Xây dựng nông thôn mới tại Tân Thủy: Vì đâu nên nỗi?

Trong những ngay qua, những thông tin dồn dập về chuyện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Tân Thủy (huyện lệ Thủy, Quảng Bình) đã khiến cho địa phương này trở thành "điểm nóng". Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo làm rõ vụ việc này.

 

Cổng chào vào xã Tân Thủy được xây dựng đẹp đẽ từ nhiều nguồn vốn trong đó có sự chung tay đóng góp của người dân.

 

Vì đâu một địa phương giàu truyền thống cách mạng, là 1 trong 8 xã của huyện Lệ Thủy được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới như Tân Thủy lại trở thành “điểm nóng” để dư luận ta thán và phán xét? Bám dòng thời sự, chúng tôi đã về Tân Thủy để tận mắt thấy, tai nghe việc xây dựng nông thôn mới ở đây...

 

2/3 vụ việc gây "nóng" đã được xử lý trước khi báo nêu...

 

“Điểm nóng” Tân Thủy thời gian qua xoay quanh 3 vụ việc chính đó là có hay không việc tham ô, tham nhũng liên quan đến nhà thầu trong làm đường liên thôn Tân Lỵ?; thôn lấy tiền hỗ trợ bão lụt của dân để khấu trừ nợ?; phẫn nộ vì chuyện "cào bằng", cưỡng ép các đối tượng chính sách đóng tiền XDNTM?

 

Thực tế, 2/3 vụ việc được nêu ở trên đã và đang được các cơ quan chức năng tại đây phát hiện và xử lý trước khi thông tin này được đưa lên báo chí.

 

Anh Điệp ký tên nhận tiền hỗ trợ.

 

Cụ thể, chuyện làm đường thôn Tân Lỵ: ngày 20/3/2013, thôn Tân Lỵ tổ chức họp dân để thống nhất làm đường giao thông liên thôn với chiều dài 580 m. Khi nhà thầu tổ chức thi công thì có chuyện người dân phát hiện được sai số đến gần 400 m trong hợp đồng so với thực tế con đường nên yêu cầu dừng thi công. UBND xã Tân Thủy sau đó, kịp thời ra quyết định hủy bỏ hợp đồng đã ký. Vì hợp đồng ký kết chưa tiến hành và chưa gây hậu quả về kinh tế nào, nên qua kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chỉ yêu cầu xã Tân Thủy thông báo việc hủy bỏ hợp đồng để tránh việc nghi ngờ, thắc mắc trong dân. Con đường liên thôn Tân Lỵ, sau này, do người dân tiến hành xây dựng không liên quan gì đến nhà thầu nào nữa. Vì vậy, không có tham ô, tham nhũng ở đây.

 

Về vụ việc lấy tiền hỗ trợ bão lụt của dân để khấu trừ nợ XDNTM. Qua điều tra được biết, cuối năm 2013, một số hộ dân ở 2 thôn Tân Lỵ và Tân Hòa được cứu trợ bão lụt 280.000 đồng. Vì cho rằng đây là lần cứu trợ đợt 3 nên các hộ gia đình này ít khó khăn nên Thôn và Ban Mặt trận khu dân cư đã thống nhất chia đều số tiền trừ vào tiền đóng góp XDNTM đối với các hộ dân còn nợ. Việc này, xã Tân Thủy phát hiện được nên ngày 2/6/2014 đã ra quyết định yêu cầu thôn thu hồi trả lại cho dân. Tuy nhiên, đang trong quá trình thực hiện thì báo chí phản ánh khiến dư luận rất bức xúc. Đến thời điểm này, 16 hộ ở hai thôn trên đã được trả lại tiền. Sau khi nhận tiền có 4 hộ tự nguyện xin góp vào quỹ XDNTM.

 

Ngoài hai vụ việc đã được giải quyết ở trên, có lẽ chuyện có hay không việc "cào bằng" cưỡng ép các đối tượng chính sách đóng tiền XDNTM là khiến dư luận quan tâm và bức xúc nhất bởi việc làm này đi trái mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó càng thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa nhân dân và chính quyền. Đóng góp XDNTM phải là chung tay đóng góp với tinh thần dân chủ, công bằng và tự nguyện, văn minh của cộng đồng dân cư.

 

 

Một con đường đẹp được xây dựng từ chương trình XDNTM ở Tân Thủy

 

Qua tìm hiểu được biết, quy trình XDNTM tại Tân Thủy việc gì cũng phải đưa ra bàn bạc, thống nhất trong dân. Ví dụ, để làm được con đường liên thôn, thôn Tân Lỵ đã phải tiến hành đến 21 cuộc họp dân, chưa kể các các cuộc họp cốt cán. Còn việc đóng góp tiền, các thôn trong xã tiến hành họp thôn để dân quyết định. Ví dụ, tại Tân Lỵ, trong quá trình họp thôn, hộ ông Lê Thuận Hiện có 2 người già, 1 người nhiễm chất độc da cam xin miễn giảm và đã được dân đồng ý miễn 50% số tiền nộp. Thôn Tân Đa thì thống nhất miễn giảm cho người tàn tật nặng. Tuy nhiên, cũng có nhiều thôn thiếu linh hoạt, chưa thấu đáo chủ trương, chính sách nên cứng nhắc trong việc thu tiền đóng góp của dân. Qua xem xét quy trình, rõ ràng về hình thức họp để “dân biết, dân bàn, dân quyết” là dân chủ rồi còn gì? Tuy nhiên. thực ra dân chủ như vậy cũng chưa đủ vì nó chưa tập trung, đáng ra, người lãnh đạo thôn, xóm, cán bộ mặt trận khu dân cư, các đoàn thể ở địa phương phải là nồng cốt hướng dẫn cho người dân để họ tự giác miễn giảm cho các đối tượng chính sách mới đúng với chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, đúng với mục tiêu cao cả của chương trình XDNTM.

 

Để xảy ra việc đáng tiếc trên, ngoài trách nhiệm của cán bộ thôn, xã, cũng có nhiều điều khác cần suy nghĩ. Đó là, đa phần các hộ gia đình chính sách ở Tân Thủy đều không có ý kiến gì trong việc xin miễn giảm tiền đóng góp. Còn nếu có ý kiến, khi đưa ra bàn bạc nhưng tập thể không đồng tình thì họ cũng không phản đối gì. UBND xã Tân Thủy khẳng định, 3 năm qua, chưa hề nhận được bất kỳ một lá đơn xin miễn giảm nào. Ngay đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân mình, nhiều khi những con người này cũng rất thụ động.

 

Vụ việc trên, chỉ được phát hiện khi một người dân ở địa phương phản ánh với báo chí. Điều đó là quá tốt, tuy nhiên, nhiều thông tin đưa ra chưa được chính xác, nếu không nói là sai lệch, khiến dư luận đã “nóng” lại càng thêm “nóng” cũng là điều dễ hiểu.

 

Ví dụ, như anh Dương Văn Điệp, 42 tuổi, ở thôn Tân Lỵ, vợ chết, sống với con. Trong “cơn bão thông tin”, nhiều nguồn thông tin cho rằng, anh không biết chữ nên chữ ký trong biên bản làm việc với thôn “có dấu hiệu ngụy tạo”. Nguồn thông tin này trích dẫn lời anh Điệp nói rằng: “Họ tự làm, tui không biết chữ thì răng viết, răng ký được”. Nhưng trong quá trình làm việc với chúng tôi, anh Điệp lại bảo, mình không biết chữ nhưng ký được và đó là chữ mình ký. Anh còn cho biết thêm, trước khi ký ông Ái, Trưởng thôn đọc lại biên bản nhiều lần cho nghe, anh chấp nhận, rồi mới ký. Không tin rằng đó là sự thật, phải đến khi chúng tôi thấy hoàn cảnh của anh nên xin hỗ trợ ít tiền cho cháu đi học và đề nghị anh ký nhận mới biết, anh ký được...

 

Còn chị Lê Thị Thuận, thôn Tân Lạc, có con là Dương Văn Minh bị bệnh tâm thần. Chị nói: tôi có xin miễn giảm cho Minh nhưng dân không chấp nhận nên tôi đã nộp cho cháu. Gia đình tôi không có ý kiện lên báo chí làm gì nhưng họ đến hỏi thì tôi nói. Bây giờ nghĩ lại thật ân hận, việc của mình đã làm ảnh hưởng đến phong trào chung. Tôi xin cho cháu vì nghĩ cháu bệnh tật thiệt thòi chứ tôi có đủ điều kiện để nộp tiền cho cháu.

 

Những kết quả đáng ghi nhận

 

Từ thông tin báo chí và dư luận, qua kết quả kiểm tra, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định, đang tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trong công tác chỉ đạo triển khai XDNTM trên địa bàn huyện, đồng thời sẽ chỉ đạo UBND xã, thôn kiểm điểm nghiêm túc những cán bộ vi phạm, kịp thời khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót để sớm ổn định tình hình trên địa bàn nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM trong thời gian tới.

 

Tân Thủy thực hiện xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, với điều kiện kinh tế-xã hội ở mức trung bình của huyện và chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Đời sống của người dân tại đây vào thời điểm đó còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao với trên 22%. Giao thông, thủy lợi và kết cấu hạ tầng còn sơ sài và thiếu đồng bộ. Vậy mà, sau ba năm, xã đã sớm hoàn thành thêm 5 tiêu chí nữa để đến nay đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó, đáng chú ý là tiêu chí hộ nghèo đã giảm hơn một nữa chỉ còn 10,7%, tiêu chí thu nhập bình quân của người dân đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 triệu so với năm 2011.

 

Nói về kết quả đạt được ở trên, người dân Tân Thủy phấn khởi bảo rằng, đó là nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo địa phương và nhất là sự đóng góp, chung tay nhiệt tình của người dân nơi đây. Chỉ riêng nhìn về sự đóng góp của người dân không thôi cũng đã thấy phong trào xây dựng nông thôn mới ở đây nhiệt tình, sôi nỗi đến dường nào. Chỉ ba năm, người dân tự nguyện hiến đất, tài sản và ngày công lao động, tiền bạc với tổng giá trị lên đến trên 5 tỷ đồng.

 

Những con số thống kê ở trên có thể coi là ấn tượng, đáng ghi nhận trong việc XDNTM ở Tân Thủy mà không phải địa phương nào ở vùng quê thuần nông huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung dễ dàng làm được.

 

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Tân Thủy phấn đấu đạt tất cả các tiêu chí để trở thành xã Nông thôn mới. Tuy nhiên, liệu với cơn "bão táp dư luận" nêu trên, phong trào XDNTM ở đây có bị chững lại hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngõ?

 

Võ Thành-Võ Dũng

Xã đặc biệt khó khăn làm tốt mô hình nông thôn mới
Xã đặc biệt khó khăn làm tốt mô hình nông thôn mới

Xã an toàn khu Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN