10:20 27/10/2014

Xây dựng 'ngôi nhà chung' của các dân tộc

Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, thường được đồng bào gọi là Làng, từ lâu đã trở thành mái nhà chung, nơi tụ hội của đại gia đình các dân tộc Việt Nam ở Thủ đô.

Làng “mở cổng” đã 4 năm, đến nay vẫn đang trong quá trình vừa xây dựng, vừa khai thác cục bộ, khó tránh khỏi khó khăn, tồn tại. Nhưng có thể khẳng định rằng: Đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế đều đã biết đến Làng như là nơi gìn giữ, phát huy và khai thác tốt các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Để Làng thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân, bạn bè quốc tế; rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả cộng đồng.

Khu nhà dài truyền thống của người Ê-đê tại Làng. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Bài 1: Điểm hẹn văn hóa truyền thống

Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam nay đã khác xưa nhiều. 3 khu làng đã hoàn thiện, khu làng 4 của các dân tộc Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu đang trong quá trình xây dựng. Trong từng khu làng, những nếp nhà truyền thống của các dân tộc anh em từ Bắc, Trung, Nam đã được “chủ nhân” thực hiện các lễ nghi truyền thống của từng dân tộc để “nhận nhà”.

Để đến với từng ngôi nhà trong các khu làng giờ đã có xe điện phục vụ, du khách không còn phải đi bộ như trước. Các khu nhà dịch vụ phục vụ nhu cầu khách thăm quan cũng đang được hoàn thiện bằng nguồn vốn xã hội hóa... 

Từ bước khởi đầu đến nay, một quan điểm xuyên suốt trong xây dựng và phát triển Làng là để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình, Ban quản lý Làng luôn trân trọng dự tham gia của cộng đồng - chủ thể văn hóa trong việc tái hiện không gian văn hóa và thổi hồn vào sự sống của Làng.

Ở ngôi làng lớn này, nhà của đồng bào được dựng nguyên bản, thường được làm theo đúng thiết kế và đặc trưng nhà ở của từng dân tộc, bằng các nguyên vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá... chứ không làm “giả” bằng bê tông, cốt thép. Đồng bào chính là những người lựa chọn mẫu nhà, nguyên vật liệu, tham gia cụ thể vào các công việc lập làng, ngoài ra khi triển khai xây dựng, một trong những ưu tiên hàng đầu của Ban quản lý Làng là mời các nhóm thợ, nghệ nhân người dân tộc tham gia tạo tác, tái hiện các không gian văn hóa dân tộc, với công cụ, phương thức truyền thống và vật liệu địa phương.

Người thổi hồn cho từng ngôi nhà không ai khác chính là đồng bào các dân tộc, cũng không ai hiểu các giá trị văn hóa của dân tộc bằng chính chủ nhân của các giá trị đó. Thế nên, nhà của người Mông ở Làng vẫn được bao quanh bởi hàng rào đá đặc trưng; nhà dài của người Ê đê - một dân tộc theo chế độ mẫu hệ, vẫn có hai cầu thang riêng biệt, trong đó cầu thang to cái, trên có cặp “núi đôi”, biểu trưng cho quyền lực của chế độ mẫu hệ; nhà của người Dao phải bằng gỗ, sàn nhà của người Mường bằng nứa...

Không chỉ có ngôi nhà truyền thống, cây trồng, vật dụng quen thuộc cũng theo chân đồng bào ra với Làng. Nhiều du khách trong nước, quốc tế khi đến với Làng đã không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng ngôi chùa Khmer, đền tháp Chăm được phục dựng nguyên bản, do chính tay những nghệ nhân của người Khmer, người Chăm xây dựng trong nhiều năm.

Do sự “nguyên bản” ấy, nên Làng đã đón hàng ngàn lượt đồng bào các dân tộc cũng đã luân phiên về đây, tham gia vào nhiều sự kiện quan trọng, hàng năm, số cộng đồng dân tộc về làng ngày càng tăng. Năm 2010, có 12 cộng đồng với trên 300 lượt đồng bào về Làng thì năm 2011 là 33 cộng đồng với gần 1.200 lượt đồng bào. Năm 2014, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 21 cộng đồng với gần 500 lượt đồng bào đến với Làng… 

Trong không gian nhà của mình, đồng bào các dân tộc đã tái hiện không gian sống, phục dựng một số lễ hội tiêu biểu. Cũng tại Làng, đồng bào đã tái hiện nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của từng vùng miền, trong đó có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; hội đua ngựa Bắc Hà; không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ; lễ hội đua bò, một lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, hấp dẫn và sôi động của vùng Bảy Núi (An Giang) hay những phiên chợ vùng cao rộn ràng của đồng bào miền núi phía Bắc...

Những hoạt động này thực sự đã thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo du khách khi đến với Làng. Đặc biệt, bà con các dân tộc cũng hồ hởi, phấn khởi vì được về với Thủ đô, đem sắc màu văn hóa dân tộc mình về giao lưu với các dân tộc khác. Đây là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất đối với đồng bào các dân tộc. 

Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Để hình thành vóc dáng “ngôi nhà chung” như hiện nay, trong nhiều năm qua dù gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn chế, tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án nhưng Làng vẫn được triển khai đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật chung, các công trình kiến trúc nhà ở và không gian cảnh quan của 54 làng dân tộc.

Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của Ban Quan lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để Làng trở thành một địa chỉ được công chúng biết và tìm đến ngay khi công trình vẫn còn nhiều công việc cần hoàn thiện.

Bài cuối: Cần thêm sự tiếp sức


Thanh Giang