Xuân sớm trên xã đảo Thạnh An

Mất 1,5 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô, qua phà Bình Khánh chúng tôi mới đến thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Hỏi đường ra bến tàu để sang xã Thạnh An - xã đảo duy nhất và xa nhất của TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được người dân cho biết đến 9 giờ sáng sẽ có chuyến tàu ra đảo.

Do tranh thủ đi sớm cho kịp chuyến tàu sang đảo nên cả nhóm chưa ai kịp ăn sáng. Ai cũng lo... đói, vì trong nhóm có người trước đây đã từng ra xã đảo và đã phải nhịn đói vì không có ai bán gì để có thể lót dạ. Vì vậy, khi tới sớm, tàu chưa chạy nên cả nhóm tranh thủ đi ăn sáng, có người thậm chí ăn 2 phần... cho chắc.

 

Cầu cảng từ bến tàu dẫn vào xã đảo Thạnh An.

9 giờ sáng, chiếc tàu gỗ chở gần 50 khách và hàng hóa đã tách bến tiến ra cửa biển. Trong tiếng máy tàu ồn ã, những người khách bắt chuyện với nhau. Có những người từ đất liền ra đảo để dự đám cưới người thân, có nhóm bạn thì lần đầu ra đảo theo dạng phượt khám phá, có người ra đảo để tìm việc làm... Tàu chạy khoảng 35 phút, xã đảo Thạnh An đã hiện ra trước mắt với những cánh rừng đước xanh rì chạy dọc bao quanh đảo, thấp thoáng những mái nhà, mái chùa nhô lên. Mất 45 phút đi tàu để được bước chân lên xã đảo, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cuộc sống người dân nơi đây không phải như những gì chúng tôi đã nghĩ trước đó.

Chuyến tàu những ngày cuối năm luôn mang nhiều hàng hóa từ đất liền đưa ra xã đảo.

Tàu vừa cặp bến, cuộc sống của người dân trên đảo đã hiện ra sôi động. Tiếng xe máy, tiếng hành khách... hòa lẫn vào nhau khiến không gian cầu cảng sôi động. Nhóm bạn trẻ là sinh viên Đại học Kinh tế Luật (Thủ Đức) đã tranh thủ chụp hình cho nhau. Nguyễn Ngọc Quang, sinh viên năm 4 Đại học Kinh tế Luật, cho biết: “Tụi em mất 3,5 tiếng đồng hồ đi xe buýt từ Thủ Đức xuống đây. Nghe mọi người nói nhiều về xã đảo, chúng em muốn đi một lần theo dạng homestay cho biết”.

Xã đảo Thạnh An hầu như chỉ có con đường chính chạy dọc từ đầu bến tàu đến cuối xã, dù vẫn còn khá nhiều đường nhánh. Khi chưa đến đảo, cứ tưởng dân cư sống thưa thớt, nhưng đến rồi mới biết dân cư ở đây khá “sầm uất”, bởi dọc theo con đường chính, nhà cửa san sát, khá giả như ở phố vậy. Và thật... “thất vọng” khi không theo suy nghĩ của chúng tôi lúc đầu: Trên xã đảo bây giờ không thiếu thứ gì, nhất là đồ ăn uống. Các quầy tạp hóa trên xã đảo cung cấp đủ loại hàng hóa. Các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, cá tươi sống được người dân trên đảo đánh bắt mỗi buổi sáng sẵn sàng phục vụ khách mua, chủ sẽ chế biến và ăn luôn tại chỗ. Điện lưới quốc gia đã về trên xã đảo từ tháng 4/2015 nên giờ nhà ai cũng có ti vi, tủ lạnh và thậm chí là cả... máy lạnh nữa.

Nhiều bạn trẻ chọn xã đảo Thạnh An là điểm đến du lịch vào độ xuân về.

Gặp đồng chí Bí thư và cũng là Chủ tịch xã, Huỳnh Anh Tuấn vào ngày nghỉ cuối tuần trên xã đảo, anh cười tươi bảo: Xã đảo Thạnh An bây giờ khác trước nhiều, đã “vươn” lên rất nhiều. “Từ ngày 11/11/2015, xã đảo đã được công nhận là xã nông thôn mới”, đồng chí Bí thư xã không giấu được niềm vui. Rồi anh cho biết: Xã đảo có 3/3 ấp được công nhận là ấp văn hóa với tổng số 1.159 hộ dân. Tính đến cuối năm 2015, xã còn 417 hộ nghèo với mức thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống (chiếm 17,34%) và 216 hộ cận nghèo với mức thu nhập trên 16 - 21 triệu đồng/người/năm (chiếm 18,63%). Đây là một cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã khi đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh đáng kể, bởi đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm tới 28,9% tổng số hộ.

Dễ dàng bắt gặp những sạp cá khô dọc con đường liên ấp của xã.

“Xã đã xác định tiềm năng và thế mạnh của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Xã xây dựng chiến lược phát triển và hoạch định lại nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, trong đó chú trọng con hàu và phát triển sản phẩm đặc trưng để hướng đến kết hợp phát triển du lịch trên đảo”, Bí thư xã Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Theo đó, nghề nuôi hàu trên xã đảo Thạnh An đang phát triển mạnh, từ 80 hộ đầu năm 2015 đến nay đã tăng lên 290 hộ với diện tích nuôi trên 30 ha. “Nếu không ảnh hưởng thời tiết thì nuôi hàu có thu nhập kinh tế rất ổn định với tỉ lệ 1:1 trong năm đầu tiên (tức đầu tư bao nhiêu thì lời tương đương bấy nhiêu), sang năm thứ 2 thì có thể đạt tỷ lệ 1:2 và thậm chí là hơn nữa”, đồng chí Bí thư xã cho biết. Cũng theo đồng chí Bí thư xã, xã đã quy hoạch vùng nuôi và hướng tới thành lập tổ hợp tác để đảm bảo đầu ra cho người dân cũng như đảm bảo chất lượng và tăng giá trị sản phẩm.

Không chỉ phát triển nghề nuôi, xã đảo Thạnh An còn chú trọng vào việc đánh bắt - nghề truyền thống bao đời của người dân trên đảo và hướng sản phẩm đánh bắt này phát triển thành sản phẩm đặc trưng của đảo. Theo đó, trên đảo đã phát triển 2 tổ hợp tác chế biến thủy sản thành sản phẩm có ưu thế của đảo là mắm tôm chua và mắm cá cơm. Các sản phẩm này đang trong quá trình làm thủ tục để đăng ký thương hiệu hàng hóa, nhưng chất lượng được người dân đánh giá rất cao.

“Từ tháng 9/2015 đến nay, lượng khách du lịch đến với xã đảo cũng khá đông. Trên đảo chưa có khách sạn nên khách du lịch đang lưu trú theo dạng homestay là chủ yếu. Từ những hoạch định của địa phương, định hướng của xã là phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cùng con người trên đảo... kết hợp với việc nuôi trồng (đưa khách tham quan các nhà bè nuôi hàu...), thả lưới, du ngoạn trên sông và sản phẩm đặc trưng. “Thương mại và dịch vụ sẽ phát triển từ nguồn khách du lịch, tạo ra lối phát triển mới mạnh hơn cho xã đảo”, đồng chí Huỳnh Anh Tuấn hy vọng.

Mùa Xuân năm nay dường như đã đến sớm hơn với người dân, chính quyền trên xã đảo khi kinh tế, xã hội trên đảo phát triển mạnh mẽ. Ông Đỗ Văn Quang, một ngư dân kỳ cựu với 4 thế hệ ông bà, con cháu sống và làm ăn trên đảo, cho biết: “Đời sống người dân trên đảo rất tốt, không thiếu thứ gì. Điện, nước đầy đủ; đường sá sạch sẽ... là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi. Giờ không còn mong ước gì hơn thế nữa. Có được như ngày hôm nay là nhờ chính quyền đã hỗ trợ rất tốt, quan tâm và lo cho người dân lắm”. Rồi ông khoe: “Phải làm giàu chính đáng chứ để Nhà nước lo hoài sao được. Từ vốn vay của Nhà nước giờ tôi đã có 2 chiếc tàu cá, có khi chỉ ra khơi 3 ngày đã kiếm được hơn 100 triệu đồng rồi.

Dù mùa này tôi chỉ “nuôi bạn” (tức là đánh bắt để tạo công ăn việc làm cho các bạn đi biển) nhưng 2 ngày nay tôi đã kiếm được hơn 20 triệu đồng rồi. Tết này sẽ ăn Tết lớn vì đủ đầy hơn”. Còn anh Út Tiến, người chuyên nghề chạy xe ôm trên xã đảo cũng mừng vui cho biết, Tết này anh cũng có kha khá tiền vì vừa chạy xe ôm vừa cho thuê xe máy. “Khoảng 4 - 5 tháng nay, du khách đến đảo nhiều nên tôi chạy xe cũng được kha khá, mỗi ngày kiếm hơn 100.000 đồng. Tôi còn một xe máy cho thuê, mỗi ngày cũng kiếm thêm được 100.000 đồng nếu có khách thuê”.

Một cái Tết nữa sắp đến với xã đảo Thạnh An - xã có khăn bậc nhất của TP Hồ Chí Minh hôm nay, nhưng trong mắt người dân, dường như Xuân đã về sớm hơn. Hòa trong ánh nắng oi ả của miền biển giữa trưa là những làn gió mát từ biển thổi vào cùng với tiếng trống dồn dập của nhóm múa lân nào đó đang tập, chuẩn bị cho Tết cùng tiếng vọng cổ vọng từ đám cưới của một đôi bạn trẻ trên đảo. “Tình cảm của người dân đối với xã đảo thật tuyệt vời”, Bí thư xã đảo Huỳnh Anh Tuấn vui vẻ nói.
Bài và ảnh: M.Thuyết - A. Đức
Khởi công Dự án Cấp điện lưới quốc gia xã đảo Lại Sơn
Khởi công Dự án Cấp điện lưới quốc gia xã đảo Lại Sơn

Ngày 4/9, tại Cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh , huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi công dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN