Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị về lao động

Để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc hoàn thiện chính sách, cơ chế, quản lý nhà nước về lao động là rất quan trọng, nhất là xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững, ổn định.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó, có các quy định về lao động nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng trên thị trường lao động toàn cầu. Là khu vực có các hoạt động kinh tế, sản xuất sôi động và lớn nhất cả nước cũng như có lượng doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước hiện nay, tuy nhiên, để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc hoàn thiện chính sách, cơ chế, quản lý nhà nước về lao động là rất quan trọng, nhất là xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững, ổn định.  

Liên kết vùng trong thu hút, quản lý lao động

Để góp phần tạo nên thị trường lao động ổn định, bền vững, việc liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong vấn đề nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, nếu không nói là cơ bản để tạo ra thị trường lao động, việc làm ổn định, bền vững từ dữ liệu, dự báo, đào tạo…

Từ góc độ quản lý địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đẩy mạnh liên kết vùng điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế - xã hội: nắm bắt thông tin cung - cầu lao động giữa các địa phương, kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt là đợt dịch vừa qua tại các thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, người lao động quay về quê tránh dịch ảnh hưởng phần nào đến thị trường lao động.

Đối với tỉnh, thành phố cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp cần có thông tin dữ liệu về việc làm như ngành nghề có nhu cầu lao động, yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương thu nhập và chính sách hỗ trợ người lao động làm việc trong doanh nghiệp…

Trong khi đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, tập trung vào 3 nội dung gồm, kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững; đồng thời nghiên cứu xây dựng mạng lưới an sinh xã hội theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng trên cả 3 khâu gồm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro.

Trên cơ sở nguồn lực đào tạo hiện có của địa phương, ưu tiên việc đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, phát triển đào tạo nghề nghiệp chuyên môn theo đề án nguồn nhân lực thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng.

Chia sẻ về vấn đề này, theo các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong quan điểm phát triển vùng Đông Nam Bộ, phải coi trọng chiến lược về con người. Quan điểm này cần được cụ thể hóa trong các đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương đối với từng lĩnh vực và dự án phát triển. Cụ thể, các địa phương cần xác định nhu cầu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực gắn với những cụm ngành nổi bật và lợi thế của địa phương thông qua điều tra nhu cầu thị trường, tổ chức hội thảo, tọa đàm với các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp - địa phương - cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp chính là đối tượng hiểu rõ nhu cầu về nguồn nhân lực, vì vậy, họ có thể đưa ra những yêu cầu đào tạo bổ sung, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động một cách chính xác, hiệu quả nhất.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc thúc đẩy liên kết giữa địa phương, lao động, doanh nghiệp và thị trường lao động để phân công lao động khai thác lợi thế cho từng địa phương trong vùng. Hiện nay, trên địa bàn Vùng Đông Nam Bộ gồm nhiều trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ…các cơ sở này tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Do đó, cần có cơ chế phối hợp đào tạo nhân lực giữa các địa phương, đào tạo theo lĩnh vực ưu tiên phát triển của các địa phương trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các địa phương; tiếp tục chú trọng đào tạo lao động có trình độ phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, Vùng cần tập trung nguồn nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; đảm bảo nhu cầu lao động có chất lượng cao cho ngành dịch vụ, công nghiệp vốn là thế mạnh của Vùng.

Trong công tác đào tạo, quản lý nguồn lao động, các địa phương cần định hướng giảm thiểu ngành thâm dụng lao động, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và kỹ thuật cao, lực lượng lao động trẻ sẽ dễ dàng học tập, tiếp thu, thích nghi với các kỹ thuật, trình độ sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Mô hình khu công nghiệp tự đào tạo nghề, gắn kết các trường nghề với nhu cầu của doanh nghiệp đang là giải pháp có nhiều ưu thế. Do nắm rõ nhu cầu lao động của khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo này có thể tập trung vào nhóm ngành mà thị trường lao động đang có nhu cầu.

Song, đặc thù của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đa số lao động trong các khu công nghiệp là lao động ngoại tỉnh. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục coi trọng việc tạo điều kiện ổn định số lượng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Chính quyền, Ban Quản lý các khu công nghiệp và người sử dụng lao động nắm bắt, theo dõi tình hình của lao động nhập cư, có nhiều hơn chính sách khuyến khích lao động chất lượng tốt, tay nghề cao yên tâm định cư, làm việc lâu dài tại địa phương.

Chú thích ảnh
Công nhân làm thớt gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tiếp tục hoàn thiện chính sách lao động

Để thị trường lao động phát triển bền vững, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung, vấn đề sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ cung - cầu lao động, kết nối lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động, tiêu chuẩn quốc tế... ngày càng cấp thiết.

Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trong nước, ngoài nước; hỗ trợ phát triển lưới an sinh xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; khuyến khích xây dựng mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế cho thấy, một số việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thu hút được lao động tại chỗ, chỉ có lao động từ các tỉnh đến đảm nhiệm do việc làm giản đơn hoặc làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thuộc các ngành thâm dụng lao động.

Làn sóng người lao động các tỉnh rời Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu lực lượng lao động khi quay lại hoạt động tối đa công suất sản xuất và không có nguồn lao động bù đắp kịp thời. Do đó, cần xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích, thu hút thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không có chuyên môn nghề nghiệp tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao giá trị hành nghề để sẵn sàng thương lượng các quyền lợi hợp pháp khi tham gia làm việc; có sự chủ động gia nhập thị trường lao động trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Một trong những yêu cầu khác đó là cần hoàn thiện và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút lao động bền vững, trong đó, bảo đảm môi trường sống, nhà ở và phúc lợi xã hội (trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…) tạo sự ổn định để lao động gắn bó với địa phương. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố khuyến khích doanh nghiệp chủ động có chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực dài hạn; thay đổi tư duy về sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, thâm dụng lao động để ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về lâu dài, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần quan tâm đến các dịch vụ xã hội như xây dựng nhà ở giá rẻ cho người lao động thuê hoặc mua, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội. Đây là mối quan tâm hàng đầu của người lao động để có thể yên tâm khi quay trở lại làm việc vì qua đại dịch họ đã cạn kiệt nguồn tài chính, tâm lý bất an khi môi trường sống, làm việc không ổn định.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quản trị quốc gia về lao động ở Việt Nam cần hướng theo chuẩn mực chung là tuân thủ pháp luật; hiệu lực và hiệu quả; công bằng và bao trùm; sự tham gia của người dân trong quá trình quản trị đất nước; phản hồi tương ứng và kịp thời đưa ra các chính sách; đồng thuận; minh bạch và trách nhiệm giải trình. Theo đó, chúng ta cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, bảo đảm điều kiện làm việc để tạo ra sự hấp dẫn trên thị trường lao động, giúp tăng năng suất lao động; hỗ trợ thực hiện tốt hơn chính sách an toàn, vệ sinh lao động giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, từ đó tối ưu hóa nguồn lực.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách đào tạo nghề giúp kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động chuyển đổi tay nghề và thích ứng với sự thay đổi việc làm trong môi trường mới; chính sách trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ việc làm giúp người lao động sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất việc để tìm kiếm việc làm mới dựa trên sự đam mê, đổi mới và sáng tạo. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động làm đúng ngành, nghề để phát huy tối đa khả năng lao động; chuyển dần từ chính sách lương tối thiểu sang lương đủ sống, bảo đảm để người lao động có tích lũy, ứng phó hiệu quả với khó khăn và khủng hoảng.

Cùng với đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, chúng ta cũng cần quan tâm sửa đổi toàn diện chích sách về nhà ở xã hội, hình thành chính sách mới về nhà ở cho công nhân, tập trung nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân và nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu, giúp cho người lao động không ngừng cải thiện cuộc sống.

Anh Tuấn - Thanh Vũ (TTXVN)
Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài 2: Sớm hoàn thiện cơ chế quản lý nguồn lao động
Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững - Bài 2: Sớm hoàn thiện cơ chế quản lý nguồn lao động

Trước yêu cầu của thực tiễn hiện nay, vấn đề làm thế nào để quản lý, theo dõi được nguồn nhân lực cũng như tổ chức được các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động là hết sức cần thiết. Từ đó đòi hỏi cần sớm có các giải pháp cụ thể để công tác quản lý nhà nước về lao động trước tác động của dịch bệnh, diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và quốc tế hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN