Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 2

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP (ngày 31/7/2008) của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông, Hà Nội đã giảm từ 124 xuống còn 57 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, bài toán này đến nay chưa được giải quyết triệt để.

Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Các chuyên gia giao thông nhận định, nhiều giải pháp tình thế thành phố đã triển khai thời gian qua chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc khuyến khích người dân sử dụng xe buýt để chống ùn tắc được các chuyên gia giao thông đánh giá là không khả thi. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, móc túi, bỏ bến của hệ thống phương tiện công cộng duy nhất này cũng khiến không ít người dân ngao ngán. 

Hình ảnh ùn tắc do phương tiện gây ra, khiến giao thông rối như tơ vò tại nhiều tuyến đường của Thủ đô hiện nay.

Bên cạnh đó, sự gia tăng thiếu kiểm soát các loại phương tiện cá nhân, trong khi quy hoạch hạ tầng và chung cư cao tầng mật độ lớn trong nội đô đã làm mất cân đối giữa quy mô phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cộng với việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện… ra xa thành phố chậm, đã khiến giao thông càng bị “bức tử”.

Thành phố cũng thừa nhận sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa quyết liệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT chưa được duy trì thường xuyên...

Thực tế trên đã khiến Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương mới đây phải đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hà Nội sớm xây dựng lộ trình để hạn chế phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông. "Với những hiện trạng như bây giờ, nếu không hạn chế sớm, trong vòng 4 năm nữa vấn đề giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng phức tạp...", ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Quy hoạch kiểu “thả phanh”
.
Theo GS, TS Nguyễn Lân (Hiệp hội Các đô thị Việt Nam), bài toán quản lý giao thông và phương tiện cá nhân gia tăng hiện nay bộc lộ nhiều bất cập là do thiếu quy hoạch tổng thể từ gốc. Dân cư nội đô đông thì phải giãn ra bên ngoài, đường tắc thì phải khống chế phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Hà Nội sau 40 năm đổi mới, tốc độ phát triển nhanh, nhưng hiện tất cả các phương tiện cá nhân tham gia giao thông đều đi trên mặt đất. Như vậy thì không hạ tầng nào có thể đáp ứng được.

Nếu không có biện pháp giải quyết triệt để, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội còn trầm trọng hơn nhiều lần, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu, không cấp phép xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô, nhưng nhiều năm nay, các khu đô thị, trung tâm thương mại cao tầng vẫn mọc lên tại các nút giao thông quan trọng, thường xuyên quá tải phương tiện. Chưa hết, dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người (đa số là nhập cư và chưa tính dân số vãng lai). Với tỷ lệ 1:1, gần như mỗi người một xe máy, dự kiến đến năm 2020, dân số Hà Nội từ 7 triệu sẽ tăng lên trên 8 triệu... Đây là những trở ngại rất lớn đối với giao thông Thủ đô.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười, nếu để phương tiện cá nhân gia tăng tự nhiên, dù cơ sở hạ tầng có được cải thiện, song vận tải cá nhân chiếm tới xấp xỉ 90% lưu lượng, trong khi vận tải khách công cộng phát triển quá chậm chạp (hiện mới chỉ có xe buýt, mà cũng mới đáp ứng khoảng 7 - 8% nhu cầu đi lại với chất lượng dịch vụ chưa cao), thì Hà Nội và các thành phố lớn khác vài năm nữa sẽ đi đến chỗ hoàn toàn bế tắc về đi lại, kéo theo đó là nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn xã hội.

Bài cuối: Cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân
Tiến Hiếu
Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 1
Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 1

Ở bất cứ tuyến đường nào, nút giao nào của Thủ đô hiện nay, mọi người đều có thể nhận thấy số lượng xe máy, ô tô tham gia giao thông quá đông. Trong đó, tỷ lệ người ngồi xe máy một mình chiếm phần lớn, còn ô tô thì chiếm dụng quá nhiều lòng đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN