Vượt lên số phận

Mới được chín tháng tuổi, sau một trận sốt, cậu bé Lại Thế Điệp (ảnh) (thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã bị cướp mất đôi chân vì bệnh bại liệt. Chỉ có đôi mắt sáng và cái đầu là còn nhúc nhắc được. Nhưng với nỗ lực và sự cố gắng của bản thân, chàng thanh niên tật nguyền đã vươn lên, tạo dựng sự nghiệp cho mình, chứng tỏ “tuy tàn nhưng không phế”. Không những thế, Lại Hoàng Điệp còn dạy nghề và chăm lo cuộc sống cho hàng chục thanh niên khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam ở địa phương…

Nỗi đau mang tên số phận

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 5 anh chị em, bố mẹ Điệp quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả gia đình chỉ biết trông cậy vào mấy sào ruộng khoán, thu nhập bấp bênh bởi còn phải phụ thuộc vào… ông trời, tằn tiện lắm mới lo đủ cái ăn cái mặc. Tuy vất vả, khó khăn là vậy, nhưng bố mẹ Điệp không bao giờ để các con phải thiếu thốn. Vì thế, dù có vất vả đến mấy, bố mẹ Điệp cũng gắng cho các con được học hành đến nơi đến chốn, âu cũng là để sau này mong cho các con thoát khỏi cảnh nghèo.

Ngay từ khi mới sinh ra, cậu bé Điệp đã có gương mặt khá ưa nhìn với nụ cười tỏa nắng. Thế nhưng số phận lại đặt lên Điệp một gánh nặng, khi là người con duy nhất trong gia đình kém may mắn bởi thân hình khuyết tật. Chín tháng tuổi, sau một trận sốt cao, đôi chân cậu bé Lại Thế Điệp có biểu hiện teo dần rồi bại liệt, thân hình hoàn toàn bất động. Gia đình anh đã cố gắng vay mượn tiền chạy chữa cho con nhưng vô vọng. Đến năm ba tuổi cậu bé Điệp mới nhúc nhắc lê được những bước đầu tiên. “Buồn cười lắm! Tôi cầm một chân quăng đi, còn chân kia lê theo thế mà cũng vẫn di chuyển được xung quanh nhà…”, Lại Thế Điệp nhớ lại những năm tháng buồn tủi ấy.

Lên 8 tuổi, “biết thân biết phận” nên suy nghĩ lại có phần già dặn hơn các bạn cùng trang lứa, nhiều khi tinh thần cậu bé Điệp bị suy sụp, cáu bẳn và chìm ngập trong cảm giác mình là một phế nhân. Đó là một hành trình đầy nước mắt. “Thời gian đầu tôi rất tự ti, mặc cảm đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Song dần dần tôi nghĩ, mình không thể suốt đời là một gánh nặng cho gia đình nên ngày ngày tập bò, rồi tập đi và cuối cùng cũng có thể tự đến trường bằng đôi chân teo tóp ấy…”, Điệp kể. Thương con, bố Điệp mới mày mò đóng cho đôi nạng gỗ. Kể từ đây, đôi nạng gắn chặt bên cạnh cậu bé như bóng với hình.

Tuy đã có thể tự đi được những bước đầu tiên nhưng do sức khỏe yếu nên đến tận năm 11 tuổi cậu bé Điệp mới được cắp sách tới trường. Tuy tật nguyền nhưng Điệp rất thông minh, năm học nào cũng đứng đầu lớp và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp III, trường xa nhà hàng chục cây số, bố mẹ còn phải bươn chải với cuộc mưu sinh, không thể tự đi, không có người đưa đón nên dù không muốn nhưng việc học của Điệp cũng đành phải bỏ dở giữa chừng. Thương bố mẹ, thương các anh chị em không thể trông cậy vào mình, Điệp quyết tâm chọn cho mình một hướng đi khác.

Đứng lên từ đôi chân tật nguyền

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Điệp quyết định chọn cho mình nghề mộc. Với người khỏe mạnh, lành lặn theo nghề này đã khó, huống chi… Nhưng Điệp không cho phép mình gục ngã hay nản chí. Nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự thông minh, nhanh nhạy, không lâu sau chàng trai tật nguyền đã thành thạo tay nghề trước con mắt thán phục của mọi người.

Ròng rã suốt mấy năm, cuộc sống của Điệp cứ trôi qua đều đều như vậy, không có biến cố cũng không có cổ tích nào đến với Điệp, nhưng không khi nào chàng thanh niên tật nguyền hết niềm tin. Điệp nỗ lực, phấn đấu vì không muốn mình trở thành người vô dụng. Khi cầm những đồng tiền ít ỏi đầu tiên mà mình làm ra, Điệp vui vô cùng.

Không dừng lại ở một người lao động làm thuê bình thường, Điệp muốn làm chủ bản thân, nên thuyết phục bố mẹ cho “ra riêng” để tự lập với niềm tin về một ngày mai có thể làm chủ được cuộc sống. Nhớ lại khoảng thời gian đầy khó khăn đó, Điệp cười hiền, tâm sự: "Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được bố mẹ cho mở cửa hàng. Tôi hiểu những suy nghĩ và lo lắng chính đáng của bố mẹ. Nhưng đó là ước mơ, là khát vọng của tôi. Mọi người càng gàn, tôi càng thêm quyết tâm…".

Năm 2011, với số vốn tích lũy được, chàng thanh niên tật nguyền Lại Thế Điệp mạnh dạn vay vốn và đầu tư kinh phí hơn 900 triệu đồng để mở rộng xưởng mộc nhỏ thành công ty. Thời gian đầu mới thành lập, công ty gặp phải vô vàn khó khăn, nhất là về công nhân và việc quản lý. Nhưng không lùi bước, Điệp tiếp tục tìm hiểu về thị trường đồ gỗ mĩ nghệ và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức công việc từ những người đi trước. Công ty bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất và thu hút nhiều nhân công lao động, chủ yếu là người khuyết tật.

Hiện tại, chàng thanh niên tật nguyền Lại Thế Điệp đang làm Giám đốc công ty TNHH Đồ gỗ mĩ nghệ người tàn tật với hàng chục lao động là người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam ở địa phương và các vùng lân cận…

Sản phẩm của công ty do Điệp làm ra đẹp, bền, kiểu dáng, mẫu mã phong phú do chính “ông chủ” vẽ mẫu và thiết kế.… Nguồn tiêu thụ hàng của công ty khá mạnh cả trong và ngoài tỉnh.

Công nhân trong công ty là người khuyết tật, thế nhưng sự sắp xếp, phân bố công việc phù hợp, thuận lợi đã thúc đẩy công ty phát triển mạnh mẽ. Ở đây, công nhân lao động và người khuyết tật được hưởng mọi chế độ ưu đãi như công nhân viên nhà nước. Mức lương của công nhân từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng, một thu nhập không nhỏ đối với người khuyết tật, thậm chí trong công ty có cả người tàn phế hai chân hay người câm, điếc… Anh Điệp tâm sự: “Bản thân mình là người khuyết tật nên mình luôn có nguyện vọng giúp ích cho những người khuyết tật khác trong địa phương có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, đó là động lực giúp tôi cố gắng hơn nữa…”.

Anh Nguyễn Doãn Luận, 27 tuổi (quê Vũ Trung, Thái Bình) chia sẻ: “Là một người khuyết tật, hầu như mọi công việc với tôi đều không thuận lợi, thế nhưng khi vào học nghề và làm việc tại Công ty TNHH Đồ gỗ mĩ nghệ người tàn tật, tôi đă nhận được nhiều sự giúp đỡ, quan tâm của mọi người. Mức lương hiện tại của tôi là 2,5 triệu đồng/ tháng, nói chung công việc của tôi khá thoải mái và phù hợp”.

Ngoài ra, ngay tại công ty có sẵn nơi ăn chốn nghỉ cho công nhân nếu có nhu cầu khi đi lại khó khăn. Các chế độ lao động của công nhân cũng được ưu tiên như ngày nghỉ lễ, Tết. Đặc biệt, anh Điệp luôn hiểu được tâm lý công nhân, trả lương đúng ngày, nếu như ngày đó trùng với ngày nghỉ thì sẽ đẩy lên sớm hơn 2-3 ngày, đó cũng là một cách tạo niềm tin, đảm bảo cuộc sống cho công nhân.

Giống như bao chàng trai bình thường khác, Điệp cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, mong có người cảm thông, chia sẻ cho mảnh đời của mình. Mơ ước ấy nhỏ lắm, bình dị lắm. Điệp tâm sự: "Nhiều lúc thấy cô đơn, buồn tủi. Gia đình là nơi kéo tôi ra khỏi những cảm giác tiêu cực đó. Tôi cũng muốn có một gia đình nho nhỏ của mình, và may mắn, tôi đã gặp được một nửa của mình, chính là bà xã tôi hiện nay, người đã chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh của tôi, và đã sinh cho tôi hai thiên thần bé nhỏ…".

Mong ước lớn nhất của chàng thanh niên tật nguyền Lại Thế Điệp, là thời gian tới đây, các cấp, các ngành cần quan tâm, tạo điều kiện cho anh được vay vốn và thuê đất để mở rộng cơ sở sản xuất của mình, tạo cơ hội cho nhiều người khuyết tật học nghề, làm việc và trở thành người có ích trong xã hội.

Bài và ảnh:Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN