Vui, buồn, băn khoăn với học sử - làm sử

LTS: Sau khi báo Tin tức Cuối tuần số 20 với chuyên đề “Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh” phát hành, Báo Tin tức Cuối tuần nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc. Xin giới thiệu tới độc giả bài viết của TS Sử học Ngô Vương Anh về vấn đề này.


Tín hiệu vui...


Đầu tháng 5/2013, tại Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Bộ GD – ĐT trao giải thưởng cho các học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia môn lịch sử các trường phổ thông năm 2013. Đây là lần thứ hai, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức trao giải thưởng này. Đây là một trong những tín hiệu vui, điểm sáng hiếm hoi trên nền bức tranh toàn cảnh về dạy sử - học sử - làm sử của chúng ta hôm nay vẫn đang còn nhiều mảng tối.


Vinh danh những người học sử góp phần khôi phục vị thế của môn học này.


Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của các em và cả các thầy cô giáo đã dạy môn sử cho các em ở trường, chẳng quản đường xa cũng đến chung vui trong sân nhà Thái học Văn miếu, có thể lạc quan mà hy vọng về một nguồn sinh khí mới cho ngành sử. Khi được hỏi, Vũ Thị Thu Phương, học sinh lớp 12 Sử trường chuyên THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội), giải ba, hồn nhiên trả lời: “Em thích sử như... tự nhiên vậy thôi. Học sử giúp em biết nhiều hơn về quá khứ, truyền thống, văn hóa dân tộc, đến thăm các di tích em thấy đẹp vì sự cổ kính....”. Khi được hỏi làm thế nào để học tốt môn sử trong khi nhiều người “sợ” môn này, cô bé lại cười: “Em nghĩ môn sử cũng không khó như mọi người sợ đâu, tất nhiên là cần đọc sách và có trí nhớ tốt, nhưng em không nhớ kiểu học thuộc lòng. Em cố gắng biết được tinh thần của sự kiện, của nhân vật, cố gắng liên kết, xâu chuỗi với bối cảnh lịch sử của thời đó, có thể cả với các môn khác nữa như địa lý chẳng hạn, để hiểu hơn tại sao lại thế ?...”.


Tuy nhiên, cô bé đang có hai lựa chọn khi được tuyển thẳng vào Đại học An ninh (ngành Luật) và Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Sử) nhưng vẫn chưa thể quyết định vì “nhiều lý do”... Chẳng riêng Vũ Thị Thu Phương, nhiều em khác được hỏi cũng tỏ ra ngập ngừng khi khẳng định có theo học ngành sử ở đại học và sẽ làm “nghề sử” trong tương lai không. Phùng Thị Bích Phương (lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), giải nhất, cho biết sẽ chọn theo ngành khối D “theo ý của bố mẹ”.


Câu chuyện lựa chọn ngành đại học của các học sinh giỏi sử (cấp quốc gia) lại dẫn đến một nỗi buồn.


Chưa hẳn đáng mừng


Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng Quỹ Phát triển sử học Việt Nam năm nay, GS. VS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: Năm 2012, chỉ có 13 học sinh trong số 211 em (chưa tới 1%) đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn học này (được tuyển thẳng) chọn theo ngành sử ở bậc đại học. (Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội có 9, Đại học Sư phạm Đà Nẵng có 3, Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, ĐHQG TP.HCM có 1 em.)

Tham quan các di tích lịch sử là một phương pháp giáo dục trực quan giúp học sinh yêu thích môn lịch sử.


Lại cũng không thể phủ nhận rằng nhiều trong số hồ sơ đăng ký thi đại học chọn ngành sử của các thí sinh thoạt tiên chưa dựa vào sự hiểu biết và yêu thích môn sử, ngành sử mà dựa (trước) vào những tính toán “chiến lược” (nhiều khi là của các bậc phụ huynh) về “đầu vào” - để xác xuất đỗ cao hơn những ngành “thời thượng”, “thời trang” đang được đổ xô chạy đua như luật, kinh tế..., và “đầu ra” - để ít gặp khó khăn hơn về cơ hội kiếm được một chỗ làm việc. Nhìn rộng hơn, những chuyện vui buồn của việc học sử, dạy sử, làm sử hôm nay có lẽ cũng là chuyện vui buồn của sự thăng trầm những giá trị văn hóa (có thể mang tiếng “viển vông”) trong nền “văn minh vật dụng” đang tràn ngập.


Những con số thống kê lạnh lùng thông báo kết quả thi môn sử trong những kỳ thi đại học gần đây nói lên câu chuyện buồn, phản ánh một hiện trạng đáng đau lòng của việc dạy sử, học sử và thi sử. Hơn thế nữa, đây không chỉ còn là chuyện kết quả của việc thi môn sử mà là dấu hiệu trầm trọng và rõ rệt của việc coi nhẹ (rẻ) các giá trị tinh thần và nhân văn... Gần đây nhất, câu chuyện học sinh một trường trung học phổ thông xé đề cương ôn tập môn sử khi không có môn này trong kỳ thi tốt nghiệp đã cho thấy một sự hiển nhiên rằng: Môn Lịch sử chưa được đặt đúng vị trí, chưa có vị thế xứng đáng của nó trong nền giáo dục phổ thông. Hơn nữa, chế độ kiểm tra, thi cử nặng nề đã tác động tới động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực.


Băn khoăn...


Cần thẳng thắn nhìn (và nhận) thấy rằng: Học sinh ta dốt sử ta đã từ lâu, chẳng đợi những con số điểm thi thấp kém lộ ra. Cũng khó (chỉ) trách học sinh vì sách sử, bài sử, thầy sử của chúng ta đã quá sơ cứng và nhàm chán, ngành sử (và các ngành khoa học xã hội nói chung) lép vế so với những ngành “thời thượng”, “thời trang”...


Cũng không chỉ học sinh mà người lớn cũng dốt sử. Cũng không chỉ dốt sử mà còn dốt cả văn, dốt cả văn hóa, nghệ thuật... Cũng đã nhiều lần, chuyện “thuộc sử Tàu hơn sử Ta”, chuyện những sự ngây ngô, dốt nát (dẫn đến phá hoại) lịch sử - văn hóa của chính những người có trách nhiệm “làm văn hóa” khiến cho người xem, người đọc cười ra nước mắt và không khỏi bi quan về tương lai văn hóa nước nhà. Cũng đã nhiều lần, các nhà sử học, các nhà văn hóa bị đặt trước “việc đã rồi” mà đành ngậm ngùi tiếc cho di tích, di sản. Cũng đã nhiều lần khi có vấn đề cần cân nhắc lựa chọn thì phần thua thiệt thuộc về những giá trị văn hóa - tinh thần... Những chuyện chẳng thể vui có thể dễ dàng gặp nhiều lúc, nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực văn hóa và cũng đã gây cho xã hội nhiều hệ lụy - khi triết lý thực dụng lan tràn, chiếm chỗ của tình cảm giữa con người, của tinh thần nhân văn trong xã hội. Tội ác gia tăng trong xã hội và cả trong học đường không thể không liên quan gì đến việc những giá trị văn hóa, nhân văn bị coi thường, thậm chí bị đảo lộn.


Sự khách quan và tính trung thực chính là điều làm cho sử học hấp dẫn. Sự hứng thú khi đọc (học) sử bắt cũng nguồn từ đó. Để gây được (và đáp ứng được) sự hứng thú đó phải thay đổi tận gốc rễ: Từ cách đánh giá sử học là một ngành khoa học độc lập và sinh động chứ không phải là “nô bộc”, minh họa cho những chủ đề tuyên truyền; thay đổi triết lý “làm” (nhào nặn) sử sang tư duy “viết” (trung thực) sử; thay đổi cả hệ thống làm sách sử và dạy sử cho đến những con người vận hành hệ thống đó; thay đổi cả phương pháp và phương tiện truyền tải tri thức lịch sử... Làm được như vậy mới có thể có sách sử, truyện sử, phim sử hấp dẫn người học, người đọc, người xem, để có thể nâng tầm tri thức lịch sử cho mỗi con em chúng ta cùng với xã hội cao thêm... Và cũng để cho con em chúng ta (và cả chúng ta) học sử không phải bằng cách nhớ thuộc lòng một cách phiền phức và vô ích như hôm nay. Để chúng ta và con em chúng ta hiểu và hành được cái “hồn cốt” của sử - trung thực và nhân văn.


Khoa học - kỹ thuật - công nghệ càng phát triển, khoa học xã hội nhân văn (trong đó sử học có phần quan trọng) càng cần thiết hơn để giữ cái nền tảng cho sự phát triển xã hội bền vững, để cho con người làm chủ khoa học - công nghệ cao nhưng không biến thành người - máy giữa thế giới những vật dụng tinh xảo mà vô hồn, vô cảm.


Bài và ảnh:Ngô Vương Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN