06:23 29/06/2015

Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Tốc độ và chất lượng phát triển của các đô thị nước ta thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nó cũng để lại những hệ quả về mặt môi trường cần phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã đề ra.

Tốc độ và chất lượng phát triển của các đô thị nước ta thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nó cũng để lại những hệ quả về mặt môi trường cần phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã đề ra.

Đô thị hóa tăng nhanh

Tại Hội thảo Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam do Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) phối hợp tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, Trưởng ban Ban điều phối VUF cho biết, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ngay cả trong điều kiện khó khăn của biến động kinh tế toàn cầu. Trong đó, hệ thống đô thị quốc gia đã đóng góp khoảng 70% GDP, là những trung tâm động lực phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước. Chất lượng và điều kiện sống của người dân khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể.

Thành phố mới Bình Dương được xây dựng theo mô hình kiến trúc đô thị xanh. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN


Theo số liệu của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hệ thống đô thị tại Việt Nam đã phát triển mạnh trong 15 năm qua. Năm 1999, cả nước chỉ có 629 đô thị thì đến cuối năm 2014 đã có 774 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa từ 23,7% năm 1999 tăng lên 34,5% năm 2014. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng lên 50% vào năm 2025.

Kế hoạch hành động

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các đô thị Việt Nam trong thập kỷ qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, lương thực… và đặc biệt về biến đổi khí hậu và những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra.

Cần có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong các chương trình, dự án về tăng trưởng xanh. Ông Nguyễn Tuấn Anh

Ông Oscar Huerta Melchor, đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lưu ý, đô thị chú trọng tới tăng trưởng nhưng cũng cần chú trọng tới các vấn đề liên quan tới môi trường. “Mặc dù đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1995 - 2007 nhưng các đô thị cũng sử dụng đến 67% năng lượng và phát thải 71% lượng khí thải CO2 toàn cầu, đồng thời chiếm tới 70% vốn đầu tư công trực tiếp, tính trung bình trong khối OECD.

Giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh, lĩnh vực đô thị được ưu tiên cao trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn này. Do vậy, cần thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện và đặc thù của hệ thống đô thị Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chiến lược tăng trưởng xanh hướng tới việc thay đổi phương thức phát triển, thông qua đó đóng góp vào cam kết của Việt Nam đối với Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược gồm 3 nhiệm vụ là: Phát triển CO2 thấp, năm 2020 giảm tự nguyện cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 - 10% so với năm 2010 và giảm 20% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế; Xanh hóa sản xuất nhằm phát triển các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; Xanh hóa lối sống và khuyến khích tiêu dùng bền vững.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng, cần có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong các chương trình, dự án về tăng trưởng xanh. Nguồn vốn từ Chính phủ và nguồn ODA sẽ được dùng để thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho khối tư nhân đầu tư vào các dự án biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, các mô hình theo phương thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hạ tầng, sản xuất điện.
H.Tùng-H.Dương