03:10 24/03/2011

Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc

GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP-Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát ATVSTP.

GS.TS Nguyễn Công Khẩn (ảnh), Cục trưởng Cục ATVSTP-Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát ATVSTP.

Đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát ATVSTP thời gian tới, thưa ông?

Hiện nay, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, hoặc có chất gì đó bị phát hiện trong thực phẩm, người dân vẫn thường hoang mang không biết chất đó tác động ra sao với sức khỏe... Việc có một hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm để tập hợp thông tin từ nhiều nguồn nhằm đưa thông tin về thực phẩm mất an toàn ra hệ thống cảnh báo thường xuyên là rất cần thiết. Do đó, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Đề án hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm để trình Chính phủ.

Dự kiến, khi nào Đề án được triển khai và với những nội dung cụ thể nào, thưa ông?

Hiện nay, Đề án chưa được phê duyệt nên chưa thể khẳng định chi tiết về mục tiêu hay thời hạn cụ thể. Chúng tôi mong muốn đến cuối năm 2015 thì Đề án sẽ cơ bản đạt được các chỉ số, đích nhắm đến là giảm được 30 - 35% số người ngộ độc và số các vụ ngộ độc lớn.

Nhưng chúng tôi rất hy vọng là Đề án sẽ được phê duyệt vào giữa năm nay. Đề án gồm 3 phần chính: Một là thành lập một trung tâm phân tích tất cả các thông tin từ trong nước đến thế giới. Cho phép cung cấp các số liệu một cách nhanh nhất, để ứng phó kịp thời với những vấn đề mất an toàn thực phẩm ở cả trong và ngoài nước. Hai là hệ thống giám sát cho phép chủ động cung cấp thông tin nội tại ở trong nước (đang thí điểm ở 11 nhóm mặt hàng nguy cơ cao, ví dụ thịt chín, thức ăn sẵn, bao bì thực phẩm…). Ngoài ra, còn có hệ thống giám sát đặc thù tại những viện chuyên ngành có chuyên môn cao để giám sát thực phẩm chức năng, chất thôi nhiễm, phụ gia… Ba là cho phép nối mạng với các tổ chức quốc tế, cung cấp các thông tin về biên giới, thị trường trong và ngoài nước…

Trong năm 2011, việc cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào?

Trước mắt, việc chủ động phân tích nguy cơ và cảnh báo sẽ tiếp tục triển khai ở một số nhóm thực phẩm, còn đánh giá nguy cơ chủ động trên nhiều nhóm mặt hàng sẽ làm theo lộ trình. Chúng tôi cũng dự kiến căn cứ vào các yếu tố ưu tiên, ví dụ các hóa chất hay xuất hiện trong thực phẩm, vấn đề nào nguy hại nhất với thực phẩm sẽ được phân tích nguy cơ và đưa vào hệ thống cảnh báo trước.

Việc phân tích nguy cơ sẽ dựa vào các nghiên cứu. Tại các chợ đầu mối sẽ lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên các nhóm sản phẩm nguy cơ cao hay đang nằm trong diện nghi ngờ gây ngộ độc, ví dụ các thực phẩm nghi ngờ tồn dư hóa chất bảo quản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xem tần suất gây nguy hại thế nào để đánh giá và đưa thông tin vào hệ thống cảnh báo…

Hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ tập hợp thông tin từ nhiều nguồn, từ các cuộc thanh kiểm tra, giám sát, từ báo chí, người dân, các mạng lưới cảnh báo của các tổ chức quốc tế... để đưa thông tin về thực phẩm mất an toàn ra hệ thống cảnh báo thường xuyên. Các cảnh báo này sẽ được truyền thông trên báo chí và website của cục (http://vfa.gov.vn). Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra được cách quản lý thực phẩm dựa trên bằng chứng, dựa trên các nguồn thông tin khác nhau.

Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, để có thể tham gia tốt vào hệ thống cảnh báo nhanh, được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã bắt đầu tiến hành triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt tham gia Đề án. Ngày 22/3, đoàn cán bộ của ta (với 20 học viên) đã lên đường sang Hàn Quốc để tham dự khóa học về hệ thống cảnh báo nguy cơ. Những cán bộ này sẽ là hạt nhân để tập huấn cho cán bộ trong nước. Trong quá trình triển khai đề án, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hình thức tập huấn về quản lý, chuyên môn, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSTP.

Đối với các nhà trường, hiện chúng tôi đã trực tiếp biên soạn tài liệu về cảnh báo nguy cơ. Sắp tới sẽ in ấn tài liệu, đưa vào giảng dạy trong các trường đại học. Ngoài ra, sẽ yêu cầu các trường tham gia vào việc đào tạo cho các tuyến về cảnh báo nhanh.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên - An Hòa (thực hiện)