Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Tuyên Quang: Cần có lộ trình và những giải pháp quyết liệt

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, thế nhưng có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục lò gạch thủ công ở ven sông Gâm (đoạn qua cầu Bợ) xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang ngày đêm “thiêu đốt” người dân nơi đây. Việc xóa bỏ lò gạch thủ công dường như vẫn đang giậm chân tại chỗ.

 

Ô nhiễm và những hệ lụy


Thái Sơn là một xã vùng núi của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 40 lò gạch thủ công đang hoạt động. Theo người dân thì trước đây thôn An Lâm được quy hoạch làm HTX tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gạch, ngói là chính. Sau khi HTX giải thể người dân vẫn tiếp tục sản xuất gạch, ngói. Nguyên nhân là vì không còn ruộng. Mặt khác, mỗi một lò cho ra sản phẩm sau khi trừ chi phí cho lãi 15 - 30 triệu đồng, chính vì vậy mà không chỉ người dân thôn An Lâm mà các thôn xung quanh như An Thạch 1, An Thạch 2... cũng xây dựng lò gạch, thế là các lò gạch cứ nhiều lên.


 

Sau 15 phút đi bộ, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hơn chục lò gạch thủ công đang nghi ngút khói, những cột khói đặc quánh tràn xuống ruộng lúa, bãi ngô, len lỏi vào nhà người dân làm cho cái nắng nóng, oi bức của mùa hè tăng lên bội phần.


Ông Nguyễn Văn Minh, thôn An Lâm, xã Thái Sơn, chủ một quầy tạp hóa nằm ngay đường tỉnh lộ 176, bức xúc cho biết: Nhà ông chỉ cách lò gạch thủ công có vài chục mét, ba mặt là lò gạch thủ công nên những khi lò gạch đốt, đặc biệt là lúc gặp phải gió thì những cột khói trắng tràn thẳng vào nhà mùi rất khó chịu. Những lúc ấy ông đành phải tạm đóng cửa quán. Không riêng gì gia đình ông mà đó là tình cảnh mà toàn bộ người dân khu vực thôn An Lâm phải sống chung hàng chục năm nay.


Những lò gạch thủ công không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn gây thiệt hại lớn về hoa màu. Ông Trần Văn Thuận, Trưởng thôn An Lâm cho biết, những cánh đồng nằm ngay cạnh những lò gạch khi lên đòng mà gặp khói thì xem như mất trắng. Những cây nhãn khi ra hoa mà bị khói vào thì chẳng có quả nào, những ruộng mía nếu bị khói lò gạch tràn xuống thì khô ngọn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng. Có thể dễ dàng nhìn thấy những bãi ngô vàng úa, không có hạt bởi khói lò gạch, người dân chỉ còn cách chặt cho trâu bò ăn; đã có nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn khi khói lò gạch gây thiệt hại về lúa.


 

Ngay sát bờ sông là cảnh tượng nham nhở những hố to nhỏ, sâu cạn. Ông Lê Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết, để lấy nguyên liệu trộn thêm vào gạch, các chủ lò gạch nơi đây còn đào trộm đất khu vực bờ sông, mặc cho chính quyền xã đã có lệnh cấm khai thác. Mặt khác, tất cả khu lò gạch này đều chưa được quy hoạch nên mạnh ai nấy làm. Việc khai thác một cách không có quy hoạch đã làm cho cảnh quan nơi đây bị tàn phá nghiêm trọng, gây sạt lở khu vực bờ sông. Hiện nay, trong xã đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều các ca bệnh ung thư phổi, các bệnh về đường hô hấp. Theo thống kê thì hiện nay trên địa bàn xã đã có 3 trường hợp chết vì ung thư phổi và đang có xu hướng ngày càng tăng lên.


Mỗi lò gạch cho ra một lần khoảng 10 đến 15 vạn viên, để nung thì phải mất 15 - 16m3 củi đốt cho một lần nung, thời gian nung kéo dài 2 ngày 2 đêm. Như vậy có thể thấy lượng khói thải ra môi trường là rất lớn. Mỗi tháng chỉ riêng xã Thái Sơn sản xuất khoảng 50 -150 vạn viên gạch, điều đó đồng nghĩa với chừng ấy lượng đất bị mất đi. Việc duy trì sản xuất lò gạch thủ công đã biến hàng trăm ha đất nông nghiệp có hàm lượng chất đất tốt sang dạng hoang hóa. Xét về góc độ sức khỏe thì hoạt động của lò gạch thủ công có ảnh hưởng rất xấu; lao động trực tiếp làm việc tại các lò gạch thủ công thường không có các trang thiết bị bảo hộ lao động, trong một môi trường đầy ô nhiễm từ bụi, đến khí độc. Nhân dân quanh vùng cũng phải gánh chịu sự ô nhiễm của khói, bụi và khí từ việc đốt than, nhất là khí độc CO.

 

Cần có giải pháp quyết liệt và lộ trình phù hợp


Khi được hỏi tại sao Chính phủ có quyết định xóa bỏ các lò gạch thủ công mà các lò gạch nơi đây vẫn hoạt động bình thường thì hầu hết các chủ lò gạch có chung một câu trả lời “không làm gạch thì lấy gì mà sống”. Ông Trần Văn Thuận cho biết, khi Chính phủ có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, nhiều hộ gia đình ở đây cũng đi tham quan những mô hình sản xuất gạch công nghệ cao nhưng để xây dựng một lò gạch công nghệ cao loại nhỏ nhất thì cũng mất 700 - 800 triệu đồng, đây là số tiền quá lớn. Chính quyền xã tuyên truyền, khuyến khích chuyển đổi nghề nhưng dân ở đây chẳng biết chuyển đổi như thế nào, bởi từ khi được tách ra thành HTX tiểu thủ công nghiệp từ năm 1972 thì người dân ở đây chỉ có chưa đầy 1 sào/người.


 

Lò gạch thủ công ở An Lâm, Thái Sơn.

Để xóa bỏ những lò gạch thủ công không phải công việc một sớm một chiều. Khi mà tâm lý xem gạch thủ công tốt hơn gạch không nung còn tồn tại, việc chuyển đổi chưa có sự hỗ trợ của nhà nước, các lò gạch vẫn đang giải quyết cho một lượng lớn lao động nông thôn, thì việc chuyển đổi sẽ vẫn rơi vào bế tắc.


Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua chính quyền xã Thái Sơn nói riêng, huyện Hàm Yên nói chung đã tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con chuyển đổi. Nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bà con nơi đây được mở ra. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được là rất hạn chế, việc chuyển đổi đang gặp rất nhiều khó khăn, một số nơi các lò gạch thủ công vẫn đang được xây mới. Nguyên nhân chính chủ yếu là do chưa có lộ trình thích hợp và những giải pháp quyết liệt.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Cao Viết Thà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng và vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 200 lò gạch thủ công đang hoạt động. Việc chuyển đổi gặp khó khăn do chưa có được lộ trình chuyển đổi thích hợp, cơ chế chích sách cũng chưa đồng bộ.


Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung. Bộ Xây dựng cũng có văn bản số 896/BXD-VLXD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ban hành quy định khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung. UBND tỉnh cũng có Công văn số 1210/UBND-XD giao cho Sở xây dựng chủ trì phố hợp với các Sở Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện thành phố và các đơn vị liên quan; nghiên cứu, đề xuất việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng đây sẽ là động lực lớn để các cấp chính quyền thực hiện việc xóa bỏ, chuyển đổi những lò gạch thủ công đạt được hiệu quả.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN