Xây trường mầm non tại KCX - KCN cho con công nhân

Hiện nay, tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) tập trung khá đông công nhân, đa số đều là dân nhập cư, nhưng nhà trẻ dành riêng cho con em họ thì hầu như không có. Trước thực tế đó, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan, ban, ngành đã xây dựng đề án xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân.

Nỗi lo cho con đi nhà trẻ

Theo tìm hiểu của PV báo Tin Tức tại một số KCN - KCX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình mọc lên rất nhiều. Cụ thể, đi khoảng vài trăm mét trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 có đến 4 - 5 nhà trẻ tư thục và một nhà trẻ công lập, đó là chưa kể các nhóm giữ trẻ tại nhà. Chi phí gửi trẻ dao động từ 900.000 - 1.200.000 đồng/tháng. Với đồng lương như hiện nay, công nhân phải “thắt lưng buộc bụng” thì may ra mới có thể xoay sở để vừa gửi con vừa phải sống trong thời kỳ giá cả leo thang.

Chị Lê Thái Hiền, quê Cà Mau, làm công nhân may tại KCX Tân Thuận (quận 7) tâm sự: “Hai vợ chồng tôi một tháng tăng ca thu nhập khoảng 5 triệu đồng nhưng tiền gửi con đã mất hơn 1 triệu. Trong khi đó giá cả liên tục leo thang nên phải rất tiết kiệm trong chi tiêu”.

Xây dựng trường mầm non dành riêng cho con công nhân - giải pháp giữ người lao động.


Hiện nay, với các trường mầm non công lập thì chi phí gửi trẻ cũng chỉ dao động từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ở các trường mầm non này phụ huynh phải đón con vào lúc từ 16 - 17 giờ 30, trong khi đó công nhân hay phải tăng ca nên không thể đón con vào giờ đó. Vì vậy, dù biết tại các trường mầm non công lập số tiền gửi trẻ có rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn nhưng đa phần công nhân vẫn chọn cách gửi trẻ ở các nhóm trẻ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Loan, quê ở Nghệ An, làm công nhân may ở Công ty HepZa (quận Thủ Đức) cho biết: Xin cho con vào các trường mầm non công lập thì phải có hộ khẩu. Tôi lại ở ngoại tỉnh nên rất khó xin. Hơn nữa, làm công nhân như tôi thường xuyên phải tăng ca nên gửi con vào trường công lập rất bất tiện. Dù biết rằng gửi con tại các nhóm trẻ gia đình có thể gặp rủi ro nhưng vì công việc nên cũng đành chấp nhận”.

Cũng không ít cặp vợ chồng công nhân sau một thời gian tính toán chi ly, người vợ đành phải nghỉ việc ở nhà hoặc nhờ bố mẹ lên giữ con. Anh Nguyễn Đình Dân, ở Đắk Nông tâm sự: “Vợ tôi làm may ở KCN Tân Bình còn tôi thì cũng chỉ làm công nhân cơ khí cho một doanh nghiệp ở ngoài nên thu nhập của 2 vợ chồng thấp lắm. Nếu tính ra thì tiền lương của vợ tôi chỉ đủ tiền gửi con, nếu có dư cũng chỉ được 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Chúng tôi phải quyết định, vợ nghỉ việc để ở nhà giữ con!”.

Xây trường mầm non tại các KCX - KCN

Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2010 - 2011, thành phố có 696 trường mầm non. Trong đó có 407 trường công lập, chiếm tỷ lệ 58,6%; 289 trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ 41,4%. Ngoài ra còn 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. Số lượng trường lớp công lập cả thành phố chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ năm tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các KCX - KCN chưa có trường mầm non phục vụ cho trẻ em là con của công nhân.

Hiện toàn thành phố có hơn 260.000 lao động đang làm việc tại các KCN - KCX, dự kiến đến năm 2020 toàn thành phố sẽ có trên 500.000 lao động, trong đó 70% công nhân có con đang trong độ tuổi đến trường. Trước tình hình đó, nhu cầu nhà trẻ, trường lớp cho đối tượng này là rất cần thiết. Và đề án xây dựng trường mầm non trong KCX - KCN là một lời giải để giải quyết tình trạng thiếu nhà trẻ tại đây.

Bà Nguyễn Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: Quyết định của thành phố về việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng đã nhấn mạnh: Tạo quỹ đất sạch để vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng trường mầm non công lập tại các vùng khó khăn. Đồng thời, có cơ chế qui định xây dựng trường mầm non trong các KCX -KCN. Trước mắt sử dụng phần tỉ lệ hợp lý đất dành cho mảng xanh của các KCX -KCN để xây dựng các trường mầm non dành cho con công nhân. Với dự án xây dựng trường mầm non thì Sở Giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu cho Ban quản lý KCX - KCN về quy mô trường lớp, phân bổ giáo viên, quản lý nhà trường…

Theo Ban quản lý KCX - KCN TP Hồ Chí Minh, hiện UBND thành phố đã có chủ trương cho phép sử dụng đất cây xanh công viên trong KCX - KCN để bố trí địa điểm xây dựng trường mầm non cho con công nhân. Dự án này sẽ được triển khai ngay trong năm 2011. Theo đó, trong năm 2011, Ban quản lý các KCX - KCN kiến nghị thành phố cho cơ chế xây dựng ngay 4 - 5 trường và tới năm 2012 hoàn thành toàn bộ kế hoạch xây trường mầm non. Thành phố sẽ tiến hành triển khai xây dựng những trường mầm non đầu tiên tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh), Tân Tạo (Bình Tân), Hiệp Phước (Nhà Bè), Linh Trung 2 (Thủ Đức) và Tân Thuận (quận 7).

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN