Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài cuối

Ùn tắc tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phải hoàn toàn do xe máy mà do cả ô tô cá nhân, taxi, xe buýt. Do đó, Bộ GTVT xây dựng đề án trên để hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, bao gồm ô tô, taxi và xe máy.

CẦN THIẾT HẠN CHẾ PHƯƠNG TIỆN CÁ NHÂN

Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn”, trong đó xác định tỷ lệ hợp lý của các phương thức vận tải cho từng thành phố và sẽ thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân từ năm 2020. Các chuyên gia giao thông cho rằng việc thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân là khả thi.

Cảnh ùn tắc cho thấy đã đến lúc phải hạn chế phương tiện cá nhân trước khi quá muộn, nhất là vào giờ cao điểm.

Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vận tải khách công cộng sẽ gánh vác 20 - 25% lưu lượng (trong đó xe buýt 10 -15%, đường sắt đô thị 4 - 5%, vận tải cá nhân còn 75 - 80% (trong đó đi bộ và xe đạp chiếm 20 - 30%). Hai thành phố phải đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị, trong đó có tỷ lệ quỹ đất hợp lý cho giao thông tĩnh từ 5 - 7%, quỹ đất dành cho người đi bộ ở mức hợp lý 2%.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười cho biết: Đề án “Phát triển hài hòa các phương thức vận tải tại các thành phố lớn” đưa ra các đề xuất sát thực tế, nhằm giải bài toán giao thông đô thị vốn bế tắc lâu nay. Đề án này đề xuất triển khai gói giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực của hệ thống vận tải khách công cộng, khuyến khích sử dụng xe đạp và dành không gian cho người đi bộ, đồng thời kiểm soát, điều tiết một cách hợp lý mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại các đô thị, hợp lý hóa vận tải hàng hóa, nâng cao chất lượng nhân lực quản lý và xây dựng văn hóa giao thông...

“Trước mắt Hà Nội nên hạn chế ô tô lưu thông vào giờ cao điểm trên đường, kết hợp các biện pháp tổ chức giao thông từ xa như làm thông thoáng lòng lề đường, giải tỏa chiếm dụng, phân luồng, làn đường...”.

TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch Quản lý GTVT (Đại học GTVT)

Đặc biệt, các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân được đề ra lộ trình cụ thể. Việc hạn chế này nhằm vào cả xe máy, ô tô cá nhân và xe taxi, gồm có: Kiểm soát theo từng khu vực, theo giờ trong ngày và theo ngày trong tuần, tại các khu vực trung tâm đô thị từ Vành đai 1 trở vào và trên các tuyến chính có lưu lượng cao; đổi mức phí dịch vụ hiện nay thành giá trông giữ xe và kiểm soát hạn chế điểm đỗ xe trong đô thị lõi... Các giải pháp này sẽ được các thành phố quyết định lựa chọn hình thức, thời điểm thực hiện tùy thuộc vào năng lực và đặc thù riêng.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định: Ở các thành phố trên thế giới được xem là thành công trong phát triển, quản lý giao thông đô thị đều áp dụng rất thành công song hành hai nhóm giải pháp là tăng cường năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải khách công cộng và quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Các giải pháp này được nêu cụ thể trong đề án của Bộ GTVT. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ không thể có thành công của Singapore, Seoul hay Zurich ngày hôm nay, nếu không áp dụng đồng thời các giải pháp này.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Ùn tắc tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phải hoàn toàn do xe máy mà do cả ô tô cá nhân, taxi, xe buýt. Do đó, Bộ GTVT xây dựng đề án trên để hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, bao gồm ô tô, taxi và xe máy. Rõ ràng, với tình trạng phương tiện vận tải cá nhân phát triển bùng nổ như hiện nay, thì không hạ tầng giao thông nào chịu nổi.

Vì vậy, lộ trình của đề án trước hết là cấm xe cá nhân đi vào một số tuyến phố chính, sau đó mở rộng dần; đồng thời kết hợp với các giải pháp đồng bộ như tăng cường năng lực vận tải công cộng, nâng cấp, mở rộng hạ tầng, chờ kết nối với hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, thì hạn chế nhanh các phương tiện cá nhân. Tiếp đó là siết chặt các chính sách nhập khẩu phương tiện, tăng lệ phí đăng ký… đảm bảo nếu dùng phương tiện cá nhân thì phải nộp nhiều tiền sử dụng hạ tầng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc cấm dùng vỉa hè, lòng đường để đỗ xe hoặc kinh doanh điểm đỗ xe cũng là biện pháp được tính đến để hạn chế phương tiện cá nhân, bởi khi người tham gia giao thông muốn dừng đỗ mà không có chỗ đỗ thì buộc phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Quan điểm của đề án là hạn chế đồng thời tất cả các phương tiện cá nhân chứ không riêng ô tô hay xe máy.

Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh ô tô chính là thủ phạm gây ùn tắc, vì mức độ chiếm dụng lòng đường lớn hơn nhiều so với xe máy. Hiện 10% dòng giao thông đô thị là ô tô, nhưng ô tô chiếm tới 55% diện tích mặt đường. Qua khảo sát, một xe máy trung bình chở được 1,23 người, ô tô cá nhân chở 1,9 người, trong khi đó một ô tô chiếm dụng đường gấp 5 - 6 lần xe máy, chưa kể ô tô kích thước lớn, kém linh hoạt càng cản trở giao thông. Do vậy, một số trục đường thường xuyên ùn tắc của Hà Nội hiện nay như: Hồ Tùng Mầu - Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng… nên xem xét hạn chế ô tô lưu thông vào giờ cao điểm, sẽ giảm thiểu được ùn tắc.




Tiến Hiếu
Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 2
Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 2

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP (ngày 31/7/2008) của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông, Hà Nội đã giảm từ 124 xuống còn 57 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, bài toán này đến nay chưa được giải quyết triệt để.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN