02:09 04/02/2011

Xây dựng nông thôn mới: Chặng đường còn lắm gian nan

Theo Nghị quyết số 26 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, phấn đấu đạt 20% số xã trên phạm vi cả nước đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015 và 50% số xã đạt tiêu chí NTM vào năm 2020.

Theo Nghị quyết số 26 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, phấn đấu đạt 20% số xã trên phạm vi cả nước đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015 và 50% số xã đạt tiêu chí NTM vào năm 2020.


Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đến năm 2015 phải có 35 - 40% số xã đạt chuẩn NTM và 70% vào năm 2020. Đây là các mục tiêu không hề dễ dàng đối với hai đô thị lớn nhất nước, đặc biệt là đối với Hà Nội vừa được mở rộng vẫn còn nhiều vùng khó khăn.

Bài toán lao động và thu nhập

Ngoài Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là xã điểm của cả nước về xây dựng NTM, Hà Nội đã chọn 3 xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Đại Áng (huyện Thanh Trì) và mới nhất là xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) làm điểm xây dựng NTM. Hiện nay, các huyện khác cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác đánh giá, khảo sát lập dự án xây dựng các công trình trong đề án NTM cho các xã.

Triển khai làm đường giao thông nội đồng xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.


Đến xã Song Phượng, huyện Đan Phượng trong thời điểm cuối năm, không khí xây dựng các công trình nằm trong dự án NTM đang rất khẩn trương, bận rộn để kịp thời đưa vào phục vụ người dân trong năm mới.

Trong bộn bề công việc, ông Tạ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban quản lý xây dựng NTM xã Song Phượng cho biết: “Việc xây dựng các công trình này nay mai sẽ hoàn thành. Xây các công trình không khó mà làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân và thay đổi cơ cấu lao động mới thực sự là những tiêu chí khó khăn nhất trong xây dựng NTM”.

Theo tiêu chí NTM, tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 25%, thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,5 lần mức thu nhập bình quân toàn thành phố, 70% cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng, 30% có trình độ đại học trở lên. Nhưng hiện nay, toàn xã Song Phượng có 4.150 nhân khẩu, trong đó lao động nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn 53,8%. Hơn nữa chủ yếu lao động chưa qua đào tạo (chiếm 60 %).

Về cán bộ lãnh đạo, theo ông Bùi Thanh Tùng, Thư ký Ban quản lý xây dựng NTM xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, hiện tại đội ngũ cán bộ của xã Song Phượng còn 26,3% chức danh chủ chốt và 33,3% chức danh khác chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 26,3% chức danh chủ chốt và 50% chức danh khác chưa đạt chuẩn về lý luận chính trị trung cấp. Như vậy để đáp ứng theo bộ 19 tiêu chí quốc gia về NTM thì cũng cần thời gian từ 3 – 5 năm mới đủ để hoàn thành một khóa học cho cán bộ.

Hơn nữa, “sản xuất nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Cây lương thực chiếm 84% trong trồng trọt, cây rau quả thực phẩm chiếm tỷ trọng thấp. Chăn nuôi thì quy mô phân tán, sản phẩm chủ yếu là tự tiêu, chưa qua chế biến; nuôi trồng thủy sản chưa tập trung...”- ông Hùng nói.

Do vậy, theo ông Bùi Thanh Tùng, phải sau 5 – 10 năm nữa xã mới có thể đạt được thu nhập bình quân gấp 1,5 lần mức thu nhập chung của toàn thành phố. Vì hiện tại bình quân thu nhập của xã mới chỉ đạt 11,6 triệu đồng/người/năm. Hơn nữa, Đề án xây dựng NTM thực hiện trong một thời gian gấp, từ nay đến giữa năm 2011 là phải hoàn thành trong khi đó có trên 100 công trình, hạng mục cần triển khai thì rất khó hoàn thành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, dù Song Phượng mới chỉ đạt được 2/19 tiêu chí nhưng cũng không nên sốt ruột chỉ chú tâm vào đẩy nhanh tiến độ mà coi nhẹ chất lượng thực sự.

“Đồng thời, để các xã nhanh chóng chuyển đổi được cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thì Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí kịp thời để triển khai các dự án. Như ở Song Phượng, dự án sản xuất rau an toàn (RAT) diện tích 33,5 ha, trong đó Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội 32,5 ha, xã 1 ha được quy hoạch từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai”, ông Tùng nói.

Không chỉ Song Phượng, mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Xã Hồng Dương được huyện Thanh Oai chọn làm điểm mô hình NTM. Tuy nhiên hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc do hệ thống kênh mương nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Toàn xã có 25 km kênh mương nội đồng nhưng mới chỉ có hơn 5 km được cứng hóa.


Trạm y tế tuy được công nhận chuẩn gần 10 năm nhưng được xây dựng đã hơn 50 năm, thiết bị khám, chữa bệnh lạc hậu, không còn phù hợp… Kết quả khảo sát chung thì Hồng Dương mới chỉ đạt khoảng 30% tiêu chí. Hay như xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) cũng mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí về NTM.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện thành phố có 401 xã thuộc khu vực nông thôn, chiếm 84,9% diện tích đất với dân số 4,07 triệu người, chiếm 63,1%. Ở nhiều địa phương, đặc biệt là các xã vùng núi như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Hoài Đức..., đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vẫn còn thấp. Do đó, để đạt các tiêu chí về NTM là một thách thức không nhỏ.

Đơn cử như huyện Hoài Đức, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao với 16,7%; thu nhập đầu người đạt 7 triệu đồng/người/năm. Ông Cao Văn Tuyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Đức cho biết: “Tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân gấp 1,5 lần so với bình quân của TP thực sự rất khó khăn bởi sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm chủ yếu, lại chịu ảnh hưởng quá nhiều của điều kiện thời tiết. Hơn nữa công tác dạy nghề chưa được kịp thời với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Còn nhiều lúng túng

Từ nay đến giữa năm 2011, thời điểm mà các mô hình NTM điểm hoàn thành không còn nhiều. Vì thế để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cán bộ ở các xã chưa chủ động triển khai các nội dung theo đề án và kế hoạch đã được phê duyệt mà chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của cán bộ cấp trên. Chính vì thế, sự tham gia của người dân còn ít, bổ sung vốn tín dụng còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào vốn hỗ trợ từ Trung ương và việc lồng ghép các chương trình trên địa bàn.

Về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tùng, Thư ký Ban quản lý xây dựng NTM xã Song Phượng, huyện Đan Phượng cũng chia sẻ: “Trong đề án có hướng dẫn kêu gọi nhân dân đóng góp 20% số vốn để xây dựng đường giao thông nội đồng, đường làng ngõ xóm. Điều này rất khó vì 20% là quá nhiều đối với người nông dân, hơn nữa nhân dân đã đóng góp ngày công lao động”.

Ông Tăng Minh Lộc cho biết: “Các xã điểm đều cho rằng khó nhất là triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Việc xác định hình thức phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân cũng còn nhiều bất cập. Hầu hết các địa phương đều lúng túng trong triển khai thực hiện nội dung này, đặc biệt là việc gắn phát triển sản xuất với phát triển tổ hợp tác, HTX và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp”.

Ông Cao Văn Tuyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Đức cũng chia sẻ thêm: “Từ trước tới nay, người nông dân vẫn quen làm nông nghiệp. Nay chuyển dịch tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 25 % thì cũng cần phải có thời gian dài để chọn các nghề phù hợp với địa phương, phù hợp với người dân. Việc dạy nghề cho người lao động cũng không phải chuyện có thể làm ngày một ngày hai được. Do đó, xây dựng NTM cần có một lộ trình dài hơi và thực hiện từng bước một”.

Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng yêu cầu tiêu chí NTM, theo ông Tăng Minh Lộc, các địa phương cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo hướng hàng hóa. Mỗi xã nên hướng dẫn người dân lựa chọn sản xuất sản phẩm có lợi thế, phát triển thành sản phẩm hàng hóa của địa phương theo phương châm “Mỗi làng một sản phẩm”, thực hiện “Mỗi làng một nghề”. Đồng thời tăng cường liên kết “bốn nhà”, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông sản tại xã dựa trên quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng tốt, tạo điều kiện “kéo thị trường đến đồng ruộng”. Bên cạnh đó phải xây dựng, nâng cấp chợ quê hoặc kết nối với chợ nông sản đầu mối khu vực để tạo thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá thương hiệu nông sản địa phương.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông cho nông dân qua các hình thức tập huấn ngắn hạn, tham quan đầu bờ, bồi dưỡng kiến thức qua CLB khuyến nông, khuyến công... Đổi mới phương thức khuyến nông theo hướng bồi dưỡng, hỗ trợ vốn cho nhóm nông dân nòng cốt (mỗi thôn chọn 15 – 20 hộ làm kinh tế giỏi), đào tạo cho họ về kỹ thuật sản xuất cây, con hàng hóa; kiến thức thị trường, thông tin thương mại, kỹ năng hợp tác… để họ trở thành các “đầu tầu” thúc đẩy đổi mới cách làm ăn ở địa phương.

Ông Lộc cũng cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho quy hoạch hạ tầng cơ bản (điện, đường, cấp nước và xử lý nước thải…) và hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương phát triển kinh tế trang trại, nuôi thủy sản tập trung hoặc cây ăn quả đặc sản, công nghiệp.

Ngoài ra, cần hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cho các trang trại và kinh phí đào tạo cho các chủ trang trại (ít nhất 50%). Nhà nước cũng nên thử nghiệm chính sách miễn thuế thu nhập cho các hoạt động sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của tổ hợp tác và HTX…

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo chương trình NTM quốc gia, nước ta còn nghèo, xây dựng NTM là chiến lược lâu dài chứ không phải “một sớm, một chiều” mà xong.

"Đảng, Chính phủ đã xác định đây là sự nghiệp trường kỳ, do vậy cần phải có thời gian. Theo mục tiêu thì tới năm 2020 chúng ta sẽ đạt 50% số xã trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn NTM và đến năm 2030 - 2050 sẽ có 100% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Do vậy, nếu đã có cuộc cách mạng dài hơi như vậy thì chúng ta cần bình tĩnh", ông Hùng nói.

Hữu Vinh