12:07 21/12/2016

Xác định xu hướng phạm tội ngay từ độ tuổi lên 3

Việc xác định thế hệ tội phạm mới của xã hội là công việc khả thi ngay từ thời điểm các nhân tố tiềm tàng xuất hiện ở độ tuổi lên 3.

Theo bản nghiên cứu mới, tuổi thơ bị ngược đãi là một trong những thành tố góp phần dẫn đến xu hướng phạm tội về sau của trẻ.

Theo Sputnik, đó là kết quả của công trình nghiên cứu mới của các nhà khoa học thần kinh tại trường Đại học Duke, New Zealand. Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 1.000 người ở New Zealand, điều tra cuộc sống của những người này từ lúc họ được sinh ra vào đầu những năm 1970 đến thời điểm họ bước vào độ tuổi 38.

Theo các nhà khoa học, 20% những người có điểm số thấp nhất trong bài kiểm tra “sức khỏe trí não” ở độ tuổi lên 3 về sau sẽ phạm đến trên 80% loại tội khi là người trưởng thành.

Các nhà khoa học tạo ra chỉ số “sức khỏe trí não” dựa trên một bài kiểm tra 45 phút dành cho trẻ ở độ tuổi lên 3, theo đó đánh giá các đặc điểm thần kinh học ở trẻ như kĩ năng nhận biết, vận động và ngôn ngữ cùng với các nhân tố khác như khả năng chịu đựng sự tức giận, sự hiếu động và bốc đồng.

Từ bài kiểm tra này, các nhà khoa học chấm điểm cho mỗi đứa trẻ tương ứng với mức đánh giá về mức độ khỏe mạnh của bộ não.

Không chỉ nhằm dự đoán hành vi phạm tội, một tác giả của công trình nghiên cứu, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Duke bà Terrie Moffitt cho biết nghiên cứu còn xem xét tần suất những chủ thể này sử dụng các dịch vụ công cộng như phúc lợi xã hội, đơn thuốc, bệnh viện, bảo hiểm chấn thương và khuyết tật cũng như tần suất liên quan đến việc bị kết án.

Thông qua việc phân tích dữ liệu, họ phát hiện nhóm 20% sử dụng 80% dịch vụ công.

Giáo sư Moffitt cho biết, dựa trên những dữ liệu về sử dụng dịch vụ công ở New Zealand trong hai thập kỷ cùng thông tin về thời thơ ấu của họ, các nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi điều gì đã đi sai hướng trong thời thơ ấu của nhóm người đang sử dụng phần lớn dịch vụ công của New Zealand.

Tuổi thơ bị ngược đãi

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người này đối mặt với rủi ro bị ngược đãi khi còn là trẻ nhỏ. Họ có xu hướng lớn lên trong những hộ nghèo và theo các giáo viên tiểu học, đó là những đứa trẻ có khả năng kiểm soát bản thân kém.

Giáo sư Moffitt cho biết thêm, để kiểm soát vấn đề tài chính, các nhà khoa học loại bỏ toàn bộ dữ liệu của những hộ nghèo ra khỏi cuộc nghiên cứu và tính toán lại các phân tích. Tuy nhiên, họ vẫn thu được kết quả tương tự với trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, môi trường xã hội là một nhân tố quan trọng và những người lớn lên ở những môi trường chưa đạt đến mức độ lí tưởng có khuynh hướng truyền lại xu hướng hành vi cho con cái họ.

Với ghi nhận này, đội ngũ các nhà khoa học lên kế hoạch nghiên cứu kĩ năng làm phụ huynh của thế hệ kế tiếp. “Chúng tôi đã tìm ra và báo cáo… rằng những người có khả năng kiểm soát bản thân kém nhất khi còn là trẻ em trở thành những ông bố bà mẹ có khả năng kiểm soát bản thân kém nhất. Họ gặp khó khăn trong việc quản lý vai trò làm cha mẹ. Đây dường như là điều có thể tác động đến các thế hệ trẻ tương lai”, bà Moffitt nói.

Theo nhấn mạnh của các nhà khoa học, kết quả của cuộc nghiên cứu không chỉ ra rằng mọi cá nhân trong nhóm 20% đều phạm tội về sau. Trái lại, kết quả cuộc nghiên cứu chỉ cung cấp bằng chứng cho thấy “sức khỏe trí não” có một tác động quan trọng lên tâm lý phạm tội của một cá nhân cũng như các bối cảnh kinh tế xã hội khác.

Theo giáo sư Moffitt, các nhà khoa học không mong muốn trẻ nhỏ sẽ bị dò xét để phát hiện những dấu hiệu cho thấy chúng có khả năng phạm tội trong tương lai bởi mục tiêu của cuộc nghiên cứu không nhằm phân biệt đối xử nhóm trẻ này. “Tôi hy vọng điều bản nghiên cứu này làm là khiến mọi người cảm thông hơn với nhóm người này của xã hội, những người bị bỏ lại phía sau”, bà Moffitt nói.

Theo bà, bản nghiên cứu nhận được nhiều chú ý từ cộng đồng khoa học quốc tế và đang được chính phủ nhiều nước sử dụng để cải thiện các chính sách xã hội.

Vũ Anh