07:08 06/07/2012

Xây dựng mới mô hình liên kết

Mặc dù gần đây, các tỉnh Nam bộ xuất hiện một số mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn chưa khắc phục quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa người trồng...

Mặc dù gần đây, các tỉnh Nam bộ xuất hiện một số mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn chưa khắc phục quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa người trồng để thống nhất quy trình và đầu tư đồng bộ; chưa có sự liên kết giữa 4 nhà, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp (DN).


Theo ông Nguyễn Văn Ngàn –Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn – một trong những nơi quy tập người trồng vú sữa ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu, cho rằng vai trò của hợp tác xã hiện nay chỉ là nơi tập hợp nông dân cùng sản xuất chứ chưa chủ động được trong khâu tiêu thụ. “hợp tác xã chỉ hợp đồng với nông dân sản xuất theo đúng chất lượng, quy chuẩn và được hỗ trợ về kĩ thuật chứ không thể bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Vì không bao tiêu nên cũng không thể ràng buộc nông dân bán hàng cho mình khi giá cả không ổn định, do đó hợp tác xã cũng không dám kí hợp đồng lâu dài, hay trước mùa vụ thu hoạch với DN thu mua được” – ông Ngàn cho biết.


Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho rằng hợp tác xã chỉ quản lý, điều phối sản xuất được đã là tốt, chứ còn trực tiếp xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm thì rất khó. Chính vì thế, ông Hóa đang đề xuất thí điểm mô hình sản xuất mới. Đó là mô hình DN cổ phần nông nghiệp hoặc cải tiến hợp tác xã hoạt động theo mô hình DN. Theo đó, với mô hình DN cổ phần nông nghiệp thì nông dân sẽ cho DN thuê đất (trên đất cùng trồng một loại cây ăn trái) hoặc góp vốn theo dạng cổ phần, nông dân sẽ là cổ đông cùng sản xuất với DN hoặc trở thành người làm thuê cho DN. Chủ DN có thể làm giám đốc công ty này. Bằng cách này, chủ DN sẽ đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, tìm hợp đồng đầu ra cho sản phẩm, trong khi người nông dân trực tiếp sản xuất theo đúng yêu cầu kĩ thuật của DN. Đối với mô hình hợp tác xã hoạt động theo mô hình DN, DN sẽ được mời tham gia vào ban quản trị hợp tác xã để chia sẻ về năng lực kinh doanh và sản xuất. Thời gian sau đó có thể phát triển lên thành DN cổ phần hóa nông nghiệp và nông dân tham gia sản xuất cùng nắm cổ phần với DN.


Theo ông Hóa, với cách thức liên kết này, sẽ tận dụng được 2 lợi thế: người nông dân biết sản xuất nhưng không biết kinh doanh, còn DN thì lại biết kinh doanh nhưng không biết sản xuất. Từ sự phối hợp này, sẽ nâng cao hiệu quả và dễ thành công hơn. Cũng theo ông Hóa, sắp tới tỉnh Tiền Giang sẽ đưa Hợp tác xã Hòa Lộc – chuyên canh xoài cát Hòa Lộc, làm thí điểm mô hình hợp tác xã hoạt động theo mô hình DN. Hiện người dân cũng rất phấn khởi và bước đầu cũng đã có một công ty Nhật đang có nhu cầu phối hợp để xây dựng mô hình. Những sản phẩm sau khi được thu hoạch sẽ được chế biến và xuất khẩu sang Nhật. “Nếu mô hình này hoạt động có hiệu quả thì sẽ nhân rộng ra các hợp tác xã khác”- ông Hóa khẳng định.


Cũng theo ông Hóa, chỉ cần DN bắt tay liên kết với nhà vườn để xây dựng kế hoạch sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ hỗ trợ khoa học kĩ thuật tối đa cho việc sản xuất. “Về kĩ thuật, nếu DN yêu cầu thế nào, cán bộ kĩ thuật sẽ hỗ trợ đến mức đó, đáp ứng đúng tiêu chuẩn được quy định”.


Minh Thuyết