11:09 14/11/2012

Xây bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất - Bài 1: 2,9 tỷ đồng?

Quyết định số 4968/ QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 31/10/2012 "Phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 trong Công viên Thống Nhất tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội" đã khiến dư luận có nhiều trao đổi.

LTS: Quyết định số 4968/ QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 31/10/2012 "Phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 trong Công viên Thống Nhất tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội" đã khiến dư luận, đặc biệt giới kiến trúc sư, các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu, cũng như cộng đồng dân cư Hà Nội có nhiều trao đổi.


 

Khu vực Công viên Thống Nhất mặt phố Trần Nhân Tông cắt với phố Nguyễn Đình Chiểu sẽ có bãi đỗ xe lớn.

 

Lý do thì có nhiều như việc xây dựng bãi đỗ xe sẽ đồng nghĩa với việc làm mất không gian xanh của Hà Nội, phá vỡ cảnh quan của Công viên Thống Nhất - một trong những biểu tượng của thời kỳ đầu XHCN, cũng như là một biểu tượng của phong trào lao động XHCN, của văn hóa thời kỳ này.


Việc cho phép thực hiện dự án này cũng thể hiện sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo đầu tư của thành phố, đồng thời chưa xác định mối quan hệ quy hoạch giao thông, quy hoạch công viên cây xanh của Thủ đô, cũng như quy hoạch chung của Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt...


Để dư luận có thể hiểu rõ hơn về dự án bãi đỗ xe ĐX1, những vấn đề tồn tại và bất cập trong việc phê duyệt dự án; cũng như để có tiếng nói từ người dân, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư góp ý với thành phố Hà Nội... Báo Tin tức có loạt bài đi sâu về vấn đề này.

 

Bài 1: 2,9 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cho một nghiên cứu, nên chăng?


Đã có nhiều dự án bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất bị UBND thành phố Hà Nội bác bỏ trong những năm qua. Sau khi có những phản ứng từ phía những người có trách nhiệm cũng như xã hội. Thế nhưng đột nhiên ở thời điểm này, Hà Nội lại quyết định chi 2,9 tỷ đồng ngân sách vào việc nghiên cứu một dự án xây dựng bãi đỗ xe cả nổi lẫn ngầm tại Công viên Thống Nhất. Theo đánh giá của nguyên Kiến trúc sư (KTS) trưởng thành phố Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, đây là một quyết định khó hiểu, chưa rõ.

 

Đã có những bài học


Quyết định số 4968/ QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 31/10/2012 nêu rõ: "Phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 trong Công viên Thống Nhất tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội". Dự án sẽ do Ban quản lý chỉnh trang đô thị làm chủ đầu tư, với quy mô "xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp nổi với diện tích nghiên cứu khoảng 2.384 m2", hình thức xây dựng mới, với tổng mức đầu tư dự kiến là 166 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án sẽ từ 2013 - 2015.


Đặc biệt, cũng trong quyết định này đã nêu rõ: đầu tư 2.930 triệu đồng (tạm tính) từ ngân sách thành phố cho công tác chuẩn bị đầu tư, gồm việc khảo sát, đo đạc bản đồ, xác định chỉ giới, điều tra, thu thập số liệu, tài liệu và thỏa thuận với các đơn vị liên quan; đánh giá tác động môi trường; lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án... Tất cả các công việc này sẽ phải hoàn thành trong quý I/2013.


Như vậy, quyết định này theo như TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, chưa phải là phê duyệt dự án, mà mới chỉ là "cho phép nghiên cứu lập dự án". Tuy nhiên, cũng theo ông Nghiêm, việc cho phép nghiên cứu lập dự án này cũng đã rất không "nhất quán" và không thể hiện được tính liên tục trong quá trình chỉ đạo của thành phố Hà Nội về quy hoạch cây xanh nói chung và Công viên Thống Nhất nói riêng.


Với tư cách đã tham gia quản lý trong một thời gian dài, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Đây không phải lần đầu tiên có dự án đề xuất xây dựng bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất. Khoảng năm 2005 - 2006, Công ty Tân Hoàng Minh cũng đã đề xuất xây dựng bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất, phía phố Nguyễn Đình Chiểu, nhưng đã bị dư luận phản ứng và đã không thể triển khai dự án. "Vào năm 2009, sau khi Công viên Thống Nhất điều chỉnh quy hoạch không thành (sẽ đề cập cụ thể trong bài viết sau - PV), thành phố đã giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu. Lúc đó rất nhiều đối tác cũng đã muốn tham gia kết hợp kinh doanh một phần tại công viên.


Cụ thể là lúc bấy giờ Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất và Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân đã phối hợp để tham gia nghiên cứu và đã đề xuất một dự án với nội dung bố cục lại phân khu chức năng công viên. Đặc biệt trong đó có đề xuất xây bãi đỗ xe với 2 tầng ngầm với diện tích khoảng 1 ha. Dự án đã được nghiên cứu sơ bộ trong 2 năm, đến năm 2011, khi chủ đầu tư trình bày dự án, Hội đồng kiến trúc, nhiều chuyên gia và đặc biệt là dư luận đã có ý kiến phản đối. Cuối cùng, dự án đã không được chấp thuận", KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.


Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong quá trình phát triển của mình từ năm 1960 đến nay (Công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng năm 1958 và hoàn thành năm 1960), Công viên Thống Nhất đã có nhiều dự án điều chỉnh cục bộ. Trong đó có nhiều dự án đã nâng cấp công viên lên, nhưng cũng có không ít dự án không thành công, như dự án xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel (2009), một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển.


Theo ông Nghiêm, dự án này ban đầu được chính thành phố Hà Nội phê duyệt, nhưng sau đó vì lý do dự án thay đổi chủ đầu tư và có những điều chỉnh trong chức năng sử dụng, nên UBND thành phố dừng dự án, tìm địa điểm khác. "Ngoài ra, còn có những dự án như dự án nhà vũ trụ hợp tác với Pháp cũng đã không triển khai thực hiện được. Rất nhiều dự án có tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Công viên Thống Nhất đã phải dừng bởi không phù hợp với quy hoạch, cảnh quan, mục đích của công viên" - ông Nghiêm cho biết.

 

Dùng tiền nhà nước cho việc nghiên cứu không chắc chắn


Với những "cảnh báo" đã có đó, nên theo ông Nghiêm, dự án bãi đỗ xe ĐX1 còn có quá nhiều điểm bất cập so với các định hướng nêu trong quy hoạch chung của thành phố, các nghiên cứu quy hoạch ngành: cây xanh - mặt nước, giao thông vận tải. Ông Nghiêm cho biết: "Trong quyết định ngày 31/10 vừa qua của thành phố đã cho phép chuẩn bị dự án đầu tư này, cho phép làm bãi đỗ xe trong công viên, đặc biệt trong đó có xác định rõ vốn đầu tư là 166 tỷ đồng, và xác định cụ thể diện tích là 2.384 m2, gồm cả bãi đỗ xe nổi và ngầm. Đặc biệt trong đó có nêu rõ là sử dụng hơn 2,9 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để nghiên cứu. Đây thực sự là những điều quá "mới" so với những dự án trước đây".


Theo ông Nghiêm, điều "mới" nhất là dùng ngân sách nhà nước để đầu tư nghiên cứu, trong khi tất cả các dự án trước đây đều huy động xã hội hóa đứng ra đầu tư nghiên cứu, bằng nguồn vốn xã hội hóa. "Và đặc biệt nhất trong lần này là định hướng cả bãi đỗ xe ngầm và nổi, trong khi các dự án trước đây hoàn toàn chỉ nói tới bãi đỗ xe ngầm.Và ngay trong các quy hoạch giao thông của Hà Nội lâu nay cũng đều chỉ nói tới bãi đỗ xe ngầm trong các công viên, vườn hoa.

 

Cụ thể như trong quy hoạch giao thông chung của Thủ đô do Thủ tướng phê duyệt năm 2008, trước thời điểm thành phố Hà Nội mở rộng, có đề cập tới bãi đỗ xe, nhưng chủ yếu là bãi đỗ xe ngầm. Sau khi có quy hoạch chung của Thủ đô do Thủ tướng phê duyệt năm 2011, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch giao thông vận tải thành phố, trong đó đã đề cập đến đồng bộ các loại hình giao thông, nhưng chú trọng đến giao thông tĩnh; đồng thời đề xuất là nội đô cũ sẽ có 39 bãi đỗ xe, trong đó chủ yếu là bãi đỗ xe ngầm ở quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, và một phần quận Đống Đa. Quy hoạch này cũng có đề cập tới bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất, nhưng cũng là bãi đỗ xe ngầm, với diện tích khoảng 2.000 m2.


Với những dẫn chứng này, nên có vẻ đây là một quyết định khó hiểu của thành phố về việc cho phép, dù mới chỉ là nghiên cứu, một dự án xây dựng bãi đỗ xe tới 2.384 m2 (con số này hoàn toàn không căn cứ vào bất cứ một quy hoạch giao thông hay quy hoạch công viên cây xanh nào của thành phố cả - PV), lại là bãi đỗ xe cả ngầm lẫn nổi.


Tuyết Anh

 

Bài 2: Phải hài hòa giữa bài toán giao thông và kiến trúc xanh