08:01 15/08/2012

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã tham dự hội nghị.

 

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế


Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 và cũng là 5 năm chúng ta gia nhập WTO (tháng 1/2007), Nghị quyết 08 đã đạt được những kết quả to lớn và thiết thực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong 5 năm qua.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bước vào thời kỳ mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong tiến trình này, cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.


Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện và chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, ta cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực...


Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại và có sự đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW và những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, nhằm tìm ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm; đánh giá đúng những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08; đồng thời làm rõ bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

 

Tận dụng cơ hội từ việc gia nhập WTO


Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP đã nhận định về những cơ hội, thách thức của việc gia nhập WTO và mối quan hệ tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau, vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Về cơ bản Việt Nam đã hình thành được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ và tương thích với quy định của WTO, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Việt Nam đã bước đầu tận dụng được cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại để khai thác, huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư ra nước ngoài. Trái với một số lo ngại trước đây, nhiều ngành kinh tế (viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…) đã đứng vững trong cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa với bên ngoài theo cam kết gia nhập WTO, thậm chí có ngành đã phát triển vượt bậc, đủ tầm vươn ra thế giới.


Tham luận của Văn phòng Trung ương Đảng đã chỉ rõ, sau 5 năm gia nhập WTO, GDP của Việt Nam đã tăng gấp gần 2,3 lần và GDP bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Một số chỉ tiêu điển hình như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua đạt bình quân khoảng 7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng lên hơn 3 lần, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không ngừng tăng lên với nhiều dự án lớn. Báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Hiện Việt Nam có 51 nhà tài trợ lớn, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương. Kết quả này chứng tỏ đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước đang đạt được hiệu quả rất đáng ghi nhận.


Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Sau khi gia nhập WTO, cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động tăng lên rõ rệt. Thị trường lao động đã tạo việc làm cho trên 7,955 triệu người, tăng 2,88% so với 5 năm trước đó. Dự kiến trong giai đoạn 2011 - 2020, việc làm mới tạo ra tiếp tục tăng bình quân 2,4 - 2,8%/năm (tương đương 1,1 - 1,3 triệu việc làm). Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm còn 4,78% vào năm 2015 và 4,23% vào năm 2020.


Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới vẫn chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

 

Khắc phục những hạn chế, yếu kém, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới


Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những kết quả đạt được về tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về hội nhập kinh tế quốc tế; về bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của WTO về công tác xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…


Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn đầu sau khi gia nhập WTO cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần phấn đấu khắc phục trong thời gian tới để đưa đất nước tiến vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn không chỉ “đối phó” tốt với thách thức từ bên ngoài mà còn chủ động vươn ra thị trường thế giới.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.


Cùng với phát triển kinh tế, phải phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.


Về hội nhập quốc tế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.


Để thực hiện chủ trương này, phải quán triệt quan điểm “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” và định hướng “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.


Tiềm lực kinh tế của đất nước, lực lượng doanh nghiệp trong nước có mạnh, sản phẩm hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh cao thì nền kinh tế mới vững, vị thế trong hội nhập mới cao. Càng hội nhập có hiệu quả, chúng ta càng có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị và các chủ trương lớn trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và kết quả của 5 năm đầu gia nhập WTO để sớm báo cáo, xin chủ trương chỉ đạo tiếp theo của Bộ Chính trị. Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08/TW để dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.


Thiện Thuật- Uyên Hương