12:14 21/12/2012

Xây dựng nông thôn mới ở giáo phận Bùi Chu

Đời sống của đồng bào công giáo ở Bùi Chu đang đi lên từng ngày nhờ việc phát triển kinh tế từ những thế mạnh của địa phương, từ đó cũng tạo điều kiện cho công tác khuyến học, khuyến tài và nhiều hoạt động an sinh xã hội được đẩy mạnh.

Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên có đạo Công giáo du nhập, trải qua thăng trầm của lịch sử, từ xưa đến nay đồng bào công giáo giáo phận Bùi Chu - Nam Định luôn thực hiện tốt đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, gắn đời sống đạo của bà con giáo dân với các hoạt động thi đua yêu nước thiết thực mà điển hình là nhiệt tình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).


Đời sống của đồng bào công giáo ở Bùi Chu đang đi lên từng ngày nhờ việc phát triển kinh tế từ những thế mạnh của địa phương, từ đó cũng tạo điều kiện cho công tác khuyến học, khuyến tài và nhiều hoạt động an sinh xã hội được đẩy mạnh.


Giáo phận Bùi Chu hiện có hơn 400.000 giáo dân, trong đó có tới 84% làm nông nghiệp, 11% làm các nghề thương mại và dịch vụ như cơ khí, mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp… còn lại là diêm dân tại các địa phương ven biển. Việc phát triển đa dạng và phong phú các ngành nghề đã giúp cho giáo dân nơi đây có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.


Nghề trồng nấm sò của gia đình ông Vũ Văn Tinh, giáo dân xã Hải Phương(Hải Hậu) mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.


Giáo xứ Lã Điền, hạt Báo Đáp - xã Điền Xá, huyện Nam Trực từ lâu đã nổi tiếng cả nước với nghề trồng cây cảnh với những “tỉ phú nông dân” đi lên từ bàn tay trắng. Từ một xã thuần nông với diện tích trên 1.000 ha, sau khi được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân nơi đây đã mạnh dạn phát triển thế mạnh sẵn có của địa phương là nghề trồng cây cảnh truyền thống.


Bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân không những phát triển được kinh tế hộ gia đình mà còn tạo được chỗ đứng - thương hiệu cho cây cảnh Điền Xá trên thị trường với nhiều cây có giá trị cao. Ông Đoàn Hữu Khánh - Phó Chủ tịch xã Điền Xá cho biết: Năm 2010, thu nhập của xã xấp xỉ 46 tỉ đồng, năm 2011 tăng lên 55 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 20 triệu đồng/người/năm.


Giáo phận Bùi Chu là một trong những xứ đạo truyền thống ở Việt Nam, gắn với nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển công giáo của đất nước. Giáo phận bao gồm 13 hạt và khoảng 160 giáo xứ, trải dài trên 6 huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực và một bộ phận giáo xứ thuộc thành phố Nam Định; tòa giám mục Bùi Chu đặt tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Cũng như Nam Trực, Hải Hậu là huyện tập trung đông đồng bào công giáo, đồng thời được coi là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của Nam Định. Xã Hải Phương, huyện Hải Hậu có tới 40% dân số theo đạo Thiên Chúa, sau hai năm triển khai chương trình, thu nhập của người dân Hải Phương đến nay đã đạt 17 triệu đồng/người/năm; trên 87% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 90% gia đình kí cam kết không sinh con thứ 3 và trên 95% hộ đã được sử dụng nước sạch, các tuyến giao thông nội đồng đều đã được bê tông hóa…


Nhìn vào những kết quả trên, ít ai ngờ rằng chỉ dăm năm trước đây, Hải Phương vẫn còn là một xã nghèo của huyện. Đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường ở Hải Phương phải kể đến giáo họ Đất Vượt. Làng Đất Vượt có 98% là người công giáo, bà con giáo dân trong giáo họ đã tự nguyện hiến đất, dồn điền đổi thửa cho nhau (trước đây là 2,5 thửa/hộ, nay còn 1,7 thửa/hộ), đóng góp và mở rộng tất cả các đường làng, ngõ xóm từ 3 m lên 5 m; tất cả là 12 đường trong làng có tổng chiều dài 5,6 km đã được đổ bê tông đi lại thuận tiện. Sau hai năm phát động, giáo họ Đất Vượt xây được 2,5 km rãnh thoát nước theo tiêu chí xây dựng NTM, đáng nói là số tiền xây dựng đường trong làng, rãnh thoát nước đều do bà con giáo dân tự nguyện đóng góp, kinh phí trong hai năm 2011 - 2012 lên tới gần 1 tỷ đồng.


Cùng với đời sống vật chất ngày càng được cải thiện và nâng cao, việc học tập của con em đồng bào công giáo cũng được đẩy mạnh nhờ công tác khuyến học, khuyến tài. Xuất phát từ nhận thức: Phải có văn hóa mới tiếp thu được khoa học kỹ thuật để tạo ra cuộc sống ấm no và đời sống đạo sốt sắng; vì vậy các Cha, Ban hành giáo các xứ, họ và bà con giáo dân đã vận động con em tới trường ngày một đông.


Mặt khác, các Cha bố trí thời gian chầu lễ cho phù hợp với việc học hành của các em, gặp gỡ gia đình động viên, giúp đỡ kinh phí sách vở cho các em có hoàn cảnh được tiếp tục đi học. Ông Trần Huỳnh Tấn, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nam Định cho biết: Để khuyến khích việc học tập của con em trong giáo phận, đến nay đã có trên 70% số xứ, họ trong tỉnh, thành lập quỹ khuyến học với tổng số tiền 6,4 tỷ đồng; trong đó riêng huyện Hải Hậu có quỹ 2,3 tỷ; huyện Nam Trực có 51/54 giáo xứ, giáo họ có quỹ khuyến học, khuyến tài.


Những trẻ em khuyết tật và bị bỏ rơi đang được chăm sóc ở Cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu.


Nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội cũng được các địa phương hết sức chú trọng, 5 năm qua, các Cha, nam nữ tu sĩ và giáo dân Bùi Chu đã đóng góp trên 4,5 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa và ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời cũng quyên hơn 1 tỷ đồng để góp phần xây dựng đền thờ, nâng cấp nghĩa trang và tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ.


Cô nhi viện Thánh An (còn có tên gọi khác là nhà Dục Anh) - nằm ngay cuối Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là một cơ sở bác ái xã hội cho 130 người già và trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, được chăm sóc và dạy dỗ bởi hơn ba mươi nữ tu và những người phụ nữ tận tâm với hoạt động thiện nguyện.


Nam Định là tỉnh tập trung đông đồng bào công giáo với gần 700 xứ, họ đạo và trên 400.000 giáo dân (chiếm 21% dân số toàn tỉnh), giáo dân Bùi Chu - Nam Định luôn tâm niệm “Noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn từ những việc làm thiết thực.


Đồng bào công giáo, giáo phận Bùi Chu coi đó là cách thực hiện tốt bổn phận của người con Thiên Chúa, cũng là người công dân tốt mà đồng bào đã được bề trên răn dạy, để những việc làm từ thiện bác ái và nhiều hoạt động an sinh xã hội có sức lan tỏa rộng hơn ra cộng đồng.



Bài và ảnh: Hiền Hạnh