Việt Nam với cơ cấu dân số “vàng”

“Bên cạnh một số thách thức về sự gia tăng, già hóa dân số… Việt Nam cũng đang có cơ hội khi bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Việc tận dụng tốt nguồn nhân lực dồi dào này sẽ tạo điều kiện quan trọng cho việc tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam từ nay đến năm 2040”, ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, khẳng định.

Lực lượng lao động tương lai của Việt Nam trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Ảnh: ThẾ ANH-TTXVN


Theo nhiều dự báo về dân số, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2011- 2020 với tốc độ trung bình 1%/năm, tương ứng là 47,82 triệu người; 50,4 triệu người và 53,15 triệu người vào các năm 2010, 2015 và 2020. Trong thời gian tới nhóm lao động trẻ sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động Việt Nam. Vì thế đây sẽ là cơ hội tốt trong phân công lao động vào các ngành trong nền kinh tế.

Nếu có chính sách để có thể “sở hữu” một lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn cao, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực toàn cầu trong một số ngành sản xuất với vai trò là đối tác sản xuất chiến lược của các nước phát triển. Xuất khẩu lao động được đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp tại chỗ hoặc sang các nước khác là một kênh quan trọng để thực hiện chính sách lao động trong thời gian tới.

“Lao động đông, tăng nhanh cũng sẽ tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng và việc làm. Hiện nay, lao động của ta mới mạnh về số lượng, chứ chất lượng chưa cao”, bà Nguyễn Thị Vân, trợ lý Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam chia sẻ.

Theo TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân, để tận dụng được cơ hội dân số “vàng”, Việt Nam cần phải có những chính sách đặc biệt, chú trọng tới 4 lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo; lao động - việc làm và nguồn nhân lực; dân số - gia đình và y tế; an sinh xã hội”.

Đối với chính sách lao động, việc làm và nguồn nhân lực, cần đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn và thúc đẩy chất lượng các ngành sử dụng nhiều lao động.

Để tăng trưởng cao và phát triển bền vững thì không thể không nói đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Bởi lẽ, nhiều nghiên cứu cũng cảnh báo Việt Nam về “bẫy” nhân công giá rẻ, cho rằng lao động Việt Nam cần chuyển từ cần cù sang sáng tạo thì mới có thể nâng cao được chất lượng và năng suất. Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam rất yếu, gần 70% người tham gia lao động chưa được đào tạo.

Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng là một chính sách việc làm và tạo thu nhập hiệu quả cho một lực lượng lao động lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Việc xuất khẩu lao động sẽ theo hướng đào tạo theo tay nghề chứ không phải là lao động chân tay. Tất nhiên đi kèm các hoạt động này cần có cả một hệ thống chính sách liên quan như đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội…

Phương Liên

Thế giới trước thách thức 7 tỷ người
Thế giới trước thách thức 7 tỷ người

Hôm nay, ở một thời khắc nào đó và nơi nào đó trên thế giới, một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng của nhân loại: Dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỷ người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN