Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ quan trọng và đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều thành viên tỉnh Vĩnh Phúc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa: Sỹ Tuyên/TTXVN

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh được triển khai đồng bộ và không ngừng mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 0,5%, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong 5 năm (2021-2025), Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 1.700 tỷ đồng để tổ chức rà soát, xác định, quản lý diễn biến hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo hằng năm và thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành gồm: Nhóm chính sách tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội; thực hiện giảm nghèo thông qua các tổ chức đoàn thể; thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù và chính sách đảm bảo an sinh xã hội; truyền thông và nâng cao năng lực giảm nghèo; tổ chức thực hiện ký cam kết mục tiêu giảm nghèo.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố điều tra, lập danh sách và quản lý đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; nghiên cứu cơ chế chính sách, chỉ đạo hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022-2025; tổng hợp, đề xuất kế hoạch và dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách thực hiện Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn và hàng năm.

Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc bố trí 300-500 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng thực hiện tốt công tác xã hội hóa, phối hợp với các hội, đoàn thể huy động thêm các nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo; vận động các hội viên, đoàn viên giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa về nhà ở, hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất và phát triển kinh tế có hiệu quả… Với những giải pháp đồng bộ, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,96% (năm 2016) còn 1,51% (cuối năm 2021). Hiện, hộ nghèo khu vực thành thị tại tỉnh chiếm 0,98%, hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 1,72%. Các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Địa phương có số hộ nghèo thấp nhất tỉnh là thành phố Phúc Yên với 170 hộ, tương đương 0,63%.  

Vĩnh Phúc phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,08%, tương đương giảm 1.400 hộ nghèo, giảm 0,43% so với đầu năm 2022. Tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện các làng nghề... Qua đó, thu hút nhiều doanh nghiệp, đa dạng hóa các loại ngành nghề ở các địa phương, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Đoàn Thanh niên TTXVN hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang
Đoàn Thanh niên TTXVN hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang

Thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2022, thiết thực kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022) và Tháng Thanh niên 2022 với chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo", ngày 30/3, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TTXVN phối hợp với Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Shinhan Việt Nam thực hiện chương trình Trồng cây xanh tại thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN