Vì sự an toàn của người đi đường…

Tình trạng các biển báo hiệu đường bộ “cắm” bất hợp lý hiện nay trên nhiều tuyến đường không chỉ gây lãng phí cho Nhà nước, mà còn gây bức xúc, lúng túng cho người tham gia giao thông trong việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Trước thực tế này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa gửi văn bản yêu cầu các sở Giao thông Vận tải (GTVT), các khu quản lý đường bộ tập trung tổng kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ trên toàn quốc.

Lộn xộn!

Trên nhiều đường phố Hà Nội hiện nay không khó để tìm những biển báo hiệu được bố trí có cũng như không, thậm chí còn gây phiền hà, khó hiểu cho cả người đi đường và lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Biển cấm trên đường rẽ vào chùa Linh Đường không có biển báo hiệu khiến các loại xe ô tô đi vào đường cấm. Ảnh: Lê Phú


Việc cắm biển báo cấm ngay đầu đường mà không có biển báo hiệu đã không còn là cá biệt tại Hà Nội. Bên lề đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), điểm rẽ vào chùa Linh Đường (đoạn gần đối diện Bến xe Nước Ngầm) là biển báo “Điểm giao nhau với đường sắt”, kế đó mới là biển “Cấm xe tải, xe khách”, vì nằm ngay đầu đường rẽ, nên xe tải, xe khách không được chỉ dẫn cứ ùn ùn đi vào đường cấm mới giật mình biết rằng... vi phạm. Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại nút giao cắt này, mà nguyên nhân chính là do nhiều chủ phương tiện lưu thông theo hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi đã “dồn cục” trước biển báo này.

Tại quận Long Biên, điểm rẽ sang hướng cầu Long Biên cũng có một biển cấm cắm sai vị trí. Theo đó, khi các phương tiện lưu thông theo hướng Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương sẽ gặp hai biển báo. Một biển báo chỉ dẫn phương tiện được đi thẳng và rẽ phải. Qua biển báo này, phương tiện sẽ gặp biển báo thứ hai chỉ dẫn được rẽ phải lên cầu Long Biên. Tuy nhiên, khi đi được nửa vòng cua từ đường Nguyễn Văn Cừ theo hướng lên cầu Long Biên thì dòng phương tiện gặp biển báo “Cấm ô tô” được cắm bên phải đường rẽ này! Nếu lái xe từ tỉnh khác vào Hà Nội, đi qua nút này rất dễ đi vào đường cấm, bởi không biết mình đang đi vào đường cấm và chỉ khi đã vi phạm thì mới nhìn thấy biển báo.

Tại điểm giao nhau đường Ngô Gia Tự - đường Đức Giang (Long Biên), có một số biển báo được cắm một cách lộn xộn, thậm chí thiếu cả biển chỉ dẫn đang tạo thành một trong những điểm đen ùn tắc của Thủ đô. Để hạn chế ùn tắc, ngành GTVT đã cắm một loạt biển cấm. “Cấm ô tô rẽ trái” vào đường Đức Giang theo hướng Ngô Gia Tự - Từ Sơn, “cấm ô tô rẽ phải” vào Đức Giang theo chiều ngược lại theo giờ quy định. Như vậy, ngoài giờ “giới nghiêm” ô tô muốn vào đường Đức Giang khi đi theo hướng Ngô Gia Tự -Từ Sơn chỉ còn cách đi thẳng tới khu đô thị Việt Hưng rồi quay đầu lưu thông theo hướng ngược lại. Việc cắm biển cấm ô tô chạy hướng Ngô Gia Tự - Từ Sơn rẽ trái vào Đức Giang có tác dụng chống ùn tắc rõ rệt. Tuy nhiên, việc ô tô được rẽ phải vào đường Đức Giang theo chiều ngược lại, mà không có biển báo chỉ dẫn phân luồng khi ô tô chạy hướng Ngô Gia Tự - Từ Sơn khiến không ít lái xe khi đến đây, nếu không dính biên bản phạt thì cũng phải... dở khóc dở mếu vì đoạn đường vòng vèo trở lại rất xa.

Ngoài việc “cắm” biển báo bất hợp lý, tại nhiều đường phố Thủ đô, tình trạng bố trí biển báo nơi thừa, nơi thiếu, nơi “trốn tìm” cũng không hiếm. Nhiều biển báo còn có cả biển phụ đính kèm để chỉ dẫn, nhưng do nhiều chữ khó hiểu, người tham gia giao thông muốn tuân thủ chỉ còn cách đang lưu thông phải dừng lại để đọc hiểu rồi mới đi tiếp, không thì dễ vi phạm. Biển cấm ô tô tải, ô tô khách đầu đường Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai), biển cấm ô tô đầu đường Đức Giang, loạt biển cấm ô tô tải trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), biển cấm ô tô quay đầu trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì)… đều có biển chỉ dẫn ở dưới, nhưng nội dung “loằng ngoằng” khó đọc.

Chưa hết, nhiều biển báo hiệu mới được “cắm” trên đại lộ Thăng Long khiến người đi đường khó có thể nhận biết, tuân thủ tốc độ nào ở làn đường nào, vì có biển báo tốc độ quy định, nhưng lại thiếu biển báo tốc độ tối đa hay tối thiểu cho phép; có đoạn thì “cắm” chi chít biển báo khó phân biệt; nơi có biển báo chỉ dẫn lối ra, nhưng tìm quanh lại không thấy lối ra ở đâu… Tại khu phố cổ hiện nay, hệ thống báo hiệu đèn xanh, đèn đỏ tại nhiều ngã tư từ lâu đã bị vô hiệu hóa, mất tác dụng và đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhưng vẫn chưa được tháo dỡ... Thực tế nêu trên đang tồn tại ở nhiều địa phương!

Điều chỉnh để hợp lý

Nhiều lái xe ô tô phản ánh, tình trạng “cắm” biển báo hiệu bất hợp lý hiện nay khiến việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của người đi đường thiếu tự giác. Không ít trường hợp đang lái xe trên đường đã phải bẻ ngoặt tay lái, dừng xe bất ngờ để nhìn lại biển báo hiệu trên đường để tránh. Nếu “lỡ” vi phạm thì chỉ còn cách nộp phạt theo quy định. Thậm chí, nhiều trường hợp “mắt trước, mắt sau” không thấy lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) là bỏ qua biển báo. Còn lái xe không thông thuộc đường sá hoặc từ địa phương này đến địa phương khác rất dễ mắc vi phạm. Vậy là, nhiều nơi có biển báo hiệu cũng như không, gây mất an toàn trực tiếp cho các phương tiện và người đi đường khác.

Trước những phản ánh về tình trạng bất hợp lý trong việc bố trí các biển báo hiệu đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở GTVT các địa phương, các khu quản lý đường bộ tổng kiểm tra, điều chỉnh biển báo hợp lý hơn, nhằm tránh lãng phí cho Nhà nước, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông cho người đi đường.

Theo kế hoạch, đối với các cầu đường mới xây dựng, được thiết kế với tải trọng quy định, đáp ứng mọi tiêu chuẩn tải trọng của tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ hoặc cấp tương đương thì không được cắm biển tải trọng. Các cầu đường khác, tùy theo kết quả kiểm định mà cắm biển hạn chế tải trọng phù hợp. Biển báo hiệu tại khu đông dân cư chỉ cắm ở những nơi thật sự đông dân cư sinh sống, không cắm theo vị trí quy hoạch địa giới hành chính mà ở đó dân cư còn thưa thớt...

Đối với bảng thông tin tốc độ, vì không có trong Điều lệ báo hiệu đường bộ theo tiêu chuẩn ngành GTVT thì chỉ cắm ở những vị trí cần thiết với khoảng cách giữa các bảng từ 30 - 50 km; biển quy định tốc độ tối đa cho phép chỉ cắm ở những nơi thật sự nguy hiểm như: Đoạn đường cong liên tục, đèo dốc, “điểm đen” tai nạn giao thông cần phải hạn chế tốc độ liên tục 24/24 giờ, giá trị tốc độ tối đa cho phép và khoảng cách cắm biển tương ứng phải phù hợp và đủ dài để các phương tiện có khả năng điều chỉnh tốc độ theo quy định của biển báo. Sau khi hết yêu cầu về hạn chế tốc độ, phải cắm biển “Hết hạn chế tốc độ tối đa”. Những trường hợp khác có thể thay thế bằng biển “Đi chậm”, biển “Nguy hiểm khác” hoặc các biển cảnh báo khác cho phù hợp.

Ý KIẾN

Khó xử lý vi phạm tại nơi có biển báo giao thông mới cũ đan xen

Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Tại các khu vực đặt các biển báo giao thông cũ mới đan xen, lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn khi xử lý các vi phạm. Như tại đường Nguyễn Văn Cừ dẫn lên cầu Chương Dương, bên cạnh hàng loạt biển cấm xe tải, xe ca qua cầu vẫn tồn tại những biển báo hướng dẫn giờ cho xe tải, xe ca được phép qua cầu. Thực tế này nhiều lần đã dẫn tới những cuộc tranh cãi khó phân giải giữa lái xe và lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.

Biển báo nhập nhằng như “lừa” lái xe

Anh Nguyễn Văn Dũng, một lái xe có nhiều năm kinh nghiệm, nhà ở Khương Trung, Hà Nội cho biết: Thường xuyên lái xe trên tuyến đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng, tình trạng bố trí biển báo hiệu đường bộ tại đây nhập nhằng như “lừa” lái xe. Không hiểu vì lý do gì ở đây lại đặt biển báo ở giữa đoạn đường. Hơn nữa, cách phân làn trên tuyến Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng đúng là “xưa nay hiếm”. Đường một chiều, nhưng lại sử dụng vạch liền, không cho chém vạch chuyển làn, nhiều lúc chuyển làn nhường đường rồi không sao quay trở lại được, cứ phải bò sau một đoàn xe khách rồng rắn nhau đi chậm như rùa. Muốn sang làn đường thì buộc phải đến những nơi giao cắt hoặc cho quay đầu xe mới được rẽ sang. Điều này gây không ít khó khăn và bức xúc cho cánh lái xe.

Không thể để tình trạng “trốn tìm” biển báo hiệu

Bác Vũ Khắc Túc có địa chỉ email: tucvk@hn.vnn.vn cho biết: Hiện nay, tình trạng biển báo hiệu trên nhiều tuyến đường do không được quan tâm thường xuyên của các cơ quan chuyên ngành, nên nhiều nơi có biển mà như không, biển báo bị che lấp bởi lá cây, biển quảng cáo, nên nhiều lái xe không biết đi như thế nào, chỉ khi bị phạt mới biết chuyện đã rồi. Do đó, không thể để tình trạng “trốn tìm” biển báo hiệu tiếp diễn nữa.



Nguyễn Tiến thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN