Gần đây, người dân xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và các xã lân cận xôn xao với thông tin cậu bé 3 tuổi đã đọc sách, báo rành rọt. Đó là bé Nguyễn Thanh Sơn , sinh ngày 22/10/2009, con của anh Nguyễn Thanh Quang (SN 1982) và chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên (SN 1990) ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập.
Gia đình bé Sơn (cầm sách) lo lắng về phương pháp dạy để phát triển cả về trí tuệ, tính cách của bé.
|
Bé Nguyễn Thanh Sơn đang học nhóm lớp 1A, trường mầm non Phú Riềng B (xã Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bình Phước). Cô giáo chủ nhiệm nhóm lớp Nguyễn Thị Lệ cho biết: Sơn không nghe lời cô giáo như những học trò mẫu giáo khác, luôn làm theo ý thích riêng. Tôi đã trao đổi điều này với gia đình. Tháng 10/2012, chị Nguyên mẹ cháu đem đến một cuốn sách và dặn tôi nếu bé không nghe lời thì cho bé đọc chữ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, mẹ bé Sơn kể lại: Sơn chậm nói, 16 tháng tuổi mới tập nói từng tiếng một (ba, mẹ, bà, nước…). Khi bé được 2 tuổi, gia đình gửi tại Trường mầm non Phú Riềng B. Được khoảng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm khuyên gia đình nên đưa bé đi khám bệnh vì bé không chơi đùa, nói chuyện cùng bạn bè và thường xuyên ngồi nói một mình.
Vợ chồng chị Nguyên đưa con đến khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Theo chẩn đoán ban đầu, bé Sơn có dấu hiệu bị tự kỷ nhưng sau khi quan sát hồi lâu, các bác sỹ phát hiện bé không phải nói nhảm mà là đọc tất cả những chữ trên tường. Bác sỹ khuyên gia đình không cho bé chơi những gì liên quan đến chữ, không treo, dán lịch, hình ảnh có chữ … bé sẽ trở lại bình thường.
Trong một lần theo mẹ đến cửa hàng tạp hóa, Sơn đã nhìn lên những tấm bảng có chữ và đọc to, tiếp đó là đọc chữ trên bao kẹo. Thấy trên bàn có một quyển sách giáo khoa Văn lớp 9, cậu bé đã đọc một mạch. Lần khác, chị Nguyên cho con đi siêu thị Coop-Mark (thị xã Đồng Xoài), Sơn cũng làm nhiều người ngạc nhiên khi đọc vanh vách các bảng hiệu quảng cáo trong siêu thị.
Khi chúng tôi đến nhà, Sơn đang cầm điện thoại của mẹ soạn tin nhắn rất nhanh bằng tiếng Việt có dấu. Thấy Sơn biết soạn văn bản, chúng tôi lấy máy tính xách tay để bé trổ tài. Sơn tỏ ra thích thú, đánh dòng chữ “cau hoi ky truoc”, “cau hoi ky nay”. Theo quan sát của chúng tôi, khi bé quá thích thú, bé đọc, đánh máy những câu theo trí nhớ của mình chứ không làm theo những gì mọi người nói. Lúc này, bé đọc nhanh, giọng ngọng hơn, một số chữ phát âm sai dấu hoặc không dấu nên rất khó nghe.
Ví dụ, bé đọc “phần thưởng giá trị” và đánh trên máy tính là “phan thuong gia tri”. Khi những người xung quanh không nghe được và hỏi lại, bé phát âm từng chữ cái một trong câu, kèm theo cả dấu. Bé đánh vần đúng và nhanh. Để kiểm chứng, chúng tôi đưa cho Sơn một cuốn sách và mấy tờ báo, cậu bé đọc rất nhanh không cần đánh vần.
Anh Nguyễn Thanh Quang - bố Sơn cho biết: Sơn rất thích dùng tăm, đũa ăn cơm, que củi…để xếp thành chữ. Sơn có thể ngồi hàng giờ để làm việc này. Anh Quang mang ra một hộp tăm, Sơn xếp thành dòng chữ: “VŨ ĐIỆU XANH” (có dấu).
Trao đổi với chúng tôi, anh Quang cho biết: Bé Sơn biết đọc chữ hơn một năm nay nhưng gia đình muốn bé phát triển bình thường như bạn bè cùng lứa tuổi nên không dạy bé cầm bút, viết chữ. Tuy nhiên, gần đây bé luôn làm theo ý thích của bản thân nên gia đình rất lo lắng về phương pháp dạy để phát triển cả về trí tuệ, tính cách của bé.
Tin, ảnh: Đậu Tất Thành