Vì sao nhiều dự án giao thông bị đình trệ?

Một công trình giao thông nếu được hoàn thành đúng tiến độ thì có tác động xã hội và hiệu quả kinh tế rất lớn. Lãnh đạo TP.HCM đang nỗ lực từng bước khắc phục bài toán nan giải này. Nếu như quyết tâm thì không phải không thực hiện được.

Những gam màu sáng-tối

Một dự án giao thông trễ hẹn 3-5 năm không còn là chuyện mới lạ ở nước ta. Sự trì trệ của những công trình giao thông trọng điểm đã dẫn đến những hậu quả xã hội khôn lường. Đó là hạ tầng xuống cấp, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là việc tăng vốn các dự án.

Đại lộ Đông Tây sắp hoàn thành trở thành một nhánh lưu thông quan trọng cho các phương tiện đi về các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên do tiến độ thi công chậm đã phải điều chỉnh tăng vốn lên 3.600 tỷ đồng. Ảnh: Sĩ Dũng


Tại TP.HCM có không ít những công trình trọng điểm phải hạch toán lại, xin tăng vốn. Cụ thể như dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ 200 triệu USD lên hơn 320 triệu USD; dự án tuyến metro Bến Thành Suối Tiên từ 1,09 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD; dự án Đại lộ Đông Tây cũng tăng thêm 3.600 tỷ đồng…

Nguyên nhân tăng vốn của những dự án trọng điểm trên được ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM giải thích là do quá trình làm thủ tục cho một dự án lớn rất mất thời gian.


Chẳng hạn phương án xây dựng tuyến Metro số 1 từ năm 2004, đến năm 2008 mới chính thức khởi công thì việc trượt giá là tất nhiên. Hơn nữa, do là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải thay đổi quy hoạch, phương án tuyến, thiết bị... Có thể hiểu được những khó khăn của ngành giao thông TP.HCM vì năng lực chuyên môn không thể theo kịp được với những dự án mang tầm vóc quốc tế.

Nhưng với những dự án như cầu Hoàng Hoa Thám có chiều dài 104 m, bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì không ai chấp nhận bất cứ một lý do khách quan nào. Được khởi công tháng 9/1998 với tổng vốn đầu tư ban đầu chỉ là 19 tỷ đồng. Theo đúng kế hoạch ban đầu, công trình chỉ cần 16 tháng để hoàn thành nhưng nó đã kéo dài suốt 12 năm và trải qua 3 chủ đầu tư dự án khiến vốn đầu tư tăng lên 155 tỷ đồng.

Giải phóng mặt bằng chậm là một căn bệnh kinh niên khiến cho không ít các dự án giao thông trọng điểm rơi vào bế tắc. Liên tỉnh 25B - con đường huyết mạch mỗi ngày “cõng” khoảng 13.000 lượt xe vào cảng Cát Lái - 7 năm qua vẫn chưa thể khởi công. TP.HCM đang có nguy cơ mất dần nguồn thu từ vận tải cảng biển vì con đường này.

Theo giải thích của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Thành Tài, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng tại dự án liên tỉnh lộ 25B là phải giải phóng mặt bằng nhiều lần, dẫn đến giá bồi thường cũng phải điều chỉnh nhiều lần. Theo ông Tài, thành phố sẽ cố gắng bảo đảm cho người dân được lợi nhất khi họ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong khi ấy, chiểu theo những quy định của Luật Đất đai để tính bồi thường cho dân theo giá nào, thì thành phố không tính được.

Về lãng phí các công trình giao thông, Đại biểu HĐND thành phố Trương Trọng Nghĩa đã phải thốt lên rằng: “TP.HCM đang trả giá cho những tăng trưởng. Tăng trưởng cao nhưng mức sống lại đi xuống. GDP tăng cao nhưng hàng năm thành phố phải chi trả hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục. Chỉ riêng con đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố đã phải “chôn” ở đó hàng trăm tỉ đồng mà chưa biết ai phải chịu trách nhiệm, ai phải chi trả”.

Công bằng mà nói, việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị đã được TP.HCM tính đến từ trước. Cách đây hơn 10 năm, TP.HCM cũng là nơi đầu tiên thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Nhờ đó mà nhiều công trình đã mọc lên, bộ mặt đô thị cũng thay đổi đáng kể.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT thành phố, từ năm 2006-2009 và dự kiến 2010, TP.HCM có 784 công trình hoàn thành được đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư 28.245 tỉ đồng.


Ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở KH-ĐT thành phố đánh giá: Hiệu quả đầu tư của TP.HCM cao hơn của cả nước và góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang ngày càng xuống cấp của thành phố, nhất là các công trình giao thông, chống ngập, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả đầu tư các dự án, sắp tới thành phố sẽ kiểm tra lại năng lực triển khai đầu tư cũng như phải tăng cường năng lực ban quản lý dự án của quận, huyện.

Hiệu quả dài lâu

Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai 23 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 53.360 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 40.445 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 13.000 tỷ đồng. Ước tính sáu tháng đầu năm 2010, giải ngân đạt hơn 1.787 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 1.545 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch vốn được giao, vốn đối ứng hơn 241 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch vốn được giao.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Thành Tài cho biết, các giải pháp huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hạ tầng của lãnh đạo TP.HCM trong những năm qua đã phần nào phát huy được hiệu quả. Trong bối cảnh kinh phí eo hẹp, thì việc được các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia đầu tư dự án giao thông, các nguồn quỹ đầu tư quốc tế… là điều đáng trân trọng.

Tới đây, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia dự án theo hình thức PPP (Nhà nước - tư nhân). Đồng thời, tùy vào từng tình huống và thời điểm cụ thể, thành phố sẽ ngồi lại với doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá, hoàn vốn...

Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định, để phát huy hiệu quả đầu tư công, thành phố đang yêu cầu các sở, ngành tập trung phân tích, mổ xẻ để làm sao điểm trúng yêu cầu phát triển, tháo gỡ thủ tục khó khăn; xây dựng lộ trình tiến độ các dự án một cách bài bản; đặc biệt là đánh giá tác động một cách đồng bộ của các công trình đầu tư và đảm bảo vấn đề môi trường.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết những bất cập tồn tại trong thời gian qua, nhất là bảy vấn đề sẽ được tập trung giải quyết nhằm hướng tới phát triển nhanh, bền vững, đồng thời quản lý đô thị tốt hơn...

Một trong những nội dung đáng lưu ý là thành phố sẽ rà soát để giảm tối đa và xóa bỏ dần quan hệ “xin cho” trong quản lý kinh tế, nhằm làm tăng hiệu quả các dự án, công trình, để thực hiện tốt an sinh xã hội.
 

Ý KIẾN

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM:
Sẽ sớm khắc phục 3 yếu tố quan trọng: TP.HCM nhìn nhận trong thời gian qua, nhiều công trình sẽ hiệu quả hơn nếu thi công không chậm trễ, đưa vào khai thác đúng tuyến đúng thời điểm. Nhận thức được điều này nên ngay từ đầu năm, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo 3 vấn đề lớn cần tháo gỡ để đầu tư công hiệu quả hơn: Về thủ tục đầu tư, giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giải quyết tốt nhà tái định cư, kết nối các công trình cho đồng bộ…

Ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu HĐND TP.HCM: Hiệu quả kinh tế từ các công trình giao thông trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Nhưng không phải hiệu quả căn cứ vào số lượng công trình được liệt kê hoàn thành hàng năm mà là hiệu quả sử dụng đồng vốn trên công trình đó. Làm sao để không còn những công trình “tai tiếng” như cầu Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Hữu Cảnh… là điều mà thành phố phải khắc phục.


Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN