Xóa bỏ lò gạch thủ công: Cần cả thời gian lẫn quyết tâm

Cao Bằng đã thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công từ năm 2014. Tuy nhiên, trong khi các huyện khác đã hoàn thành mục tiêu thì vẫn còn duy nhất huyện Hòa An giữ nguyên hiện trạng với 15 lò gạch thủ công đang hoạt động. Điển hình là xã Đức Long có tới 11 lò, Nam Tuấn còn 3 lò và Hồng Việt 1 lò.

Tháng 4/2017, UBND huyện Hòa An đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn huyện, phấn đấu trước ngày 30/9/2017 sẽ hoàn thành xóa bỏ toàn bộ 15 lò gạch thủ công đang hoạt động trên địa bàn. Khi nhận được thông báo, hầu hết các chủ lò gạch cho rằng lộ trình này quá gấp và họ cần thời gian để giải quyết số nguyên, vật liệu còn tồn đọng.

Lò gạch thủ công là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN

Trong biên bản làm việc ngày 30/5 (có đại diện của chính quyền và các đoàn thể xã Đức Long), hầu hết các chủ sử dụng đất và chủ các lò gạch thủ công trên địa bàn đều kiến nghị lùi thời gian tháo dỡ công trình lò gạch đến hết năm 2017. Lý do nêu ra là để chủ lò và những người lao động có thời gian chuẩn bị công việc mới phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo ổn định an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Hoàng Văn Hường, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết, các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường là điều không thể phủ nhận. Sau khi nhận được kế hoạch của huyện, xã đã thành lập đoàn công tác để tuyên truyền đến các xóm, cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công. Đồng thời vận động, yêu cầu các chủ lò thực hiện cam kết chấm dứt hoạt động và tự giác chấp hành phá dỡ theo quy định. Xã cũng định hướng cho người lao động tìm việc làm phù hợp để sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Bế Đặng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hòa An, huyện đã ban hành Kế hoạch số 25 về lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có những trường hợp vì nhiều lý do không thực hiện theo đúng lộ trình.

Huyện sẽ căn cứ từng trường hợp cụ thể để xem xét, nhưng các chủ lò phải cam kết cụ thể về thời gian và mốc cuối để xóa bỏ toàn bộ, không được quá ngày 30/9/2017. Nếu các cơ sở sản xuất gạch thủ công không chấp hành, huyện buộc phải thực hiện các phương án để cưỡng chế.

Trước đó, tháng 2/2014, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ 34 lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Qua hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh mới dừng sản xuất được 25 lò gạch thủ công (chưa tính các cơ sở phát sinh mới chưa đưa vào Kế hoạch 252/KH-UBND); trong đó 22 lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố Cao Bằng, 2 lò gạch thủ công tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm, 1 lò đứng liên tục tại huyện Thạch An.

Chu Hiệu (TTXVN)
Đồng Nai còn 60 lò gạch thủ công 'nói không' với bảo vệ môi trường
Đồng Nai còn 60 lò gạch thủ công 'nói không' với bảo vệ môi trường

Ngày 29/3, UBND tỉnh Đồng Nai họp bàn về lộ trình xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Đồng Nai kiên quyết đóng cửa các lò gạch thủ công nếu phát hiện có sai phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN