Vì sao những cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội bị chết?

Liên quan tới vụ 3 cây sao đen chết khô trước 3 ngôi nhà đang xây trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 2/4, bà Nguyễn Minh Hương, Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ đã có văn bản báo cáo UBND quận về sự việc.

Trước đó, qua tiếp nhận thông tin và rà soát địa bàn, ngày 1/11/2023, UBND phường Phạm Đình Hổ ban hành văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra cây có dấu hiệu nguy hiểm, chết khô tại vị trí trên hè phố, trước cửa các số nhà 40 phố Lê Ngọc Hân, 65 và 71 phố Lò Đúc.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng thông tin. 

Vào ngày 29/12/2023, UBND phường nhận được đơn kiến nghị của người dân về việc cây sao đen trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc có dấu hiệu chết khô, nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh. Trong đơn có nội dung: "Cây đã có dấu hiệu chết trước khi công dân mua nhà và chuyển đến ở tại địa chỉ 65 Lò Đúc" (có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố).

Sau khi nhận được đơn kiến nghị, ngày 2/1/2024, UBND phường có văn bản gửi Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, Trung tâm hạ tầng Kỹ thuật đô thị TP Hà Nội kiểm tra và có biện pháp xử lý, trồng thay thế nếu cây bị chết, để đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị.

Chú thích ảnh
Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội.

Ngày 22/1/2024, Sở Xây dựng có văn bản giao Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và UBND phường Phạm Đình Hổ kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh, thống nhất cách xử lý để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Ngày 23/2/2024, tại biên bản kiểm tra hiện trường, các đơn vị xác định cây bị chết khô, mục rỗng gốc nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông, cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị chặt hạ, đánh gốc, trồng cây thay thế. Đồng thời, lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây chết cây để có biện pháp phòng tránh.

Chú thích ảnh
Cây sao đen chết, lực lượng chức năng đốn hạ để thay thế cây mới trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc.

Ngoài ra, chính quyền phường Phạm Đình Hổ cũng đề nghị trồng bổ sung cây xanh tại các điểm cây đã được đốn hạ và kiểm tra cây có dấu hiệu nguy hiểm trên địa bàn.

Ngoài việc xử lý vụ việc này, chính quyền địa phương cũng đang tập trung vào việc bảo vệ và phát triển cây xanh trên địa bàn. Quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu các phường rà soát và chăm sóc toàn bộ tuyến phố lớn có cây xanh lâu năm. Đồng thời, các hộ dân cũng được yêu cầu ký cam kết không xâm hại cây xanh trước mặt nhà, nhằm tạo ra một môi trường sống xanh sạch đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: "Việc này đang được 18 phường đồng loạt thực hiện. Sự hợp tác từ cộng đồng và chính quyền địa phương là chìa khóa để bảo vệ môi trường và cải thiện cảnh quan đô thị".

Ngày 2/4/2024, chính quyền phường bắt đầu ra quân, tuyên truyền yêu cầu khoảng 1.000 hộ dân có nhà mặt phố ký cam kết không xâm hại cây xanh trên 18 tuyến phố thuộc phường. Hiện có khoảng hơn 200 hộ mặt phố đã ký cam kết. Phường Phạm Đình Hổ cũng tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và các nhóm Zalo của tổ dân phố.

Vụ việc cây sao đen trên phố Lò Đúc là tín hiệu cảnh báo cho việc bảo vệ môi trường đô thị tại Hà Nội. Việc hành động kịp thời và tích cực từ cả chính quyền và cộng đồng sẽ là bước đi quan trọng trong việc tạo ra một môi trường sống lành mạnh và xanh mát cho tương lai.

Lê Phú/Báo Tin tức
Cần Thơ: Trồng hơn 1,4 triệu cây xanh trong năm 2024
Cần Thơ: Trồng hơn 1,4 triệu cây xanh trong năm 2024

Ngày 5/3, tại Khu huấn luyện 1 (huyện Phong Điền), Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN