Ý thức của người sản xuất và kinh doanh chưa cao

“Luật An toàn thực phẩm thực hiện từ ngày 1/7/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm quản lý toàn bộ chuỗi từ khâu trồng trọt, thu gom, sơ chế đến đem ra ngoài chợ bán. Như vậy, gần như Bộ này sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về độ an toàn của thực phẩm trên bàn ăn của người dân hàng ngày” - ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản Bộ NN&PTNT cho biết.

Xin ông cho biết cụ thể về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/7/2011?

Bộ NN&PTNT được giao quản lý 9 nhóm, ngành hàng, gồm: rau, củ, quả, sữa nguyên liệu, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, thịt và các sản phẩm từ thịt (bao gồm thịt gia súc, gia cầm…), trứng và các sản phẩm trứng, mật ong và lâm sản.

Trước đây, Bộ chỉ quản lý khâu sản xuất ban đầu là trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ; hiện nay Bộ quản lý thêm khâu chế biến và lưu thông. Trách nhiệm nặng nề hơn vì phải kiểm soát toàn bộ quá trình.

Thực tế, người nông dân sản xuất và cung ứng trên 90% thực phẩm được tiêu dùng trong nước. Do vậy, để dễ kiểm soát, chúng tôi chia ra thành hai nhóm rủi ro cao như: rau, thịt, tôm cá... dễ hư hỏng. Nhóm rủi ro thấp: như ngũ cốc, ngô...

Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi có chương trình giám sát, lấy mẫu xét nghiệm. Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay, tỷ lệ mẫu vi phạm có vi sinh vật gây bệnh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép không nhiều. Ví dụ như: thủy sản dưới 2% (rất tốt so với các nước trong khu vực), rau có tỉ lệ tồn dư thuốc bảo vệ là 6-8%, tỷ lệ này so với Ôxtrâylia, châu Âu thì của ta cao hơn nhưng so với các nước trong khu vực là khá tốt.

Trong thời gian qua, ngộ độc thực phẩm không xảy ra ở khâu sản xuất mà chủ yếu là do việc sử dụng thực phẩm không đúng cách, thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn cố tận dụng để chế biến, hoặc sử dụng chất bảo quản dài ngày cho thực phẩm, các sản phẩm đã hỏng vẫn mang ra để bán, hoặc xử dụng phẩm màu vì lợi nhuận. Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Do vậy, khâu tuyên truyền là quan trọng nhất, vì từ thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi.

Sau gần 2 tháng thi hành Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã làm được những gì, thưa ông?

Trên cơ sở Luật An toàn thực phẩm, trong thời gian qua Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật, đó là cơ sở pháp lý để triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh khung pháp lý, thì chúng tôi đã trình và được Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực kiểm tra hoàn thiện bộ máy, đào tạo đội ngũ nhân lực để thực hiện tốt công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

Chúng tôi cũng đang tập huấn cho các tỉnh, thành phố triển khai công tác kiểm tra, xử lý theo đúng tinh thần của Luật An toàn thực phẩm.

Trong quá trình triển khai Luật, Cục có gặp khó khăn gì không, thưa ông ?

Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật vẫn chưa được ban hành; chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế để sớm ban hành Nghị định, để có nền tảng pháp lý vững chắc cho việc triển khai luật. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vẫn thiếu rất nhiều, chúng tôi đang tiếp tục đào tạo thêm để có một đội ngũ vững về chuyên môn nghiệp vụ, để triển khai đầy đủ được Luật An toàn thực phẩm.

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN