Xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa

Từ nhiều năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công luôn là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện qua nhiều chủ trương chính sách. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng như các cá nhân đã ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân, thông qua nhiều việc làm thiết thực đối với các thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Xã hội hóa công tác chăm sóc những đối tượng này đã và đang là xu hướng cần được đẩy mạnh.

Để “thế chân kiềng” phát huy hiệu quả

Trao đổi với Tin Tức, ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, thời gian tới, với ngân sách có hạn, vai trò của việc huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân trong công tác chăm sóc thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, ngày càng quan trọng, để thế chân kiềng “Nhà nước - cộng đồng - bản thân người có công” phát huy được sức mạnh tối đa.

Ngày 24/7, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội tổ chức tặng quà, khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho 500 thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Khám, chẩn đoán bệnh cho thương, bệnh binh. Ảnh: Đình Trân - TTXVN


Tính đến nay, cả nước có 1.664.000 hộ gia đình chính sách, trong đó, khoảng 4.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, 20.000 thương binh, bệnh binh nặng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 330.000 thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, 300.000 con thương binh, con liệt sĩ là học sinh, sinh viên.

Xin ông cho biết kết quả của công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ những năm qua?

5 năm qua, công tác chăm sóc người có công nói chung, trong đó có chăm sóc thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã đạt được những kết quả khả quan.

Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi đối với người có công, những tồn đọng về chính sách đã được giải quyết, bảo đảm sự công bằng trong chính sách đối với đối tượng này. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức thực thi công vụ này đã góp phần làm cho hoạt động quản lý nhà nước ở lĩnh vực này ổn định hơn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra góp phần xử lý, ngăn ngừa sai sót, tiêu cực. Hoạt động quản lý của Nhà nước cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thúc đẩy hoạt động đền ơn đáp nghĩa và việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong những năm qua ngày càng tốt hơn. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu người được chăm lo, cải thiện.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ?

Việc chăm sóc người có công, trong đó có thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo thông qua hệ thống văn bản chính sách ưu đãi. Cùng với chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng đã tạo nên nguồn lực to lớn giúp đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công ngày được cải thiện, đồng thời tạo mọi điều kiện và nguồn lực có thể để bản thân người có công tự nỗ lực vươn lên.
Hiện nay, ngân sách hàng năm của Nhà nước chi cho ưu đãi xã hội phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền cùng với các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các quỹ đền ơn đáp nghĩa cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước cần hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn để cải thiện đời sống cho người có công tốt hơn.

Nhiều năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa với 5 chương trình tình nghĩa cụ thể đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng cải tạo nhà tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi tặng quà và giúp đỡ thương binh, bệnh binh. Mỗi năm, chúng ta xây dựng, sửa chữa từ 6.000-10.000 nhà tình nghĩa, số nhà tình nghĩa tặng cho gia đình chính sách khó khăn đạt trên 300.000 căn nhà, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hàng năm huy động được từ 150-180 tỷ đồng, quỹ từ Trung ương đạt 5- 7 tỷ đồng được phân bổ và chi tiêu hợp lý. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng, trên 20.000 thương bệnh binh sống tại gia đình, trên 32.000 bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn được các đoàn thể chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo chu đáo.

Theo ông, thời gian tới, chúng ta cần làm gì để việc xã hội hóa chăm sóc gia đình thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ đạt kết quả tốt hơn?

Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ vẫn là một lĩnh vực có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc trong giai đoạn tới.

Để công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ đạt hiệu quả tốt hơn, trước hết, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng chương trình tình nghĩa không những cần tăng về số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, có khả năng huy động cao nguồn lực trong nhân dân. Các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng cần được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, thu hút được sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân, đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài… với tinh thần trách nhiệm và tình cảm thực sự. Có như vậy, thế chân kiềng “Nhà nước-cộng đồng-bản thân người có công” mới phát huy được sức mạnh tối đa trong lĩnh vực chăm sóc thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.

5 chương trình tình nghĩa trong phong trào đền ơn đáp nghĩa

- Tặng nhà tình nghĩa

- Tặng sổ tiết kiệm

- Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh

- Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ

- Vườn tình nghĩa

Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số điều trong chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ sao cho đảm bảo các nguyên tắc tiến bộ, công bằng và gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Ví dụ: Sửa đổi bổ sung chế độ đối với thương binh, bệnh binh đồng thời là công nhân viên chức nghỉ mất sức lao động; sửa đổi qui định xác nhận đối tượng hưởng chế độ phục vụ đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc không có khả năng lao động, mắc bệnh hiểm nghèo; hoàn thiện đề án tìm kiếm, qui tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin qua phương pháp giám định gen ADN, di vật hay sơ đồ mộ chí; hoàn thành công tác mộ-nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, di chuyển mộ liệt sĩ về nguyên quán theo nguyện vọng của thân nhân, hoàn thành việc di chuyển mộ quân nhân tình nguyện Việt Nam trên nước bạn về nước. Các ưu đãi về giáo dục đào tạo, lao động, việc làm… cần ngày một toàn diện, đầy đủ hơn đảm bảo đời sống các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ ổn định về vật chất và tinh thần.

Đồng thời, tiếp tục thu thập thông tin các trường hợp cần xác minh, thông tin về đối tượng chính sách và ưu đãi chưa được giải quyết để bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo không bỏ sót trường hợp người có công mà không được hưởng chính sách ưu đãi.

Chăm sóc người có công là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội… Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho tầng lớp nhân dân và các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình cảm, đạo lý, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với những người, gia đình có công với Tổ quốc.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Minh - Minh Đức thực hiện

Toàn xã hội thấu hiểu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là cần thiết, song phải làm bằng cả tấm lòng để không làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc đền ơn đáp nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN