04:08 03/04/2012

Xây dựng nền báo chí vững mạnh, tiến bộ và chuyên nghiệp

Trong các ngày 29 và 30/3/2012, tại Quảng Ninh đã diễn ra “Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)” và “Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012”.

Trong các ngày 29 và 30/3/2012, tại Quảng Ninh đã diễn ra “Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)” và “Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012”.

Tham dự các hội nghị trên có đông đảo lãnh đạo các ban, ngành trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí trung ương; tổng giám đốc, giám đốc, tổng biên tập các cơ quan báo chí trung ương và các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; tổng biên tập các báo Đảng, giám đốc các đài phát thanh, truyền hình tỉnh...

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã dự và chỉ đạo “Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức.

Báo chí trong nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Tại hội nghị ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã trình bày báo cáo cho thấy, đến tháng 3/2012, cả nước có 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp; hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề…

Năm 2011, báo chí nước ta đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Hội nghị đã tập trung thảo luận nêu bật những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và các hoạt động báo chí; phân tích, làm rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác báo chí năm 2011; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; quy hoạch báo chí; đào tạo nguồn nhân lực báo chí vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng vừa có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền phục vụ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân…

Tham luận của TTXVN do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương trình bày đã đề cập công tác thông tin đối ngoại của TTXVN, cơ quan có hơn 10 đơn vị báo chí làm công tác thông tin đối ngoại, góp phần đắc lực vào công tác ngoại giao, hội nhập quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương cũng kiến nghị một số biện pháp nhằm tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp và nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Khắc phục yếu kém, nâng cao vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh đã biểu dương những kết quả đạt được của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí; các cơ quan báo chí và những người làm báo, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2011.

Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới. Báo chí đã kịp thời phát hiện, biểu dương các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng đất nước.

Các cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền góp phần củng cố, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Đồng chí Lê Hồng Anh cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của công tác báo chí: Công tác lãnh đạo, điều hành, việc thực hiện quy hoạch và quản lý hệ thống báo chí còn bất cập. Nhiều tờ báo và cơ quan báo chí trùng lặp, chồng chéo chức năng, nội dung. Việc quản lý kênh, sóng truyền hình chưa chặt chẽ, cho ra nhiều kênh, chiếu nhiều phim nước ngoài; xuất bản nhiều chuyên san, chuyên đề, ấn phẩm phụ. Một số cơ quan báo chí chưa chú ý biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, mà còn thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; vi phạm các quy định về quảng cáo, trái với truyền thống văn hóa dân tộc… Một số phóng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, viết bài phản biện thiếu tính xây dựng...

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu cần tập trung phân tích, đánh giá, tự kiểm điểm thật nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trên tinh thần tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để kiểm điểm với thái độ cầu thị và quyết tâm khắc phục… Đó là cách làm tốt để xây dựng nền báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, tiến bộ, chuyên nghiệp.

Đề cập về các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2012 và các năm tiếp theo, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Báo chí hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tốt hơn với các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan để chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin trên báo chí chính xác, sắc bén, kịp thời hơn, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần đánh giá kết quả thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo, quản lý báo chí.

Đồng chí đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tham mưu với Chính phủ ban hành đề án quy hoạch báo chí; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về báo chí, kịp thời điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong hoạt động quản lý báo chí hiện nay. Các cơ quan chủ quản báo chí cần phát huy, thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí thuộc phạm vi mình phụ trách, nhất là việc chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và định hướng nội dung thông tin tuyên truyền.

Về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ: Các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền có hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là cần tập trung thực hiện và tuyên truyền tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ: Báo chí cần tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của đất nước; công tác bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới; các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân; biểu dương, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo chí cần làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình", phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.

Tăng cường cổ vũ, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt

Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đã biểu dương các cơ quan báo chí, những người làm báo đã khắc phục ảnh hưởng của những khó khăn về kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, đã thông tin tốt về các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2011, góp phần vào thành công của những sự kiện này. Báo chí cũng đã thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, góp phần vào những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nghiêm khắc chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong công tác thông tin và chỉ đạo, quản lý báo chí. Đồng chí đặc biệt lưu ý về sự thiếu vắng những thông tin biểu dương người tốt, việc tốt vốn rất phong phú trong xã hội ta. Đồng chí nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất chăm lo biểu dương người tốt việc tốt. Tăng cường thông tin nhằm nhân rộng những điển hình, những tấm gương về người tốt việc tốt cũng là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng lưu ý tình trạng “thương mại hóa” báo chí. Một số cơ quan báo chí vì chạy theo lợi nhuận đã hạ thấp giá trị các tác phẩm báo chí, đăng tải thông tin không có thật, sai định hướng, trái với truyền thống văn hóa dân tộc và đạo đức người làm báo…

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh những nhiệm vụ của báo chí trong thời gian tới, như: Tiếp tục bám sát định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước; chủ động tuyên truyền có trọng tâm và sáng tạo; nâng cao chất lượng người làm báo, từ tổng biên tập, tổng giám đốc đến các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… tăng cường cổ vũ gương người tốt, việc tốt; đấu tranh chống tham nhũng, chống “diễn biến hòa bình”; giám sát, phản biện xã hội nhằm hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng phải với động cơ trong sáng, lành mạnh, khách quan, cân bằng. Kiên quyết khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; đổi mới công tác giao ban; giữ vững kỷ luật thông tin. Tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin kịp thời cho báo chí. Xây dựng chính sách báo chí phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí phát triển bền vững, trong đó có việc quản lý và phát triển báo điện tử và thông tin trên mạng…

Hương Thủy - LDT