Xây dựng thành phố thông minh để phục vụ dân

Mục tiêu trở thành đô thị thông minh được xem là một trong bảy chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X đã quyết nghị cho giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đang hướng xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp… 

Thay cách làm cũ

Những năm gần đây, việc giải quyết thủ tục hành chính ở UBND quận 1 đã được rất nhiều người dân đánh giá tốt, mang lại nhiều hiệu quả, nhanh chóng bởi UBND quận 1 đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này. Những ngày này, có mặt tại UBND quận 1, quan sát ở khu vực giải quyết các thủ tục hành chính có thể thấy khá vắng bởi những thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đều được cán bộ giải quyết nhanh chóng chỉ bằng vài lần nhấp chuột. Người dân tới giao dịch cũng tỏ ra hài lòng với chất lượng phục vụ của cán bộ UBND quận 1. 

Là người thường xuyên tới UBND quận thực hiện các giao dịch hành chính, anh Lê Đình Vũ (ngụ ở phường Bến Nghé, quận 1) cho biết anh thường đến đây để làm thủ tục tư pháp, trích lục giấy khai sinh… “Nhìn cán bộ làm việc ở đây rất chuyên nghiệp, chỉ trong vài câu nói chuyện là đã nghe thông báo mời đến quầy số 7, rồi khoảng 2 phút sau là hồ sơ giấy tờ đã xong”. Với vẻ mặt rất hài lòng, anh cho biết: “Nếu như trước đây, để giải quyết việc này tôi phải đi lên đi xuống từ 3 - 5 lần mới xong, nay chỉ cần đi khoảng 2 lần là mọi công việc của tôi được giải quyết nhanh chóng”.  

Những ứng dụng của UBND quận 1 là tiền đề để triển khai xây dựng chính quyền điện tử từ cơ sở, hướng đến cùng thành phố xây dựng thành một đô thị thông minh. Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã có đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2016 -2020 và tầm nhìn đến 2025. Theo đó, các vấn đề tổng quát lần lượt được thực hiện: Xây dựng chính quyền điện tử, qui hoạch, giao thông, y tế và dịch vụ cho con người, an ninh công cộng, nước và nước thải, xây dựng, môi trường, năng lượng, giáo dục đào tạo, thanh toán và tài chính, nông nghiệp, truyền thông… Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử hiện đã được triển khai rộng khắp từ cấp phường xã, quận huyện, UBND và các sở ngành của thành phố, bước đầu được người dân và doanh nghiệp ủng hộ nhiệt tình. 

Ứng dụng công nghệ mọi lĩnh vực 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết để xây dựng thành phố thông minh, có ba công việc cốt lõi phải làm là xây dựng trung tâm dữ liệu, nền công nghệ thông tin và công nghệ trong các lĩnh vực. Các lĩnh vực này đã có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp muốn trở thành đối tác của thành phố để xây dựng thành phố thông minh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thường vụ Thành ủy đã chính thức đồng ý cho VNPT trên cơ sở kết hợp với Microsoft là đơn vị đối tác khung cho đề án này. UBND TP cũng đã có ký kết hợp tác với VNPT về công nghệ thông tin.

Theo đó, trước mắt thành phố đã tổ chức tích hợp hệ thống dữ liệu mở dùng chung cho xã hội trên cơ sở những dữ liệu hiện có của các sở ngành, địa phương. Trung tâm dữ liệu mở không chỉ phục vụ các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước mà bao gồm cả phục vụ cho các nhu cầu xã hội. Cùng đó, thành phố xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền; giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Về dịch vụ, thành phố cung cấp các tiện ích thông minh cho người dân trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, quy hoạch đô thị... Có thể nói, bằng cách lựa chọn áp dụng những lĩnh vực có thể sử dụng công nghệ hiện đại mang lại lợi ích cho nhân dân, mô hình đô thị thông minh đang từng bước được triển khai.

Chính quyền điện tử tạo tiền đề để xây dựng đô thị thông minh.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ cao vào công tác quản lý đô thị. Điều quan trọng nhất trong xây dựng thành phố thông minh là tìm giải pháp tận dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên để nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao khả năng kết nối, thu nhận thông tin phản hồi đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước... “Để xây dựng thành phố thông minh, thành phố đang từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững, phẩm chất đạo đức tốt. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức kém năng lực, thoái hóa biến chất, lợi dụng vị trí công việc để nhũng nhiễu, gây khó cho người dân”, ông Phong khẳng định. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cho rằng việc định hướng để đưa TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đầu tiên của cả nước là đòi hỏi hết sức cấp bách, giúp cho thành phố không những bắt kịp xu hướng công nghệ mà còn có thể thể hiện quyết tâm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm khoa học và công nghệ lớn nhất của cả nước cũng như khu vực, giúp giải quyết những khó khăn hiện nay về quy mô, về quy hoạch đô thị trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Sẽ hoàn thành cơ bản nền tảng dịch vụ thành phố thông minh năm 2020
Sẽ hoàn thành cơ bản nền tảng dịch vụ thành phố thông minh năm 2020

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) về triển khai dịch vụ công thành phố Hà Nội sáng 26/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thành cơ bản nền tảng các dịch vụ về CNTT của một thành phố thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN