Hà Nội chọn để xây dựng mô hình điểm NTM của thành phố và các huyện, thị xã như Song Phượng( Đan Phượng), Đại Áng( Thanh Trì), Mai Đình( Sóc Sơn ) hay Cổ Đô( Ba Vì)... các nội dung cụ thể cũng đều được khẩn trương tổ chức thực hiện từng bước theo đề án mà UBND thành phố phê duyệt.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Theo Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Hà Nội: Sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình ở khu vực ngoại thành Thủ đô, kết quả đạt được là không thể phủ nhận song cũng có không ít khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa thực sự tin tưởng vào xây dựng NTM, do đó quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Ngoài ra, do đây là mô hình mới, cơ chế, chính sách cũng mới nên việc tiếp cận và triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố cho đến các ban quản lý Chương trình của các xã cũng còn nhiều lúng túng.

Một khó khăn nữa cũng đang nảy sinh, đó là: Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Chương trình xây dựng NTM Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030 Hà Nội dự kiến huy động tổng nguồn vốn cho Chương trình này là 32.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách là gần 18.000 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp là hơn 1.400 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 5.700 tỷ đồng và một số nguồn vốn khác. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế ưu tiên đặc thù bố trí vốn thì việc huy động các nguồn vốn trên là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là khó có tính khả thi.

Để tháo gỡ khó khăn cơ bản này, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội cho biết: Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội đang đề xuất một số cơ chế chính sách huy động vốn, công tác lập kế hoạch, phân bổ bố trí vốn và cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại các xã thực hiện Đề án xây dựng điểm mô hình NTM.

Ngoài vấn đề huy động vốn, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho hay:Việc nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, thay đổi cơ cấu lao động ở các xã đang tiến hành xây dựng NTM cũng đang là vấn đề khó và “vướng”với không ít địa phương.

Theo ông Tâm, nâng cao thu nhập cho người nông dân không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi một quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tổ chức sản xuất thật hợp lý, cần xây dựng được những chuỗi nông sản liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi

Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, động viên người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dồn điền đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất tập trung, các ngành chức năng cần có những động thái khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để góp phần nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân.

 Đơn cử như: Cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi thật cụ thể về đất đai; về mức độ miễn, giảm thuế thuê đất, thuê mặt nước khi đầu tư vào các dự án nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn v.v.... .

Thanh Trà