Vụ 6.900 lít dầu đe dọa vịnh Hạ Long: Vẫn nằm chờ xử lý

Khoảng 6.900 lít dầu có chứa chất độc hại PCB nằm ở Cảng Cái Lân, ngay sát bờ di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh suốt hơn 7 năm qua nhưng đến giờ vẫn chưa có phương án bảo quản, hay xử lý triệt để.

Người dân cũng như chính quyền địa phương liên tục phản ánh lên các Bộ, ngành ở Trung ương sớm tìm ra phương án giải quyết dứt điểm nhằm ngăn chặn kịp thời mối lo ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nói riêng.

Ông Đỗ Đức Thắng, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Vị trí để số dầu độc hại nằm ngay đầu sông Cửa Lục, đổ ra Vịnh Hạ Long nên nguy cơ làm ảnh hưởng trực tiếp cho môi trường di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới rất cao, khiến người dân cũng như những người làm công tác quản lý di sản này hết sức lo lắng.

Lô hàng chứa dầu PCB độc hại. Ảnh: dantri.com.vn


Ban quản lý Vịnh Hạ Long đề nghị các ngành chức năng sớm nghiên cứu di chuyển số dầu này ra khỏi vị trí hiện nay ở Cảng Cái Lân để bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long được tốt nhất.

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân (Cục Hải quan Quảng Ninh) Trần Xuân Hưng cho biết: Tháng 11/2007, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) có trụ sở tại thành phố Hải Phòng nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm 3 máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc được sản xuất trước năm 1975, để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định).

Theo khai báo của Công ty Cửu Long thì cả 3 máy biến thế này là máy biến thế khô. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Hải Quan Quảng Ninh đã phát hiện ra một trong ba máy biến thế này có chứa dầu PCB (loại chất cực độc, không phân hủy) vượt ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính 95 triệu đồng và buộc Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng. Tuy nhiên, phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.

Ngày 14/12/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản 134/TB-UBND kết luận: khẳng định không thể thực hiện được việc tái xuất khẩu về nước xuất khẩu, nên yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long xây dựng 1 kho kín và vận chuyển lô hàng từ cảng Cái Lân về kho bãi của Công ty (tại Hải Phòng) trực tiếp quản lý bảo đảm về môi trường.

Đồng thời tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo sự việc với Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin hướng dẫn xử lý sự cố trên.

 

Tuy nhiên, từ đó đến nay lô hàng chứa hóa chất độc hại PCB vẫn chưa được di dời, chưa có phương án di dời, xử lý triệt để.

Đến ngày 12/5/2014, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân đã đóng gói gần 6.900 lít dầu nhiễm PCB vào 35 thùng phi và được cất trong 2 container được đặt tại khu vực kho bãi của công ty TNHH MTV cảng Quảng Ninh.

Công tác bảo quản được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo không rò rỉ dầu, gây ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là môi trường nước của Vịnh Hạ Long như sử dựng container hai lớp bảo quản, có lắp đặt hệ thống quạt thông gió, đồng hồ đo nhiệt độ, hệ thống báo cháy tự động. Khu vực kho bãi được dựng hàng rào bê tông, hàng rào lưới thép. Bên ngoài lực lượng chức năng gắn các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm xâm nhập vào khu vực kho bãi chứa hai container kể trên.

Ông Trần Xuân Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân thừa nhận rằng: Việc bảo quản số dầu PCB như trên cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, thiếu an toàn trong lâu dài. Hải quan Quảng Ninh đề nghị các ngành chức năng sớm có phương án di dời toàn bộ lô hàng trên ra khỏi Cảng Cái Lân để làm sạch môi trường Cảng cũng như bảo vệ tốt cho Vịnh Hạ Long.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết: hiện nay trong cả nước chỉ có duy nhất Công ty Xi măng Holxim (Kiên Giang) có đủ điều kiện xử lý số dầu nguy hại trên. Tuy nhiên, chi phí cho việc xử lý là cực kỳ tốn kém, chừng 1 tỷ USD, nên khả năng chi trả của đơn vị nhập lô hàng này là không thể. Chính vì vậy việc lưu kho vẫn có thể là phương án tối ưu.

Hơn lúc nào hết, Quảng Ninh đang mong chờ các Bộ, ngành Trung ương, cùng với Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long là đơn vị đã nhập khẩu lô hàng về cảng Cái Lân, phải sớm có phương án xử lý dứt điểm lô hàng chứa dầu hóa chất PCB độc hại nói trên để đem lại sự an toàn cho môi trường nói chung, cho kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long nói riêng.


Văn Đức

Nâng cao hiệu quả quản lý vịnh Hạ Long
Nâng cao hiệu quả quản lý vịnh Hạ Long

Ngày 24/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định: Dứt khoát không giao cho doanh nghiệp chức năng quản lý nhà nước đối với di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN