Vi phạm trong sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật: Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Trong 3 năm trở lại đây, tình trạng gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nạn buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả. Trong khi đó, mức xử phạt lại chưa đủ sức răn đe, khiến tình trạng này có nguy cơ ngày càng bùng phát.

Vi phạm ngày càng gia tăng

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm, cơ quan chức năng kiểm tra khoảng 500 - 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); phát hiện 12 - 14% cơ sở vi phạm. Các vi phạm gồm: Kinh doanh thuốc cấm, giả, ngoài danh mục, không nguồn gốc...

Thuốc bảo vệ thực vật giả bị Công an TP.HCM bắt giữ tháng 3/2011. Ảnh: TTO


Đặc biệt, trong vòng 3 năm trở lại đây, tình hình buôn bán thuốc giả có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Theo ông Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục BVTV: “Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, các địa phương đã phát hiện 17 trường hợp buôn bán thuốc giả với trên 80.000 gói, chai thuốc BVTV giả”.

Theo Cục BVTV, từ đầu năm đến nay, Cục đã xử lý 14 lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng. Trong đó phạt vi phạm hành chính và cho nhập gia công tái chế 11 lô với trên 49.400 lít thuốc; tái xuất 3 lô với 27.988 lít. Thanh tra cục và các đơn vị trực thuộc đã lập 1.118 biên bản vi phạm hành chính về Điều lệ quản lý thuốc BVTV, xử phạt tổng cộng trên 1,6 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, Cục BVTV đã thành lập 7 đoàn đi thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật tại 7 công ty ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Định và Cần Thơ. Kiểm tra 20 nhãn thuốc BVTV đang lưu hành thì có tới 14 nhãn vi phạm; trong đó chủ yếu là các lỗi: cỡ chữ in trên nhãn nhỏ; không có nhãn phụ đính kèm; ghi chưa đúng so với nội dung đăng ký; không ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất nguyên liệu...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Bùi Bá Bổng cho biết: “Tình hình sử dụng thuốc BVTV hợp pháp xen lẫn thuốc bất hợp pháp vẫn còn xảy ra khá nghiêm trọng ở Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sinh thái, tăng trưởng nông nghiệp, thu nhập của nông dân”.

“Nếu mua phải thuốc giả, người nông dân không những mất tiền mà còn gây tác động xấu tới môi trường”, ông Toản cho biết.

Do đó, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, cần phải có những biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Chưa có cơ chế phù hợp

Theo Cục BTVV, hiện tại, cả nước có khoảng 80 nhà máy gia công, đóng gói và 30.000 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đã sang chai, đóng gói, pha trộn thuốc giả để bán cho nông dân. Bên cạnh đó, nước ta phải nhập hầu hết nguyên liệu và thuốc BVTV thành phẩm, trong đó trên 80% là từ Trung Quốc, do vậy người sản xuất dễ dàng pha trộn để làm giả thuốc BVTV.

Trong khi đó, việc quản lý mặt hàng này vẫn bất cập. Trong Luật Thanh tra có hiệu lực từ 1/7/2011 nêu rõ, các tổng cục, cục, chi cục không tổ chức thanh tra, mà chuyển giao xử phạt vi phạm hành chính về thanh tra sở. Trước đây, hành vi buôn bán thuốc giả phải chịu mức phạt từ 15 – 30 triệu đồng. Nhưng nay, khi chuyển về Sở NN&PTNT, mức phạt hành vi này lại theo Nghị định 06/2008/NĐ - CP ngày 16/1/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, chỉ còn 1 – 2 triệu đồng. Do vậy, không đủ sức răn đe.

Hơn nữa, “Chúng ta quá dễ dãi trong việc quản lý các loại thuốc BVTV nhập khẩu. Ở các nước chỉ cho phép nhập thuốc BVTV không quá 2 hoạt chất, trong khi các sản phẩm thuốc BVTV nhập về nước ta thường là hỗn hợp có 3 – 4 hoạt chất. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng hành vi gian lận”, ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết.

Bên cạnh đó, các công ty bán thuốc BVTV thường đưa nhân viên về tiếp thị sản phẩm ngay tại địa phương nhưng lại chưa có chứng chỉ hành nghề. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý.

Vì vậy, bà Phùng Mai Vân, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục BVTV, cho rằng, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật. Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung kịp thời các quyết định pháp luật về quản lý thuốc BVTV, xây dựng chiến lược quản lý thuốc BVTV... để nâng cao năng lực quản lý thuốc BVTV. Cần có sự thống nhất về hành lang pháp lý và nâng mức xử phạt vi phạm.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục BVTV soạn thảo dự thảo sửa đổi Thông tư 38 về quản lý thuốc BVTV, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2011.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN