Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh “Đồng lòng, cộng sức”

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng vào cuộc với phương châm “ nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều nguồn lực cho NTM nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách về đời sống giữa thành thị và vùng nông thôn.

Người dân tích cực tham gia


Là xã phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn song với cách làm quyết liệt, sáng tạo nên sau một thời gian triển khai xây dựng NTM, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành đã đạt chuẩn NTM.


Từ khi thực hiện xây dựng NTM, xã Song Hồ đã thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho người dân đi lại tốt hơn và giao thương hàng hoá thuận tiện hơn. Anh Nguyễn Ngọc Lĩnh, thôn Đạo Tú, xã Song Hồ cho biết “Đoạn đường liên thôn từ Đông Khê qua Đạo Tú này trước kia lầy lội, nhất là vào ngày mưa. Từ khi con đường mới được khánh thành, người dân không còn phải xắn quần lội nước. Đường liên thôn ở bốn thôn tại xã Song Hồ hầu hết là do người dân tự nguyện đóng góp”.


Nhiều đường quê ở Lương Tài được kiên cố hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài đóng góp về vật chất, ngày công lao động thì người dân còn hưởng ứng tham gia hiến đất để mở rộng đường. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống giao thông nội đồng, đường làng, ngõ xóm được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình thôn Đông Khê đã tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa của thôn với diện tích 2.700m2.


Chủ tịch UBND xã Song Hồ, Nguyễn Xuân Định chia sẻ “là xã thuần nông, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân Song Hồ vẫn cán đích NTM. Bí quyết của Song Hồ chính là công tác dân vận khéo. Muốn được người dân đồng lòng, tin tưởng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Xã cũng xác định đạt được 19 tiêu chí là việc khó nhưng giữ gìn và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là việc làm còn khó hơn. Bởi vậy, trong thời tới xã sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân”.


Xã Việt Thống, huyện Quế Võ được coi là điểm sáng trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Sau khi được vận động, đến nay, đã có hơn 400 hộ tình nguyện hiến tổng số 85.000m2 đất, trong đó 45.000m2 để làm mới tuyến đường trục xã, 35.000m2 để mở rộng hệ thống giao thông nội đồng, 5.000m2 mở rộng các trục đường ngõ, xóm. Tỷ lệ đường giao thông của xã được kiên cố hóa đạt 100%, trong đó 11 km đường trục thôn, 20 km đường ngõ xóm, 32 km đường trục chính nội đồng. Riêng tuyến đường trục xã dài 4,6km được khởi công xây dựng từ cuối năm 2015, đến nay đã hoàn thành đi vào sử dụng.


Điển hình trong phong trào tình nguyện hiến đất mở đường là trường hợp Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thống Nguyễn Văn Học. Không chỉ tình nguyện hiến hơn 40m2 đất ở và 200m2 đất canh tác, đến nay gia đình ông Học còn đóng góp gần 60 triệu đồng để mở rộng đường ngõ, xóm, đường giao thông nội đồng. Ông Nguyễn Văn Ngư, một trong hàng trăm gia đình tình nguyện hiến đất ở thôn Yên Ngô, xã Việt Thống cho biế “Ban đầu khi xã, thôn vận động nhân dân hiến đất làm đường không đền bù, gia đình ông và một số hộ khác đều thấy tiếc và không đồng tình vì thấy nhiều dự án triển khai đều có tiền đền bù. Nhưng khi được cán bộ xã, thôn đến tuyên truyền, vận động đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, một phần gia đình tôi cũng muốn có một con đường rộng hơn, đẹp hơn nên quyết định hiến gần 300m2 ao để mở rộng tuyến đường trục chính của thôn”.


Chính quyền dành mọi nguồn lực


Là tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn (mục tiêu hơn 16.000 tỷ đồng năm 2016), vài năm trở lại đây, Bắc Ninh đã tự cân đối ngân sách thu, chi và điều tiết một phần về trung ương, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về nguồn lực dành cho xây dựng NTM so với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng.


Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh Bắc Ninh đã dành 5.288 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó bao gồm cả ngân sách nhà nước, vốn huy động doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân. Với nguồn lực lớn được đầu tư, nhiều địa phương đã triển khai được các công trình làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, cải tạo xây mới hệ thống điện lưới, xây dựng trường học, trạm y tế, cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, trụ sở xã... qua đó, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt, cảnh quan, môi trường nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,6 triệu đồng; 100% số xã đều đạt chuẩn y tế giai đoạn I; 100% phòng học các cấp được kiên cố hóa; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80%. Cùng với đó, 95,8% số hộ ở nông thôn có các công trình vệ sinh; tỷ lệ cư dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%.


Năm 2016, tỉnh bố trí ngân sách nhà nước cho xây dựng NTM gần 1.000 tỷ đồng để giải quyết vấn đề vốn cho các địa phương khó khăn về vốn triển khai xây dựng các công trình NTM. Tỉnh tận dụng một số nguồn tài chính thanh toán dứt điểm cho các công trình đã xây dựng xong, bàn giao và đưa vào sử dụng. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết “Để giải thanh toán cho các công trình đã hoàn thành nhưng chưa thanh, quyết toán số tiền 566,5 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có kế hoạch xử lý từ các nguồn cải cách tiền lương 300 tỷ đồng (đã được Bộ Tài chính đồng ý cho phép sử dụng), nguồn tăng thu ngân sách năm 2016 là 100 tỷ đồng, nguồn đấu giá đất xen kẹp trong các khu dân cư 100 tỷ đồng, còn lại hơn 66 tỷ đồng được thanh toán từ nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh năm 2016 chưa sử dụng. Như vậy, số nợ chưa thanh toán trên, cơ bản sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016”.


Về vấn đề không huy động nguồn tài chính từ trong dân mà tỉnh lại quyết định hỗ trợ hoàn toàn, ông Nguyễn Tử Quỳnh cho rằng: Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, Bắc Ninh đã phải lấy rất nhiều tư liệu sản xuất của người dân. Bao nhiêu năm qua nếu như không có sự ủng hộ, đồng lòng từ phía nhân dân thì khó có thể xây dựng được Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp như hiện nay . Sau khi cân nhắc nguồn ngân sách của địa phương, tỉnh đã quyết định hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mà nhân dân còn thiếu. Hy vọng đây sẽ là một cú huých giúp những địa phương còn khó khăn ở Bắc Ninh có thêm đà để phát triển.


Theo kế hoạch, trong năm 2016 tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có hơn 50 xã đạt chuẩn NTM; ba đơn vị cấp huyện là Tiên Du, TP Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân các xã đạt khoảng 16,8 tiêu chí. Để làm được điều đó, thời gian tới tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung đào tạo nâng cao nguồn nhân lực phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn; tiếp tục hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu cho các thôn như giao thông, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hoá…nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế, xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.


Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, tỉnh Bắc Ninh có 97 xã xây dựng NTM. Tính đến tháng 9/2016, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 17,16 tiêu chí/xã, tăng 1,45 tiêu chí/xã so với năm 2015. Trong đó có 59 xã đạt 19/19 tiêu chí (35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 24 xã đang làm hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM); 18 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, bằng 18,5% tổng số xã; 20 xã đạt từ 11 – 14 tiêu chí, bằng 20,7% tổng số xã.

Thái Hùng
Quảng Thịnh “về đích” nông thôn mới
Quảng Thịnh “về đích” nông thôn mới

Về Quảng Thịnh - TP Thanh Hóa trong những ngày này, đâu đâu cũng gặp không khí náo nức, rộn ràng, tất bật hơn khi Đảng bộ và nhân dân đang chuẩn bị tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN