Xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam nằm trong khuôn viên của Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đang là mô hình hấp dẫn khách tham quan.

Điểm đến thú vị, hấp dẫn

Ngay cổng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, một mô hình khủng long bằng cao su cao khoảng 6 m thu hút nhiều em nhỏ. Nhiều em thích thú bám vào chân khủng long, tạo dáng cho cha mẹ chụp ảnh. Trong nhà bảo tàng, một mô hình cây tiến hóa sự sống, giới thiệu sơ lược về sự hình thành sự sống trên trái đất cùng với một số màn hình hỗ trợ giải thích cụ thể về vấn đề này cũng là nơi thu hút nhiều khách tham quan. Phía sau phòng trưng bày cây tiến hóa sự sống là không gian khoảng 200 m2 - nơi trưng bày chính của bảo tàng.

Tại đây khách tham quan được tìm hiểu một cách có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của môi trường và các loài sinh vật trải qua các thời kỳ từ những dạng sinh vật sống sơ khai nhất, khi trái đất bắt đầu hình thành cho đến hết thời kỳ của khủng long. Ở những khoảng không gian khác khách tham quan sẽ được tìm hiểu về sơ đồ tiến hóa và sơ đồ di cư của loài người trong lịch sử. Nhiều mô hình về sự đa dạng của các loài sinh vật trong tự nhiên qua các hiện vật trưng bày từ những hiện vật được kiểm lâm thu giữ trao tặng cho bảo tàng đến những hiện vật nhân tạo được làm rất tỉ mỉ công phu y như thật.

Gian trưng bày về các giai đoạn tiến hóa của loài người rất thu hút sự chú ý của các em nhỏ.



Em Trần Văn Long, trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội bày tỏ: “Em rất ấn tượng với không gian của bảo tàng, từ những hiện vật trưng bày đến cách bố trí tuần tự dễ hiểu. Việc được nghiên cứu trực quan cũng như được hướng dẫn cụ thể ở bảo tàng giúp em dễ hình dung ra những kiến thức được học trong sách. Các cô chú hướng dẫn giới thiệu một cách tổng quát giúp em ghi nhớ tốt hơn”.

Nhiều em nhỏ chưa hiểu được nhiều những gì nội dung trưng bày thì lại bị cuốn hút vào phòng chiếu phim 3D hay những màn hình nhỏ được gắn bên cạnh các hiện vật giới thiệu quá trình hình thành hay đấu tranh sinh tồn của các loài như thế giới khủng long, thế giới côn trùng hay sự kỳ thú của đại dương.

Hiện nay dự án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã bắt đầu triển khai: Giai đoạn I từ 2015 - 2020: chuẩn bị mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, xây dựng kịch bản trưng bày và trưng bày.

Giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo: Hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập sưu tầm mẫu vật, bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày, triển lãm và đào tạo nguồn nhân lực.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết: “Mỗi dịp cuối tuần gia đình đều đưa các cháu đi vui chơi, tham quan ở các công viên, bảo tàng, rất bổ ích. Khách tham quan nhất là các em học sinh được củng cố kiến thức về sinh học, lịch sử, thế giới tự nhiên. Các cháu nhà tôi rất thích thú với các mô hình trưng bày ở bảo tàng và qua việc chăm chú theo dõi các thước phim phần nào hiểu biết thêm về thế giới tự nhiên. Khi về nhà vui vẻ kể lại cho cha mẹ nghe, theo tôi nghĩ đó là một cách để tiếp thu và ghi nhớ”.

Được đưa vào hoạt động từ năm 2011 nhưng đến nay cũng giống như nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như về nguồn vốn, chưa thu hút được vốn đầu tư từ các tổ chức hay cá nhân mà chủ yếu là ngân sách nhà nước. Hay việc tổ chức giới thiệu một cách khoa học làm sao phù hợp với nền văn hóa nước ta và dễ hiểu cũng là điều cần nghiên cứu cụ thể. Thêm vào đó khâu bảo quản các mẫu vật trưng bày cũng là vấn đề luôn được đặt ra.

Tiến sĩ Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc bảo tàng cho biết: “Là địa điểm mang tính xã hội, bảo tàng chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Mới đây một số cá nhân ở bảo tàng thiên nhiên nước Anh có tặng nhiều kính xem phim 3D tuy nhiên công nghệ của bảo tàng không sử dụng được. Thêm vào đó khí hậu nước ta nóng ẩm nên việc bảo quản luôn là một vấn đề. Không gian hẹp khiến cho việc tham quan tìm hiểu với đông khách nhất là các trường gặp khó khăn. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã đề nghị xây dựng một bảo tàng lớn hơn trong tương lai”.

Xây dựng Bảo tàng thiên nhiên tầm cỡ

Không gian 300 m2 của bảo tàng hiện nay được coi là một phần nhỏ trong dự định xây dựng một bảo tàng lớn đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị và được Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, từ 2015 đến năm 2025 bảo tàng sẽ hoàn thành với diện tích 30 ha tại khu du lịch sinh thái Quốc Oai, Hà Nội. Bảo tàng mới ngoài khu trưng bày khoa học như Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam sẽ gồm nhiều phần đa dạng hơn như vườn cổ sinh, vườn khủng long, trưng bày côn trùng chiếm diện tích hàng trăm m2, đặc biệt là không gian nuôi các loài sinh vật sống chứ không chỉ bằng mô hình như bảo tàng hiện có. Bảo tàng sẽ có các thiết bị công cụ, máy móc từ khi con người bắt đầu phát minh ra cho đến ngày nay. Hoặc độc đáo như không gian quan sát vũ trụ, trưng bày các hóa thạch khác nhau lên đến hàng trăm triệu năm…

Tiến sĩ Vũ Văn Liên cho biết thêm: “Ở một số nước trên thế giới đã triển khai bảo tàng tương tự như bảo tàng thiên nhiên và khoa học quốc gia Nhật Bản, bảo tàng ở London, Anh có khoảng 40 triệu mẫu vật hay bảo tàng ở Paris, Pháp có khoảng 70 triệu mẫu vật... Chúng tôi đã cử người sang các nước như Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Indonesia... học tập kinh nghiệm hoặc nhờ chuyên gia nước ngoài tư vấn. Tuy nhiên điều quan trọng là các nhà khoa học phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng làm sao trình bày phù hợp với nền văn hóa và toát lên sự đa dạng sinh học của Việt Nam”.

Tuấn Anh

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, nơi giao hoà giữa con người và thiên nhiên
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, nơi giao hoà giữa con người và thiên nhiên

Từ thá­­­­­­ng 1/1989, VQG Xuân Thuỷ là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR; được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng năm 2004.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN