“Y học Việt Nam đã có vị thế trên thế giới”...

Ngày 25/2, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức tôn vinh 26 thành tựu y học được lựa chọn từ hàng trăm cụm công trình và kỹ thuật đã được ứng dụng trong thực tế. Đây là những nỗ lực của toàn ngành y tế nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.

GS.TS Trương Việt Dũng (ảnh), Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo, Bộ Y tế trao đổi với PV Tin Tức xung quanh nội dung những hướng đi mới của ngành y trong thời gian tới để đạt được nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa.

´Trong số những thành tựu khoa học - công nghệ nổi bật của ngành y tế thời gian qua, đâu là thành tựu nổi bật nhất, thưa ông?

Cần phải khẳng định rằng, thời gian qua, chúng ta có vô vàn thành tựu khoa học công nghệ trong y học đã và đang được ứng dụng vào đời sống ở rất nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã đưa trình độ khoa học và công nghệ y, dược Việt Nam gần theo kịp với các nước tiên tiến, trong đó có một số kỹ thuật ngang hàng với các nước tiên tiến. Ngày càng có nhiều sản phẩm khoa học được ứng dụng trong thực tế, giảm giá thành điều trị; đồng thời, đưa tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ ngày càng nhiều người, nhất là người nghèo...

Kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân được ghép tim thành công ngày 15/4/2011. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo tôi, nổi bật nhất trong các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực dự phòng là hoạt động sản xuất vắcxin. Việt Nam là một trong số ít những nước có thế mạnh về sản xuất vắcxin. Nhiều nhà khoa học quốc tế rất ngỡ ngàng khi thấy Việt Nam đã sản xuất được tới 10 loại vắcxin như: vắcxin tiêu chảy do Rota virút, vắcxin viêm phổi, vắcxin sởi, thậm chí phát triển được cả vắcxin 5 trong 1 (chỉ bằng một mũi tiêm, ngừa được cả 5 bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B)... Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu vắcxin ngừa bệnh cúm A/H5N1 (đang trong giai đoạn nghiên cứu từ lâm sàng trên người trước khi có thể trở thành các sản phẩm bán trên thị trường). Việc sản xuất được vắcxin này có ý nghĩa rất quan trọng vì Việt Nam sẽ chủ động trong việc phòng dịch cho người dân trong trường hợp đại dịch cúm xảy ra ở người. Điều cốt yếu hơn cả là các nhà khoa học VN đã làm chủ và áp dụng được những kỹ thuật đặc biệt, chuẩn bị được các chủng để sản xuất vắcxin phòng bệnh cúm. Từ hoạt động này, chúng ta có thể chủ động sản xuất ra nhiều loại vắcxin cúm khác.

Trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, chúng ta đã áp dụng được rất nhiều kỹ thuật tiên tiến, các y bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được khâu chẩn đoán sớm, điều trị sớm, kịp thời những bệnh trước đây không điều trị được. Đơn cử như BV Việt Đức đã ghép đa tạng từ người cho chết não, tại BV Đa khoa TƯ Huế thày thuốc Việt Nam đã ghép tim thành công từ người cho chết não...

Chúng tôi cũng rất vui vì y học Việt Nam đã có vị thế nhất định trên thế giới, nhiều bệnh viện (BV) nước ngoài đã cử thầy thuốc sang VN để học một số kỹ thuật cao như học phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý nhi khoa tại BV Nhi TƯ, nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp ở BV Nội tiết TƯ. Tại Viện Tim mạch quốc gia cũng đã đào tạo cho hơn 30 lượt học viên quốc tế... Thậm chí đến nay, ngay nhiều người trong ngành y cũng ngỡ ngàng khi các nhà khoa học quốc tế nói rằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) với PET/CT mô phỏng trong chẩn đoán, điều trị ung thư là kỹ thuật tiên tiến nhất được thực hiện ở một số ít quốc gia, trong đó có ở Bệnh viện Bạch Mai Việt Nam...

´Ông đánh giá như thế nào về hoạt động phát triển khoa học y tế Việt Nam so với các nước trong khu vực? Để có thể tiếp tục đạt được những thành tựu mới, lĩnh vực này cần có hướng đi như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song cần thẳng thắn nhìn nhận rằng do thiếu kinh phí nên hoạt động phát triển khoa học và đầu tư công nghệ y tế cũng còn hạn chế. Và nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển công nghệ y tế như hiện nay thì e rằng dần dần chúng ta sẽ lạc hậu so với quốc tế.

Do đó, cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển khoa học công nghệ y tế, nhất là đầu tư cho con người vì để có một giáo sư giỏi sẽ phải mất hàng chục năm. Thứ hai, cần phải đầu tư có trọng điểm và đồng bộ hơn. Hiện tại, hiệu quả của hoạt động điều trị không còn đơn giản là nhìn, sờ, gõ, nghe nữa, y học bây giờ cần rất nhiều bằng chứng từ phương tiện hiện đại, các máy xét nghiệm, máy chữa bệnh có hàm lượng kỹ thuật cao và cần sự kết hợp vào cuộc của các ngành khoa học cơ bản khác như sinh học, hóa học, điện tử và công nghệ thông tin...

´Vậy việc “đầu tư” cho con người đã được ngành y tế triển khai như thế nào?

Bộ Y tế rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ở tất cả các tuyến, từ xã tới TƯ. Song song với việc đào tạo các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, công tác đào tạo của ngành y cũng rất chú trọng đào tạo những cán bộ làm việc ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Bởi vì, đây chính là những cán bộ gần và có thể giúp đỡ cho người dân nhiều nhất.

Tất nhiên, hoạt động đào tạo cán bộ trong ngành y cũng rất đặc thù, và còn không ít khó khăn. Vừa rồi, chương trình đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến huyện đã dành nhiều tỷ đồng để chi cho công tác đào tạo BS tuyến huyện. Nhưng kết quả là rất ít BS tham dự được chương trình này. Lý do đơn giản là đơn vị thiếu cán bộ khám chữa bệnh cho bà con nên nhiều BS không thể bỏ nhiệm sở mà đi học.

Do đó, trong thời gian tới, công tác đào tạo cán bộ ngành y sẽ phải “tính” kỹ hơn, làm sao để số lượng luôn đi đôi với chất lượng, tăng cường hoạt động đào tạo liên tục, đồng thời đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo từ xa. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các BV tuyến trên xuống tuyến dưới như Đề án 1816 đã và đang triển khai...

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN