02:20 12/02/2015

Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế năng động

Nhân dịp đầu xuân mới 2015, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Nhân dịp đầu xuân mới 2015, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (ảnh).

Thưa đồng chí, Hải Phòng đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV và Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Vậy, đâu là minh chứng cụ thể cho sự vận dụng sáng tạo trên?

Để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đại hội XIV Đảng bộ thành phố đã đề ra; đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm, vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương vào thực tiễn.

Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng góp phần đảm bảo tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hải Phòng.
Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Thứ nhất, Hải Phòng đã tập trung tái cấu trúc nền kinh tế thành phố, đổi mới mô hình tăng trưởng, với cách làm phù hợp với điều kiện của Hải Phòng.

Thứ hai, thực hiện chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thành phố tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong thời kỳ mới.

Thứ ba, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hình ảnh thành phố là một trung tâm kinh tế xã hội lớn, năng động của cả nước, đang hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ. Đã tập trung cao công tác cải cách hành chính, với những điểm sáng cách làm mới sáng tạo, như mô hình một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại; đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân; tổ chức chuyên mục “Dân hỏi, giám đốc sở trả lời” trên Đài Phát thanh và Truyền hình...

Thứ tư, tập trung thực hiện khâu đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Hải Phòng là địa phương đi đầu xây dựng phát triển mô hình trường ngoài công lập. Tiếp tục chọn cử cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài theo Đề án 100 của thành phố. Thành phố cũng đã tổ chức các lớp nguồn cán bộ xã, với đầu vào là nhân lực trẻ đã qua đại học.

So với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, Hải Phòng vẫn còn đó những mặt hạn chế. Nguyên nhân khách quan và chủ quan là gì, thưa đồng chí?


So với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 32, Hải Phòng vẫn còn những mặt hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa bảo đảm tính bền vững. Những hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, đó là:

Việc thể chế hóa Nghị quyết còn chậm, chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá cho sự phát triển của Hải Phòng, tạo sức mạnh liên kết của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, nhất là các cơ chế tài chính ưu đãi nhằm thúc đẩy sự phát triển của một địa phương trọng điểm, có nhiều đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Bố trí vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư vào Hải Phòng còn chưa tương xứng với yêu cầu của đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia, cửa chính ra biển của miền Bắc và đầu mối giao thông quan trọng của đất nước. Nhiều công trình dự án trọng điểm đã xác định trong Nghị quyết nhưng chậm được bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, còn có tư tưởng ỷ lại trông chờ, chưa thực sự chủ động. Hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước của một số cấp, ngành, địa phương, cơ sở còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu.


Đồng chí có thể cho biết, những giải pháp, hành động mang tính đột phá đang được lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng quan tâm?


Từ kết quả bước đầu của việc thực hiện chủ đề năm 2014, thành phố tiếp tục xác định chủ đề năm 2015 là “Phục hồi kinh tế - đổi mới mô hình tăng trưởng”. Để thực hiện thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đề ra và chủ đề năm 2015, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xác định một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và lợi thế lớn, có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao như dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải, thương mại, du lịch, tài chính... Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thu hẹp dần những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Đổi mới mô hình tăng trưởng sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị cao, hiệu quả, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Thứ hai: Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, triển khai các hình thức đầu tư như: Hợp tác công tư PPP, BOT, BT… Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, để thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tiềm lực mạnh từ trong và ngoài nước.

Thứ ba: Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, như Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ Bắc sông Cấm (VSIP), các khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Nam Tràng Cát, Tràng Duệ... Tiếp tục nghiên cứu lựa chọn, quy hoạch và xây dựng một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để thu hút các dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư: Tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình lớn, trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến sự phát triển của thành phố như: Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện... Tập trung cao chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và triển khai các dự án công trình.

Thứ năm: Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, nhiệm vụ có liên quan tới hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xin cám ơn đồng chí!

Đoàn Minh Huệ (Thực hiện)