Xứng danh 'Thành phố Anh hùng'

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc của quân và dân ta vẫn còn vang vọng mãi. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ cuộc chiến đấu này có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, nhất là trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, tiến trình xây dựng, phát triển Hải Phòng văn minh, hiện đại nói riêng.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN

Vị trí quan trọng trong Vịnh Bắc Bộ

Theo Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, Hải Phòng là thành phố cảng có nhiều cửa sông quan trọng đổ ra biển, bờ biển dài trên 125km, vùng biển rộng khoảng 4.000km2 với hơn 300 đảo lớn, nhỏ; trong đó các đảo Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ giữ vị trí quan trọng tại Vịnh Bắc Bộ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Phòng là cửa ngõ tiếp nhận hàng viện trợ quốc tế, là căn cứ xuất phát của "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Với vị trí quan trọng đặc biệt của sông, biển, nên trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, cùng với việc đánh phá dữ dội các mục tiêu trên bộ, đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường; trong đó Hải Phòng là một trọng điểm.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không để giao thông vận tải, nhất là hoạt động của cảng biển bị ách tắc, Hải Phòng đã tập trung nghiên cứu, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên sông, biển; chiến đấu với phương châm "toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân đảm bảo giao thông vận tải, chống địch phong tỏa", bảo đảm thông tuyến, thông luồng giao thông trên sông biển, sẵn sàng tiếp nhận hàng viện trợ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng với cả nước, Hải Phòng đã giành thắng lợi lớn trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, phong tỏa sông, biển miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, để chủ động đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa sông, biển của địch, tháng 12/1966, Hội nghị Thành ủy Hải Phòng nhận định: Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với thành phố trong năm tới sẽ ác liệt hơn; địch sẽ đánh phá khu công nghiệp, khu dân cư và phong tỏa cảng, nhưng dù chiến tranh ác liệt đến thế nào, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố quyết nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đồng thời, Thành ủy chỉ đạo tiếp tục chuyển hướng và đẩy mạnh sản xuất; làm tròn nghĩa vụ đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đúng như nhận định của ta, cùng với mở cuộc phản công trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao, ngày 26/2/1967, đế quốc Mỹ bắt đầu thả thủy lôi xuống các cửa sông, cửa biển, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa sông, biển miền Bắc lần thứ nhất (1967-1968). Đối với Hải Phòng, mục tiêu cụ thể của địch trong đợt đánh phá này nhằm cô lập Hải Phòng với Hà Nội; cô lập Hà Nội, Hải Phòng với các khu vực khác, làm tê liệt giao thông vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam, đặc biệt từ nước ngoài vào miền Bắc. Từ tháng 6 đến tháng 10/1967, Mỹ dùng bom từ trường MK-42 thả xuống cửa sông Văn Úc. Ở xung quanh thành phố, máy bay địch ném bom phá sập cầu Rào, cầu Niệm, cầu Quay, cầu Thượng Lý và nhiều nhà máy, xí nghiệp, đồng thời thả bom từ trường xuống lòng sông, bến phà quanh thành phố.

Chủ động đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá, phong tỏa của địch, Thành ủy và Ủy ban hành chính thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải, các đơn vị công binh, lực lượng vũ trang các địa phương tiến hành đo đạc, khảo sát xác định địa chất, nền đường, chế độ thủy triều ở từng khu vực, sẵn sàng cho các phương án khắc phục cầu, đường bị đánh phá; nghiên cứu mở đường mới, luồng mới, đường vòng tránh, dự trữ nguyên liệu, vật tư, sẵn sàng khắc phục hậu quả, bảo đảm cho nhiệm vụ vận tải hàng hóa thông suốt...

Đầu năm 1972, trước nguy cơ sụp đổ của quân đội Sài Gòn - "xương sống" của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đế quốc Mỹ phải "Mỹ hóa" trở lại, huy động hai quân chủng hiện đại nhất của Mỹ là hải quân, không quân làm nhiệm vụ trực tiếp cứu nguy cho quân đội Sài Gòn ở miền Nam; đồng thời thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại, phong tỏa lần thứ 2 đối với miền Bắc (4/1972-1/1973), trong đó Hải Phòng là một trong những mục tiêu trọng điểm.
 
Mặc dù cảng Hải Phòng là mục tiêu chính trong hoạt động đánh phá, phong tỏa của địch, nhưng số tàu vận tải của nước ngoài ra, vào cảng vẫn tiếp tục tăng, lên đến 400 lần. Số hàng nhập qua cảng năm 1965 đạt 1,7 triệu tấn, năm 1966 là 1,9 triệu tấn, năm 1967 lên 2,1 triệu tấn. Năm 1967, cán bộ, công nhân cảng đã cùng với chuyên gia các nước bạn thiết kế và lắp đặt thành công chiếc cần cẩu chân đế thứ 10, đưa khối lượng hàng được bốc xếp bằng cơ giới và nửa cơ giới lên 98,2%, tăng 22,6% so với năm 1964. Với những chiến công này, quân, dân thành phố Hải Phòng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng lẵng hoa vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Đình Giảng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, Quân chủng Hải Quân cho rằng, chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường là chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt về ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 anh hùng, tiền thân là Trung đoàn 171 - đơn vị được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ rà quét thủy lôi, mở luồng trọng điểm ở Hải Phòng những năm 1972-1973. Hải Phòng là trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Bắc, cảng Hải Phòng là nút giao thông đường biển quan trọng của miền Bắc và là cầu nối với các tuyến hàng hải quốc tế. Đồng thời, Hải Phòng cũng là nơi tập trung các đơn vị chủ lực của Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, Trung đoàn nhanh chóng thành lập Sở Chỉ huy phía trước đặt tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Qua 13 tháng hoạt động, chiến đấu trên mặt trận chống địch phong tỏa ở cửa biển Hải Phòng, Trung đoàn 171 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu có ý nghĩa chiến lược...

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TXVN

Đô thị đa trung tâm

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, thắng lợi của quân, dân Hải Phòng trong cuộc chiến đấu chống phong tỏa sông, biển miền Bắc có giá trị to lớn, có ý nghĩa chiến lược, góp phần xứng đáng cùng quân, dân cả nước giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Paris "Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" (27/1/1973), tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng này để lại cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng những bài học quý về đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và thành phố Hải Phòng trong thời kỳ mới.

Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước và những tiềm năng, lợi thế về biển, Hải Phòng được Bộ Chính trị xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; phát triển theo mô hình "Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh", với cấu trúc không gian: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Về quốc phòng, an ninh, thành phố Hải Phòng nằm trên hướng phòng thủ chiến lược của Quân khu 3 từ biển vào Thủ đô Hà Nội.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm đánh giặc ngoại xâm của dân tộc; nhận thức đúng về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch, từ đó nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng mối đoàn kết máu thịt quân - dân, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI "Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" gắn với thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị "Về xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới"; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã xác định, đưa thành phố phát triển bứt phá, cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030.

Cùng đó, Hải Phòng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại; tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh; quan tâm củng cố và xây dựng hệ thống công trình quốc phòng, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Đồng thời, thành phố tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch hóa, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được thể hiện xuyên suốt trong từng chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội, tương xứng với vị trí chiến lược quan trọng của thành phố đối với cả nước...

Quý I năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế và trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố đạt 9,65%, đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 3 toàn quốc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm toàn diện trên các mặt. Đây là những kết quả quan trọng để Hải Phòng phấn đấu sớm trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của Vùng Bắc Bộ.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Khẳng định giá trị lịch sử của chiến công chống phong tỏa sông biển miền Bắc 1973
Khẳng định giá trị lịch sử của chiến công chống phong tỏa sông biển miền Bắc 1973

Ngày 26/6, tại cơ quan BTL Hải quân, thành phố Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức hội thảo khoa học 50 năm Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27/6/1973 - 27/6/2023) với chủ đề “Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc 1973 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN