02:00 24/02/2012

Xác định chỉ tiêu đào tạo cần tính đến quy hoạch nhân lực

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào trung tuần tháng 2/2012 tại Hà Nội, vấn đề đầu tiên mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục làm rõ là tình trạng mất cân đối ngành nghề đào tạo trong những mùa tuyển sinh gần đây.

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) tổ chức vào trung tuần tháng 2/2012 tại Hà Nội, vấn đề đầu tiên mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục làm rõ là tình trạng mất cân đối ngành nghề đào tạo trong những mùa tuyển sinh gần đây. Theo một số chuyên gia tuyển sinh, mất cân đối ngành nghề có một phần nguyên nhân của việc xác định chỉ tiêu.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Công đoàn Hà Nội (năm 2011). Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Trong khi những tiêu chí mới về xác định chỉ tiêu mà Bộ GD – ĐT mới công bố lại chưa gắn bó chặt chẽ đến quy hoạch phát triển nhân lực 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2011.

Khối ngành kinh tế liên tục áp đảo

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận rằng, trong những năm gần đây, cụ thể là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 còn tồn tại tình trạng mất cân đối về chỉ tiêu đào tạo giữa các ngành. Theo thống kê của Bộ GD – ĐT, trong 416 trường ĐH, CĐ có 248 trường tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán.

Điều đáng nói, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phân bố cho các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu. Vì số trường có tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh bình quân trong 3 năm (2009 - 2011) vào 4 ngành này chiếm xấp xỉ 41% với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

Trước vấn đề này Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Thực tế đó có phù hợp với yêu cầu hay không, có cần điều chỉnh không? Bộ cũng cần làm rõ điều này”.

Một trong những đổi mới của tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là việc xác định chỉ tiêu của các trường. Tháng 12/2011, Bộ GD – ĐT đã ban hành Thông tư số 57/2011/TT - BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, TCCN. Bộ giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở các tiêu chí quy định. Theo đó, các trường căn cứ tiêu chí về tỷ lệ sinh viên (chỉ tính học sinh, sinh viên đào tạo theo hình thức chính quy, kể cả liên thông chính quy, tính theo số thực, không quy đổi)/giảng viên cơ hữu quy đổi và tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của cơ sở đào tạo/sinh viên để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012.

Căn cứ vào tiêu chí này không ít chuyên gia tuyển sinh bình luận, quy định mới này mới chỉ đáp ứng được một yêu cầu trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh là công khai, dựa trên thực tế của trường. Còn yêu cầu về thực tế nhu cầu xã hội, nhu cầu ngành nghề gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội thì đang bị bỏ ngỏ.

Cần gắn với quy hoạch phát triển nhân lực

Ông Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng cho biết, giải quyết tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành cũng như tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh không hợp lý cần có giải pháp mang tính toàn diện, chiều sâu và cần gắn với quy hoạch phát triển nhân lực đã được vạch ra.

Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nguyễn Văn Lê cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường hiện nay đang tính theo công thức số sinh viên/giảng viên, sinh viên/diện tích. “Cách tính máy móc này theo tôi là còn thiếu. Cần phải thêm tiêu chí tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề. Có như vậy mới đảm bảo đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế bày tỏ, bên cạnh các chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước đặt hàng cho các ngành như: khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, với một số ngành khó tuyển, nhà trường có thể linh hoạt dành chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu của người học.

Một số hiệu trưởng các trường ĐH cho rằng, nếu không kịp thời xác định chỉ tiêu gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, thời gian tới sinh viên khối ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng khi ra trường sẽ khó tìm được việc làm, trong khi những ngành khác đang cần lại thiếu nhân lực. Lúc này cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cũng như cần xem xét thêm tiêu chí về chỉ tiêu để đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực xã hội.

Lê Vân