06:07 19/06/2011

Xây dựng chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng; là sự tiếp tục thực hiện đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

LTS: Ngày 8/6/2011 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng; là sự tiếp tục thực hiện đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với các biện pháp đồng bộ hơn và hướng tới mục tiêu toàn diện hơn.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, và đã mang lại nhiều thành tựu to lớn.
Nhân dịp này, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử về việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong những năm qua và thời gian tới. Xin lược trích giới thiệu với độc giả bài phỏng vấn này.


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc; đặc biệt là ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng sâu, vùng xa. Xin Bộ trưởng cho biết một số chính sách đang được thực hiện và đánh giá khái quát những kết quả đạt được?

Trong những năm qua, mặc dù đất nước còn có nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tạo điều kiện của các bộ, ngành, sự phấn đấu của các địa phương, đặc biệt là sự tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, bám sát chương trình, kế hoạch, công tác dân tộc đã được triển khai toàn diện, đồng bộ và tập trung có trọng điểm, các chính sách càng ngày càng hoàn thiện.

Hiện nay, một số chính sách lớn đang được thực hiện tại vùng dân tộc và miền núi như: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II); Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ); Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định 134); Chính sách hỗ trợ đồng bào định canh định cư (Quyết định 33); Chính sách cấp (không thu tiền) một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (Quyết định 975); ngoài ra còn có các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư theo vùng như: Chính sách đối với các xã biên giới Việt - Trung (Quyết định 120), các xã biên giới Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia...

Nếp nhà mới dựng của một gia đình người Mông ở bản Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh : Văn Phát - TTXVN

Hiệu quả của hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đã làm cho vùng dân tộc và miền núi có nhiều đổi thay trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS đã có sự chuyển biến đáng kể. Thu nhập của đồng bào ở khu vực dân tộc và miền núi cùng với việc được tiếp cận các dịch vụ ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các dịch vụ về tín dụng, khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nước sạch và nhà ở ngày càng tăng lên. Tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn, bản ĐBKK đã giảm từ 47% năm 2006, xuống còn 28,8% năm 2010. Đến nay, đã có 96% xã có đường ô tô đến trung tâm, 95% xã có điện, hơn 70% hộ được dùng điện, 100% xã ĐBKK có trường tiểu học, nhà mẫu giáo và lớp bán trú dân nuôi, 100% huyện có trung tâm y tế, 100% xã ĐBKK có trạm y tế.

Quá trình thực hiện các chính sách vừa qua, chính sách nào được đánh giá là thành công nhất? Còn những khó khăn vướng mắc gì, thưa Bộ trưởng?


Quá trình thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi, đến nay có thể nói Chương trình 135 là chương trình thành công nhất, hiệu quả nhất, được đồng bào cả nước ủng hộ và được quốc tế đánh giá rất cao.

Tháng 1/2011 Chính phủ đã tổ chức tổng kết Chương trình 135 giai đoạn II và một số chính sách dân tộc thực hiện giai đoạn 2006 - 2010. Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện trên địa bàn của hơn 50 tỉnh, trên 350 huyện, gần 2.000 xã ĐBKK và gần 3.300 thôn, bản ĐBKK của các xã khu vực II; với nguồn vốn ngân sách nhà nước là 14.000 tỷ đồng và 7 nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ 450 triệu USD (tương đương 7.800 tỷ đồng). Chương trình đã hỗ trợ cho 2,2 triệu hộ với 11,8 ngàn tấn giống cây lương thực, 33 triệu giống cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, gần 300 ngàn con giống gia súc, hơn 1,3 triệu con giống gia cầm, 470 ngàn tấn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; 6.834 mô hình phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, 81.085 máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, tham quan, học tập các mô hình sản xuất cho 911.721 lượt người. Chương trình đã đầu tư xây dựng 12.646 công trình cơ sở hạ tầng (trong đó, 3.375 công trình đường giao thông, 2.393 công trình thủy lợi, 2.478 công trình trường học, 1.573 công trình nước sinh hoạt, 995 công trình điện, 367 công trình chợ, 489 công trình trạm y tế, 976 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng). Chương trình 135 là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi cơ bản diện mạo của vùng dân tộc và miền núi (tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBKK mỗi năm giảm 4 – 5% ). Chương trình 135 đã trở thành thương hiệu không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc thiểu số, được Đảng, Chính phủ và quốc tế đánh giá rất cao.

Cùng với Chương trình 135, các chính sách khác đối với vùng dân tộc và miền núi cũng đạt được những kết quả quan trọng: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định 134). Chính sách trợ giá, trợ cước vùng dân tộc và miền núi (giai đoạn 2006 - 2009). Chính sách hỗ trợ đồng bào định canh định cư (Quyết định 33). Chính sách định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư (Quyết định số 1342) với 297 dự án định canh định cư cho gần 30.000 hộ/140.000 nhân khẩu, đến nay đã ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vùng dân tộc và miền núi vẫn là địa bàn chậm phát triển so với cả nước, nhất là vùng có địa hình khó khăn hiểm trở. Cơ sở hạ tầng so với nhu cầu thực tế của vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn: Chỉ khoảng 75,2% số thôn, bản có đường ô tô chạy qua. Mặc dù hầu hết các xã thuộc Chương trình 135-II có đường giao thông đến trung tâm xã, nhưng chỉ có 19% có các tuyến đường cho xe vận tải hành khách đi qua. Tỷ lệ có nước sạch sử dụng tại các xã thuộc Chương trình 135-II thấp. Trong cả mùa khô và mùa mưa, chưa đến 10% số xã thuộc Chương trình được sử dụng nước qua đường ống dẫn nước hoặc nước được lọc. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi chưa đáp ứng mục tiêu đề ra theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Quá trình thực hiện một số chính sách còn gặp nhiều khó khăn, vì đều trong tình trạng thiếu vốn, kinh phí NSNN cấp mới chỉ đáp ứng được 30 – 40% nhu cầu của chương trình, dự án, nên rất khó hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch.

Năm 2010, Đảng và Nhà nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất - Sự kiện đó có tác động to lớn như thế nào đến đời sống, tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số?

Trong suốt 65 năm qua, đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam được Đảng, Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc, có điều kiện tập hợp đầy đủ đại biểu của 53 dân tộc thiểu số, đại diện cho các thành phần xã hội, lĩnh vực, vùng miền; nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển.

Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Đại hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Đại hội được tổ chức tốt, đã có 1.683 đại biểu dự/1.702 đại biểu được triệu tập (đạt 98,8%) đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số về dự Đại hội.

Đại hội đã tạo nên không khí tưng bừng phấn khởi trong đồng bào và có sức lan tỏa rộng lớn. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng trong đồng bào cả nước. Đại hội không những tôn vinh, biểu dương khen thưởng công lao đóng góp của đồng bào các dân tộc và phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc từ cơ sở đến Trung ương, mà còn tôn vinh giá trị tư tưởng, văn hóa bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thành công của Đại hội có sự ủng hộ to lớn và tình cảm sắt son, gắn bó của đồng bào cả nước. Đại hội đã đáp ứng được tình cảm và nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc.

Thông qua Đại hội, đồng bào các dân tộc thiểu số hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tuyệt đối trung thành với Đảng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống; tích cực học tập nâng cao trình độ; thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thưa Bộ trưởng, trong giai đoạn sắp tới, những chính sách nào tiếp tục được triển khai, đồng thời cần có những hoạch định chiến lược như thế nào để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và vùng miền?

Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công sẽ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện hàng loạt các chính sách nhằm góp phần giảm nghèo bền vững cho người nghèo nói chung và đồng bào các DTTS vùng DTMN nói riêng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình chính sách cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015. Tham mưu giúp Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011 – 2020 và Đề án thành lập Học viện dân tộc gắn với đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành; thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Xây dựng chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011- 2015,

Hoàn thành bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển, làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách đảm bảo công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện để khu vực đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển, khuyến khích, phát huy nội lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo.

Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản ĐBKK giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình 135 giai đoạn III); Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; Chính sách đặc thù thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi.

HOÀNG TRUNG HIẾU (thực hiện)