Vĩnh Phúc thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện

Vĩnh Phúc đã xây dựng và ban hành Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện nhằm giải quyết nhanh, có hiệu quả các hồ sơ thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh được cải tiến công việc theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, tách hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức và công dân.

Trung tâm hành chính tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; phát huy tối đa sự giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và của đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức nhất là về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.


Thông qua tổ chức hoạt động của Trung tâm sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36A của Chính phủ.

Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh là bộ phận thuộc Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm Hành chính công cấp huyện được bố trí theo như Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại của các huyện. Theo Đề án, Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương: Vĩnh Yên, Yên Lạc, Tam Đảo đi vào hoạt động trong tháng 1/2017; trung tâm thuộc các huyện, thị còn lại đi vào hoạt động trong quý I/2017.

Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 166 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi chung là Bộ phận một cửa, một cửa liên thông) ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, gồm: 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thành, thị; 137/137 xã, phường, thị trấn, với tổng số 689 công chức, viên chức. Vĩnh Phúc có 1.684 thủ tục hành chính thuộc 170 lĩnh vực. Trong đó có 884 thủ tục hành chính thuộc 106 lĩnh vực đang thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, năm 2012 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA). IPA là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. IPA có chức năng tham mưu, giúp Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh và là đầu mối tiếp xúc, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu tư trong suốt quá trình dự án hoạt động.

Theo cơ chế một cửa liên thông thực hiện qua IPA có 9 cơ quan, đơn vị là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Cần nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh
Cần nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN