Vì sao ngành tài nguyên môi trường thiếu nhân lực?

"Việc của ngành tài nguyên và môi trường ngày càng nhiều lên trong khi nhân lực lại thiếu và yếu... Do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trình Chính phủ Đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020. Khi đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những bất cập của ngành như cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và bài toán nhân lực có cơ hội được giải quyết...", Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành vào sáng 6/12.

Việc tăng - người thiếu

Ông Nguyễn Trung Việt, Sở TN&MT TP.HCM phản ánh, dân số TP những năm trước đây chỉ 2 triệu người, nay lên hơn 9 triệu người. Trước TP không có khu, cụm công nghiệp (KCN) thì nay có tới 14 KCN, 33 cụm CN. Trước đây chưa có chương trình phân loại rác, chưa bị ngập úng... thì nay các vấn đề này nổi lên khiến các đơn vị chuyên trách TN&MT của TP.HCM quá tải. Điều này cho thấy, công việc và những vấn đề của ngành thì ngày càng tăng, trong khi nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu nên không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là lý do khiến công tác bảo vệ môi trường trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng chưa hiệu quả.

Cảnh sát môi trường đo kiểm tra lại hệ thống bể xử lý chất thải của công ty vi phạm. Ảnh: Trần Tiến Duẩn-TTXVN


Ông Võ Trực Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị phản ánh, trong tổng số lực lượng cán bộ làm công tác TN&MT trên địa bàn, chỉ 50% có trình độ chuyên ngành, số còn lại do lịch sử để lại nên được sắp xếp để làm công tác này. "Dù không hiệu quả nhưng tỉnh và Sở vẫn chưa thể có giải pháp nào khả dĩ hơn bởi thiếu cán bộ...", ông Linh than.

Ông Nguyễn Sĩ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an nêu thực tế, đặc thù của ngành quy định 80% cán bộ vào ngành phải biết điều tra, chỉ chấp nhận 20% biên chế từ các ngành khác. Từ đặc thù này khiến C49 phải tuyển chủ yếu là cảnh sát nên nhân lực có kiến thức về TN&MT bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh với tội phạm môi trường.

Theo Bộ TN&MT, các bất cập trên xuất phát từ việc quá tải công việc. Cạnh đó là số cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm ngày càng giảm, nhiều lĩnh vực có nguy cơ thiếu hụt cán bộ. Trong khi đó, việc quá tải cũng khiến cho cán bộ quản lý ngành và địa phương sa vào giải quyết sự vụ, chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động mang tính chiến lược cũng như nghiên cứu thực tiễn.

Đào tạo thế nào cho kịp?

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Đề án phát triển nhân lực của ngành đang trình Chính phủ đề xuất đào tạo từ 150 đến 200 tiến sĩ, ưu tiên các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước... và đào tạo từ 800 đến 1.000 thạc sĩ trong các chuyên ngành quản lý, kinh tế ngành và về TN&MT. Cạnh đó, đào tạo nâng cao từ 6.000 - 8.000 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành về TN&MT và đào tạo từ 6.000 - 10.000 lượt cán bộ, công chức cấp tỉnh tiếp cận các kiến thức và công nghệ tiên tiến của thế giới.

Ngành TN&MT đang có gần 1.200 công chức đang công tác tại các đơn vị quản lý nhà nước và gần 11.000 viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
Lực lượng viên chức ngành TN&MT tại địa phương có 33.600 người. Hệ thống đào tạo chuyên ngành TN&MT có ba trường: Đại học TN&MT Hà Nội, Cao đẳng TN&MT TP.HCM và Cao đẳng TN&MT miền Trung. Quy mô đang đào tạo 7.500 sinh viên cao đẳng; 4.000 học sinh hệ trung cấp/năm.


Giai đoạn 2016 - 2020, ngành đào tạo từ 300 - 350 tiến sĩ; từ 2.000 - 2.500 thạc sĩ; đào tạo nâng cao khoảng 4.000 cán bộ đã có trình độ đại học và bồi dưỡng từ 6.000 - 8.000 lượt cán bộ công chức tuyến địa phương... cùng với đó là đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất giảng dạy để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại diện các trường đại học đồng thuận: Để đào tạo nhân lực của ngành đáp ứng ngay yêu cầu thực tế thì không thể dập khuôn mô hình, tổ chức và phương pháp giảng dạy cũ, cần phải có giải pháp đột phá.

Góp ý với việc ngành TN&MT sẽ thành lập thêm ba trường đại học (nâng cấp từ các trường cao đẳng), GS Đặng Kim Chi, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: Để có mô hình đào tạo nhân lực cho ngành thành công, quan trọng nhất là trường phải có đội ngũ giảng viên đúng chuyên môn, trình độ. Giảng viên cũ phải đào tạo lại, đồng thời tiếp nhận giảng viên mới được đào tạo từ những nền giáo dục tiên tiến thế giới. Thứ hai là việc chuẩn bị giáo trình, phải sát hợp thực tiễn, giúp sinh viên đi tắt, đón đầu, ra trường là bắt tay vào việc được ngay. Thứ ba phải tranh thủ sự hợp tác quốc tế với các nước có trình độ và KHCN tiên tiến để cập nhật thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật về TN&MT. Cần phải liên tục cập nhật, dự báo cung - cầu nhân lực của ngành để đào tạo cho phù hợp...

Xuân Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN